(VnMedia) - Dù chỉ áp dụng tại Mỹ, song đạo luật mới sắp được Mỹ thông qua sẽ khiến người dùng Internet toàn cầu bị ảnh hưởng, bởi rất nhiều công ty của Mỹ đang cung cấp các dịch vụ internet trên toàn thế giới như Gmail, YouTube của Google, Facebook, Netflix… Thậm chí có ý kiến cho rằng nó sẽ "phá hủy" internet.
Ngày 14/12 tới đây, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) sẽ tiến hành bỏ phiếu về việc bãi bỏ các quy định về Trung lập internet đã được đưa ra từ năm 2015, dưới thời Tổng thống Obama. Với những động thái trong vài tuần qua, kết quả từ các cuộc dự thảo và trưng cầu ý kiến, với đại đa số thành viên thuộc đảng Cộng hòa - những người muốn dẹp bỏ net neutrality thì người ta cho rằng đã có thể thấy trước kết quả. Các quy định về trung lập internet sẽ bị bãi bỏ.
Điều đó có nghĩa là gì? Có nghĩa là các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) sẽ có toàn quyền đối với những gì được truyền tải trên mạng lưới của họ. Nếu như với Net neutrality, tất cả các nội dung được truyền trên internet, dù là của nhà cung cấp nào thì cũng được đối xử bình đẳng như nhau, được truyền với tốc độ như nhau thì nếu quy định này được bãi bỏ, các ISP sẽ có quyền gán tốc độ cho chúng theo ý muốn của mình.
Ví dụ, nếu các ISP đồng thời cung cấp cả dịch vụ di động, các gói tin từ các dịch vụ OTT như Facebook, Viber, WhatsApp… có thể sẽ bị gán tốc độ chậm đi để giảm tính cạnh tranh so với dịch vụ thoại họ đang cung cấp, hoặc thậm chí là chặn hẳn. Hay nếu họ đồng thời cung cấp cả dịch vụ truyền hình thì các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình internet khác trên thị trường cũng sẽ nằm trong danh sách được truyền với tốc độ chậm hơn (hoặc với tốc độ tiêu chuẩn và tăng tốc ưu tiên cho dịch vụ của ISP).
Điều này cũng được dự báo trước bởi các ISP của Mỹ hiện đều kinh doanh đa ngành nghề. Ví dụ Comcast đang sở hữu NBC, AT&T đang cố gắng mua lại hãng phim Time Warner, hay Verizon là chủ của AOL và Yahoo.
Người ta lo ngại khả năng khi việc bãi bỏ chính thức được thông qua, sẽ xảy ra tình cảnh là người dùng sẽ phải xem YouTube, Gmail với tốc độ chậm như rùa!
Tại thời điểm năm 2015, khi mà các quy định về tính trung lập của internet được đưa ra bàn luận. Các ISP đã cho rằng các quy định này là không công bằng với họ. Họ phải đổ tiền ra để đầu tư xây dựng hạ tầng truyền tải, song rất nhiều dịch vụ nội dung chạy trên đó (ví dụ như các dịch vụ OTT) không phải trả đồng nào mà lại còn làm ảnh hưởng tới doanh thu từ các dịch vụ khác của họ. Nếu các quy định trung lập được thông qua, nó sẽ là rào cản, các ISP sẽ không muốn tăng cường đầu tư nâng cấp hạ tầng nữa.
Còn nhớ cũng tại thời điểm đó, một đề nghị khác từ phía các ISP đã được đưa ra - đó là cơ quan quản lý có thể quy định về tốc độ truyền dẫn tiêu chuẩn theo từng giai đoạn. Theo đó tất cả các nội dung trên internet sẽ được truyền tải với tốc độ này. Còn các ISP sẽ được phép điều chỉnh tốc độ truyền tải các nội dung khác với tốc độ cao hơn (ví dụ như với các nội dung có hợp đồng thêm với ISP nâng tốc độ truyền tải). Như vậy, các ISP sẽ có thêm nguồn doanh thu - là động lực để đầu tư phát triển hạ tầng mà vẫn đảm bảo quyền lợi của người dùng. Tuy nhiên, đề nghị này không được thông qua.
Hiện chưa rõ việc bãi bỏ các quy định về tính trung lập của internet tại Mỹ trong ngày 14/12 tới đây có kèm theo quy định nào với các ISP hay không? Và việc hạn chế tốc độ với các doanh nghiệp cung cấp nội dung khác sẽ diễn ra như thế nào?
Hoàng Vũ
Ý kiến bạn đọc