Thị trường viễn thông năm 2017 tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ

16:24, 22/12/2017
|

(VnMedia) - Theo báo cáo của Bộ TT&TT, thị trường viễn thông Việt Nam tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó doanh thu dịch vụ viễn thông ước tính năm 2017 đạt 353.000 tỷ đồng, tăng 6,8% so với năm 2016, tổng nộp ngân sách ước tính 23.000 tỷ đồng.

Với những chính sách mở cửa thị trường, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp phát triển, trong những năm qua, thị trường viễn thông đặc biệt là thị trường viễn thông di động tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành Viễn thông nói riêng và của nền kinh tế nói chung.

Theo Báo cáo tổng kết của của Bộ TT&TT, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có mật độ thuê bao viễn thông cao trên thế giới, nhất là thuê bao di động. Tỷ lệ thuê bao di động đạt khoảng 116 thuê bao/100 dân, phủ sóng di động đạt 95% diện tích cả nước. Tỷ lệ thuê bao Internet băng rộng cố định đạt 11,90 thuê bao/100 dân; Tỷ lệ thuê bao băng rộng di động đạt 52,8 thuê bao/100 dân; Tỷ lệ người sử dụng Internet là 54,19 % dân số.

Tính đến nay, có 77 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông và 52 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet đang hoạt động. Tính đến tháng 11/2017, đã có 180 giấy phép viễn thông được cấp cho các doanh nghiệp. Tổng số trạm BTS/Node B trên toàn quốc (ước tính hết năm 2017) là 227.250 trạm; Tổng băng thông kết nối Internet quốc tế đang sử dụng (ước tính năm 2017) là 5.370.096 Mbps. Đến nay, 32.602 giấy phép tần số đã được cấp, nộp ngân sách nhà nước 278,4 tỷ đồng số phí, lệ phí thu được theo quy định của Nhà nước.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu tại Hội nghị.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu tại Hội nghị.

Năm 2017, các doanh nghiệp viễn thông đã triển khai cung cấp dịch vụ viễn thông 4G; xây dựng phương án trao đổi dung lượng cáp quang biển trong trường hợp có sự cố đứt cáp để đảm bảo dung lượng kết nối đi quốc tế của Việt Nam; đảm bảo thực hiện quản lý chất lượng dịch vụ cung cấp.

Tuy tốc độ tăng trưởng mạnh và tỷ lệ thuê bao di động cao nhưng theo đánh giá của Bộ TT&TT, phần lớn các thuê bao di động hiện nay là thuê bao trả trước, trong đó số thuê bao di động trả trước có thông tin không chính xác chiếm một tỉ lệ lớn; cùng với đó là tình trạng SIM kích hoạt sẵn, thông tin thuê bao không đúng, SIM rác vẫn còn tồn tại phổ biến.

Chính vì vậy, trong năm 2017, Bộ đã chủ động đề xuất, triển khai nhiều các giải pháp, biện pháp để tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông, Internet, tần số vô tuyến điện.

Điển hình là Nghị định số 49/2017/NĐ-CP được ban hành ngày 24/4/2017 đã từng bước khắc phục các kẽ hở pháp lý, tăng tính hiệu quả và khả thi trong công tác quản lý thông tin thuê bao góp phần thúc đẩy thị trường viễn thông Việt Nam phát triển mạnh và bền vững.

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng đã ban hành quy định về việc chuyển mạng viễn thông di động mặt đất giữ nguyên số thuê bao, hoàn thành thiết lập và thử nghiệm hệ thống kỹ thuật cung cấp dịch vụ. Thực hiện quản lý chặt chẽ giá cước, chương trình khuyến mại của các dịch vụ viễn thông theo quy định, đổi mới phương thức quản lý giá cước một số dịch vụ phù hợp với tình hình thị trường, thông lệ quốc tế (như giá cước chuyển vùng quốc tế).

Bộ TT&TT cũng đã tăng cường công tác quản lý thuê bao di động trả trước, chất lượng dịch vụ và hạ tầng viễn thông thụ động tại địa phương. Tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối.Bộ TT&TT đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông di động cam kết phối hợp, tăng cường ngăn chặn tin nhắn rác.

“Năm 2017 ghi nhận các bước tiến rõ rệt trong việc giải quyết vấn nạn SIM rác, tin nhắn rác đã diễn ra trong rất nhiều năm vừa qua. Đến thời điểm hiện nay, đã có trên 24 triệu SIM kích hoạt sẵn đã bị xử lý, hơn 300 triệu tin nhắn rác đã được các nhà mạng tiến hành ngăn chặn. Điều này đã thể hiện một nỗ lực rất lớn không chỉ của các đơn vị quản lý nhà nước mà nó còn thể hiện sự quyết tâm, cùng phối hợp để ngăn chặn tình trạng này của các nhà mạng viễn thông di động”, Bộ Trưởng Trương Minh Tuấn nhận định.

Hơn nữa, công tác thanh tra chuyên ngành cũng được thực hiện thường xuyên tập trung vào quản lý giá cước, khuyến mại và việc sử dụng kho số viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông. Bộ TT&TT đã đẩy mạnh công tác đo kiểm chất lượng dịch vụ nhằm đảm bảo người dân được sử dụng dịch vụ có chất lượng tương xứng với mức giá cước mà các doanh nghiệp công bố.

Do đó, năm 2018, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục chỉ đạo phát triển thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh, bền vững; đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt; Tăng cường quản lý hiệu quả thuê bao di động trả trước, giá cước viễn thông và dịch vụ trên mạng Internet di động; hạn chế SIM rác, tin nhắn rác; Tăng tốc triển khai giai đoạn 3 Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đến năm 2020. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 được Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đưa ra tại Hội nghị.

Tuệ Minh

 


Ý kiến bạn đọc