(VnMedia) - Không nhiều vấn đề nóng và được nhắc đến nhiều như lĩnh vực viễn thông song Công nghệ thông tin mới là lĩnh vực chính đem lại doanh thu của toàn ngành.
Theo số liệu từ Bộ TT&TT, hiện tại Việt Nam đang có khoảng 27.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT và 4 khu công nghiệp tập trung. Nhiều doanh nghiệp đã tạo dựng được tên tuổi trên thị trường quốc tế, ví dụ như FPT Software, FIS, TMA, MISA..., trong lĩnh vực công nghệ cao có ELCOM, NextTech, MK Smart…
Năm 2017 tổng doanh thu phát sinh lĩnh vực CNTT ước đạt 1.723.500 tỷ đồng, tương ứng với gần 81% tổng doanh thu toàn ngành. Trong đó, chủ yếu là giá trị xuất khẩu mà lĩnh vực này mang lại (1.444.750 tỷ đồng). Giá trị xuất khẩu phần mềm ước đạt gần 60.000 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong thực tế, công nghiệp CNTT ngày càng trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn, đóng góp quan trọng vào GDP quốc gia. Các sản phẩm, dịch vụ CNTT đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, tạo nền tảng để phát triển kinh tế tri thức, thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần làm chủ các hệ thống thông tin, đảm bảo an toàn thông tin và chủ quyền số quốc gia.
Với hạ tầng kỹ thuật ngày càng được hoàn thiện, ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước ngày càng được đẩy mạnh, đem lại nhiều hiệu quả tích cực.
Tuy vậy, hiện các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp CNTT ví dụ như hỗ trợ thuế vẫn còn chưa đảm bảo khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển hết tiềm năng. Luật CNTT đã ra đời và đi vào cuộc sống được 10 năm nhưng đã đến lúc cần phải sửa đổi cho phù hợp với sự thay đổi của những xu thế công nghệ mới.
Trong những năm gần đây, số lượng các trường đại học, cao đẳng đào tạo về chuyên ngành CNTT, Điện tử viễn thông vẫn giữ ổn định ở con số 290 trường. Mặc dù số chỉ tiêu tuyển sinh năm sau cao hơn năm trước nhưng tỷ lệ tuyển sinh lại giảm. Có một thực tế là dù 2/3 số trường ĐH, cao đẳng hiện nay có đào tạo chuyên ngành này nhưng nhiều sinh viên ra trường vẫn không có veiẹc làm, trong khi các doanh nghiệp vẫn thiếu trầm trọng nhân lực lĩnh vực này. Một trong những nguyên nhân là chất lượng nhân lực đào tạo không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là việc các sinh viên ra trường thiếu kỹ năng làm việc thực tế, các kỹ năng mềm và ngoại ngữ.
Ví dụ, trong lĩnh vực ATTT, Việt Nam còn đang rất thiếu nhân lực trong mảng này. Năm 2017, Việt Nam tiếp tục là một trong những quốc gia có nguy cơ nhiễm mã độc cao trên thế giới và đứng đầu thế giới về tỷ lệ lây nhiêm các phần mềm độc hại qua thiết bị đa phương tiện. Các đơn vị chức năng đã ngăn chặn được nhiều cuộc tấn công vào các trang thông tin điện tử của các Bộ, ngành, địa phương.
Tuy nhiên, vẫn có những thiệt hại nghiêm trọng. Ví dụ như vụ việc website của các cảng hàng không bị xâm nhập và chiếm quyền kiểm soát. Hay trong tháng 5 vừa qua, cuộc tấn công mạng tống tiền Wanacry đã diễn ra với quy mô lớn, nhiều doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam đã bị lây nhiễm.
Hiện tượng mất ATTT trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử bắt đầu được ghi nhận và tăng cả về số lượng lẫn thủ đoạn, gây thiệt hại về tiền của cho người dùng.
HV
Ý kiến bạn đọc