(VnMedia) - Theo kế hoạch của Bộ TT&TT, các nhà mạng sẽ phải triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ số di động (Mobile Number Portibility - MNP) từ ngày 31/12/2017. Liệu việc cung cấp dịch vụ này có gây ra sự xáo trộn lớn với thị trường viễn thông trong nước?
Bối cảnh triển khai MNP tại Việt Nam
Dịch vụ chuyển mạng giữ số được triển khai trên thế giới từ những năm 1995 với cả số điện thoại cố định và số điện thoại di động. Dịch vụ hiện đã được triển khai tại hơn 90 quốc gia trên toàn thế giới (dành cho cả số cố định và di động). Tại một số quốc gia chuyển mạng giữ số còn được coi như một dịch vụ viễn thông cơ bản.
Sở dĩ được nhiều nước triển khai như vậy là do việc chuyển mạng giữ số đem lại nhiều lợi ích cho cả người dùng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Năm 2008 Việt Nam tham gia đàm phán Hiệp định đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), dự thảo Hiệp định có một điều khoản là yêu cầu Việt Nam triển khai MNP trong vòng 5 năm tới, sau đó cần xem xét triển khai dịch vụ giữ số đối với số cố định. Bắt đầu từ lúc đó, khái niệm MNP được đưa ra nghiên cứu, bàn thảo.
Trong nhiều cuộc gặp gỡ và hội thảo với các tổ chức quốc tế như ITU, APEC Tel… đa số các nước đã triển khai đều khuyến nghị các quốc gia khác (đặc biệt là những quốc gia có thị trường viễn thông đang bão hòa) nên sớm triển khai để thúc đẩy thị trường cạnh tranh lành mạnh hơn.
Tháng 9/2013, Bộ TT&TT đã chính thức thông qua Đề án triển khai dịch vụ chuyển mạng thông tin di động giữ nguyên số thuê bao tại Việt Nam. Với việc số lượng thuê bao di động chiếm tới trên 90% tổng số thuê bao điện thoại của cả nước, Bộ TT&TT quyết định sẽ triển khai trước đối với số di động. Dịch vụ cho số cố định sẽ tùy theo nhu cầu người dùng và tình hình thị trường mà lựa chọn thời điểm triển khai phù hợp. Theo kế hoạch ban đầu, các nhà mạng trong nước sẽ chính thức triển khai MNP từ ngày 1/1/2017, tuy nhiên do một vài lý do khách quan, thời hạn đã được dời lại 1 năm.
MNP tại Việt Nam triển khai được theo mô hình tập trung và sử dụng phương thức định tuyến cuộc gọi/SMS trực tiếp (nhà mạng thuê bao chủ gọi truy vấn trực tiếp thông tin về thuê bao được gọi tư cơ sở dữ liệu chung quốc gia, xác định mạng đích và thiết lập cuộc gọi).
Theo đó, Việt Nam sẽ xây dựng Trung tâm chuyển mạch quốc gia để thực hiện nhu cầu chuyển mạng của tất cả các thuê bao của tất cả các mạng di động trong nước (thông qua Hệ thống xử lý chuyển mạng trung tâm). Tại Trung tâm chuyển mạng quốc gia còn có Cơ sở dữ liệu quốc gia. Đây là nơi lưu trữ thông tin về các giao dịch chuyển mạng cũng như thông tin mạng đích mới của thuê bao chuyển mạng phục vụ mục đích đối soát giữa các nhà mạng và định tuyến cuộc gọi.
Mỗi nhà mạng cung cấp dịch vụ sẽ xây dựng một cổng chuyển mạng tại hạ tầng mạng của mình để thực hiện việc chuyển mạng. Tại đây cũng có một Cơ sở dữ liệu nội bộ của doanh nghiệp được liên tục đồng bộ với dữ liệu tại Cơ sở dữ liệu quốc gia.
Tại các nhà mạng không hoặc chưa triển khai MNP cũng cần xây dựng một Cổng cập nhật thông tin định tuyến để cập nhật thông tin định tuyến thuê bao chuyển mạng, đảm bảo định tuyến đúng các cuộc gọi, tin nhắn đi và đến của các thuê bao đã chuyển mạng. Cơ sở dữ liệu nội bộ (bản sao của cơ sở dữ liệu quốc gia) cũng được lưu trữ tại cổng này.
Hoàng Vũ
Ý kiến bạn đọc