Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm:: "Không sử dụng mạng, chúng ta không thể hội nhập với thế giới"

19:06, 13/11/2017
|

(VnMedia) - Chiều nay (13/11), các đại biểu Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật An ninh mạng và dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Bộ Công an được phân công chủ trì soạn thảo hai dự luật trình Quốc hội.

Bộ trưởng Tô Lâm
Bộ trưởng Tô Lâm

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, dự án luật bảo vệ bí mật nhà nước và An ninh mạng rất quan trọng. Nó đã nhận được sự quan tâm của quốc tế, các diễn đàn song phương, đa phương và các tổ chức quốc tế. Vấn đề mạng đã đi vào mọi mặt của đời sống xã hội và phải đảm bảo kể cả bí mật đời tư của người dân tham gia hoạt động trên không gian mạng chứ không phải chỉ an ninh chung của quốc gia. 

“Mạng internet làm biến đổi nhiều mặt quan hệ xã hội, tác động vào sản xuất, đời sống, kinh tế, văn hoá, xã hội, giúp năng suất lao động cao. Không thể ngăn chặn, cản trở được sự phát triển của thông tin điện tử, internet vì bất kể lý do gì. Nếu vì đảm bảo an ninh mạng mà chúng ta không sử dụng mạng, không ứng dụng tiến bộ đó thì rõ ràng rất lạc hậu, không thể chơi được với ai, không thể hội nhập với thế giới” – Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Tuy nhiên, chúng ta vào “cuộc chơi chung” thì bộc lộ rất nhiều nguy cơ về mất an ninh nếu không làm chủ. “Thủ tướng Singapore chia sẻ với tôi là thậm chí ngôi nhà ứng dụng internet rất nhiều thì người khác có thể xâm nhập vào và biết được cả những bí mật của gia đình mình”.

Nhấn mạnh quan điểm rõ ràng chúng ta cần ứng dụng của internet nhiều hơn nữa và nước ta còn nhiều tiềm năng, Bộ trưởng Bộ Công an dẫn chứng đang phát triển Chính phủ điện tử, thời cách mạng công nghiệp 4.0 thì phải ứng dụng tiến bộ của công nghệ thông tin, internet. Tuy vậy, phát triển phải song hành với đảm bảo an ninh an toàn.

Lực lượng an ninh mạng không một cơ quan nào có thể đứng ra đảm bảo được mà phải toàn xã hội đóng góp vào. Luật này ra đời để huy động toàn xã hội hiểu được thế nào là an ninh mạng, hiểu được thế nào là nguy cơ và thấy trách nhiệm của mình làm gì để đảm bảo được an ninh mạng.

Đại biểu Nguyễn Việt Dũng (đoàn TP.HCM), Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Tp.HCM nhận xét, dường như do các cơ quan soạn thảo khác nhau, nên đã không có sự kế thừa, thống nhất trong quá trình xây dựng luật.

Một trong các vấn đề được đại biểu quan tâm là quy định các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam…

Đại biểu Dũng phát biểu: "Một yêu cầu không thể không chú ý là khi ban hành, luật cần phải đảm bảo cho công dân quyền tự do; quyền sáng tạo. Tôi rất quan tâm đến quy định đặt máy chủ ở Việt Nam. Ban soạn thảo cần làm rõ khái niệm "nhà cung cấp mạng xã hội" với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet".

Theo đại biểu này thì quy định "đặt máy chủ" là khó chấp nhận đối với các nhà cung cấp mạng xã hội. 

Ông nói: "Chẳng lẽ khi hoạt động ở 200 thị trường, Facebook lại phải đặt máy chủ ở 200 nước với đội ngũ quản lý và chi phí cực kỳ lớn? Cho nên việc quản lý tập trung là bình thường, bắt họ đặt máy chủ ở Việt Nam là không khả thi. Về mặt kỹ thuật thì không nhất thiết phải đặt máy chủ mới quản lý được các tài khoản ở Việt Nam".

Khánh An


Ý kiến bạn đọc