(VnMedia) - Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đem đến nhiều cơ hội, đồng thời thách thức cho các nước trên Thế giới trong việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việt Nam trước thách thức bắt nhịp với cách mạng công nghiệp 4.0 buộc phải triển khai áp dụng công nghệ vào nhiều lĩnh vực sản xuất, trong đó có nông nghiệp. Sớm nắm bắt được xu hướng này, một số doanh nghiệp công nghệ trong nước đã cho ra mắt nhiều giải pháp hỗ trợ cho ngành Nông nghiệp tại Việt Nam.
Nông nghiệp Việt Nam trước thách thức CMCN 4.0
Dân số thế giới hiện nay là 7,6 tỉ người và ước tính sẽ tăng lên 9,8 tỷ vào năm 2050. Trong đó, sản xuất lương thực mới chỉ đáp ứng được nhu cầu của 70% dân số thế giới nên Nông nghiệp là ngành có tiềm năng phát triển rất lớn. Dự báo giá trị ngành nông nghiệp đem lại bằng cả ngành công nghiệp ô tô lẫn ngành CNTT cộng lại. Đó là chưa kể tới việc khoảng 1/3 dân số có nhu cầu về các loại thực phẩm chất lượng cao.
Trong Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), Nông nghiệp được coi là một trong số 5 lĩnh vực có nhiều cơ hội bứt phá nhất của Việt Nam. Để nắm bắt được cơ hội đó, theo nhiều chuyên gia trong và ngoài ngành, triển khai Nông nghiệp thông minh là việc bắt buộc để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Nông nghiệp thông minh là bước phát triển tiếp theo của Nông nghiệp công nghệ cao, trong đó CNTT sẽ không chỉ được áp dụng vào một số khâu mà là toàn bộ quá trình sản xuất. Thậm chí là cả những khâu sau sản xuất như sơ chế, đóng gói, bảo quản, phân phối…
Giải pháp đã sẵn sàng
Tại Việt Nam, hiện đã có rất nhiều giải pháp ứng dụng CNTT dành cho lĩnh vực nông nghiệp. Từ các giải pháp riêng lẻ cho từng khâu sản xuất tới những giải pháp tích hợp nhiều tính năng hơn như đo đạc các thông số của môi trường không khí, độ ẩm đất, lượng mưa của Mimosa TEK, Hệ thống SmartAgri giúp quản lý sản xuất nông nghiệp từ giai đoạn ươm mầm, xuống giống đến thu hoạch và bảo quản theo quy trình chuẩn của Global Cyber Soft Vietnam, Hệ thống trồng trọt thủy canh của Hachi…
Trong một số triển lãm, hội thảo gần đây về VT-CNTT, giải pháp Nông nghiệp thông minh (Smart Agriculture) của VNPT Technology được chú ý bởi các tính năng hoàn chỉnh, sử dụng được cho cả lĩnh vực trồng trọt lẫn chăn nuôi. Không chỉ giúp đo đạc tất cả các thông số của đất, môi trường, đề xuất thời gian tưới, thời gian chiếu sáng phù hợp theo từng giai đoạn cho các trang trại trồng trọt, giải pháp còn giúp các trang trại chăn nuôi quản lý tất cả các khâu như hệ thống cho ăn, hệ thống chiếu sáng, hệ thống thu hoạch trứng, hệ thống thu gom phân, hệ thống sưởi ấm…
Nhờ được tích hợp công nghệ phân tích dữ liệu lớn, giải pháp Smart Agriculturecủa VNPT Technology còn cho phép các chủ trang trại thực hiện phân tích, dự báo, chủ động trong việc hoạch định, sản xuất, vận chuyển, lưu kho…, đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất có thể.
Theo đại diện của VNPT Technology, Smart Agriculture chỉ là một trong số nhiều ứng dụng được triển khai trên nền tảng kết nối thông minh (Smart Connected Platform - SCP) của đơn vị này. SCP là giải pháp công nghệ về Internet vạn vật ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, công nghệ điện toán biên và các công nghệ tiên tiến nhất để Kết nối, Thu thập, Quản lý, Xây dựng và Phân phối ứng dụng, thiết bị IoT, đồ vật, tài sản lên Internet một cách nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí. Đặc biệt SCP là một nền tảng hoàn toàn mở, cho phép tất cả các đơn vị có nhu cầu có thể tham gia phát triển các ứng dụng của mình trên đó. SCP có thể triển khai ứng dụng cho nhiều ngành dọc khác nhau như: Y tế, Giao thông, smart city, smart home, Công nghiệp, năng lượng…
“Hiện nền tảng SCP đã được chuẩn hóa và chia sẻ rộng rãi tại website: thingxyz.net và VNPT Technology cho biết rất mong nền tảng này sẽ trở thành công cụ để các nhà phát triển ứng dụng, các nhà sản xuất, cung cấp thiết bị dành cho nông nghiệp cùng tham gia. Góp phần xây dựng một nền nông nghiệp thông minh, cho ra các sản phẩm nông sản đáp ứng mọi nhu cầu, tiêu chuẩn khắt khe nhất của thị trường” – đại diện VNPT Technology chia sẻ.
Hạ tầng kết nối đã sẵn sàng, các giải pháp cũng đã có, có thể nói Nông nghiệp Việt Nam đang có điều kiện thuận lợi để có thể bứt phá dành lợi thế trong CMCN 4.0. Bước đầu đã có những mô hình nông nghiệp thông minh được triển khai song để hình thành được một nền nông nghiệp thông minh, các mô hình này cần phải được nhân rộng.
Hoàng Vũ
Ý kiến bạn đọc