(VnMedia) - Đó là lời khuyên được ông Phạm Trần Anh - Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối khách hàng doanh nghiệp và đối tác chiến lược Microsoft Việt Nam đưa ra tại chương trình workshop: "Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội nào cho Startup?" vừa diễn ra ngày 28/8/2017 tại UP Bách khoa TP.HCM - số 268 Lý Thường Kiệt - Quận 10 - TP. Hồ Chí Minh…
- Ông có thể chia sẻ nhận định về những thành công và thất bại của startup khu vực và những ảnh hưởng nếu có, tới làn sóng startup tại Việt nam?
Ông Phạm Trần Anh:Trong khu vực, theo các con số trực quan của châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt các quốc gia phát triển như Nhật Bản, thì lượng startup khá phổ cập. Trẻ em ở các nước phát triển, thậm chí còn khởi nghiệp từ lứa tuổi học phổ thông. Đa phần trong các giáo dục phổ cập trên thế giới, đều khuyến khích học sinh sinh viên tự làm và tự khởi nghiệp. Startup hiển nhiên sẽ khó khăn, hiển nhiên hiếm có trường hợp thành công tức thì. Có khi người khởi nghiệp phải trả giá rất đắt, nhưng ngược lại người khởi nghiệp cũng sẽ tích lũy được những kinh nghiệm vô giá, những điều mà nếu chỉ là làm thuê chắc sẽ không có được. Thất bại chung của startup thì có rất nhiều: thiếu kinh nghiệm vận hành, ko biết cách xây dựng đội ngũ nhân sự, thiếu vốn, thiếu nhìn nhận sâu sát và hiểu biết về thị trường đặc thù, thiếu năng lực cạnh tranh trong trận chiến cạnh tranh với các doanh nghiệp tầm cỡ… đó là các điểm chung. Thành công của startup khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong thời điểm gần đây chủ yếu tập trung ở các DN biết tìm các thị trường mới, hiểu được thế mạnh để cạnh tranh trong thị trường truyền thống nhờ tận dụng công nghệ.
Thống kê gần đây trong sự kiện nguyên tổng thống Mỹ Obama sang thăm Việt Nam (5/2016) cho thấy đất nước chúng ta hiện có 1.500 startup, trong đó doanh nghiệp (DN) công nghệ thông tin có con số vượt trội hơn so với các DN trong lĩnh vực khác. Điều này được cho là tiềm năng lớn để cộng đồng startup Việt phát triển và nắm bắt cơ hội để nhanh chóng bắt kịp với trào lưu số hóa nhanh chóng của thế giới.
- Theo chia sẻ của ông, xu hướng CMCN 4.0 có ảnh hưởng tích cực tới thị trường Châu Á. Vậy tại Đông Nam Á, xu hướng này diễn biến ra sao? AI và Big Data có quá mới mẻ với những nước mới nổi, những quốc gia còn thuần nông ở Đông Nam Á không?
Trong thời đại của IoT với công nghệ tiên tiến, việc tương tác với khách hàng, đặc biệt là người tiêu dùng và các kênh truyền thông đều trở nên mở. IoT và các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR) và thực tế hỗn hợp - hay tên khác là thực tế tăng cường (AR) chắc chắn sẽ được các kênh truyền thông, quảng cáo và khách hàng tiếp cận nhanh chóng. Và để có các phương tiện hỗ trợ này, chắc chắn cần Big Data.
Bạn sẽ nghi liệu khách hàng hay những đối tượng ảnh hưởng liên quan sẽ thích những trải nghiệm mới mẻ và hiện đại hay không. Chắc chắn rằng, giữa việc nghe và nhìn sản phẩm, hay được nhập vai trong thực địa để “trải nghiệm”, để “chạm” vào sản phẩm thì khách hàng sẽ lựa chọn “trải nghiệm được nhập vai”. Giả sử như tham quan Sao Hỏa, nhìn cận cảnh vườn khoai tây của Mark Watney hay được đi trên con đường biển, ngắm cảnh bình minh tại Maldives dù đang ở Việt Nam… thì công nghệ mới AR hay VR sẽ giúp đem lại trải nghiệm tuyệt vời hơn hẳn, theo cách dễ dàng nhất cho khách hàng và người tiêu dùng liên quan.
- Để thành công trong thời điểm này, theo ông, các startup Việt Nam cần ưu tiên điều gì?
Công nghệ đã, đang và chắc chắn sẽ là một trong những lĩnh vực vô cùng quan trọng, góp phần đáng kể cho sự phát triển kinh tế toàn cầu cũng như tại chính thị trường Việt Nam. Việc phát triển công nghiệp sáng tạo đang là tất yếu cho sự đổi mới không ngừng của cuộc sống và xu hướng liên tục phát triển của thế giới hiện nay. Người Việt Nam thông minh và rất giỏi khoa học tự nhiên, điều này đã được chứng minh qua rất nhiều các kỳ thi lớn trên các đấu trường quốc tế uy tín. Chính phủ và các ban ngành hiện nay đã và đang có rất nhiều các hoạt động hỗ trợ nhằm chuyển đổi môi trường, khuyến khích tạo dựng thành công Công Nghệ sáng tạo tại Việt Nam. Do vậy, tôi nghĩ, các bạn trẻ có thể tận dụng cơ hội này, mạnh dạn hơn trong việc triển khai các dự án của mình.
Không chỉ dừng trong việc chỉ áp dụng Công nghệ cho các lĩnh vực hiện đại, hãy nhìn xa hơn, khái quát hơn vào các ngành truyền thống như nông nghiệp, lâm nghiệp, khai thác, y tế và chăm sóc sức khỏe… Đây là những thị trường ngách đang bỏ ngỏ và có rất nhiều cơ hội để có thể thành công. Ví dụ tiêu biểu là tại Tasmania, nông dân thu hoạch Hàu đã tiết kiệm được chi phí khi sử dụng thiết bị cảm biến thời tiết IoT. Những vụ thu hoạch và chăn nuôi nhờ dự báo khí tượng chuẩn xác đã giúp họ tránh được những tổn thất do bão, do thay đổi khí hậu với con số lên đến hàng triệu đô la Úc trong mỗi vụ. Hơn 50 quốc gia trên thế giới người dân đang được cung cấp hồ sơ sức khỏe kết nối tự động với thiết bị đo (e.g., Apple Watch), thiết bị y tế cá nhân (máy đo huyết áp, đo lượng đường trong máu), kèm hệ thống quản lý bệnh viện hoặc phòng khám để người dân có thể theo dõi sức khỏe cá nhân và các cơ sở y tế có thể theo dõi sức khỏe cộng đồng.
- Microsoft có những hỗ trợ gì cho startups trên toàn cầu và tại khu vực?
Startup đúng như tên gọi, là những công ty khởi nghiệp non trẻ nên đều đang chập chững những bước khởi đầu. Với thanh niên khởi nghiệp, điều quan trọng nhất là tố chất sáng tạo, năng động, dám làm, tuy nhiên kinh nghiệm vận hành và các kỹ năng thực tế còn là những điểm yếu. Chính vì vậy, lớp trẻ khi khởi nghiệp luôn cần sự hỗ trợ và những tư vấn chủ đạo từ những tập đoàn có kinh nghiệm. Microsoft đặt trọng tâm hỗ trợ giới trẻ và các DN khởi nghiệp vì lẽ đó. Trên toàn cầu Microsoft đều có các chương trình hỗ trợ startup đi cùng các đối tác từng khu vực. Cụ thể hơn, các chương trình hỗ trợ kỹ năng cho thanh thiếu niên của từng khu vực, từng đất nước sẽ có tại địa chỉ Microsoft Philanthropies. Theo cam kết hỗ trợ giới trẻ khởi nghiệp, trong hơn 20 năm qua, Microsoft đã đầu tư khoảng 80 triệu đô-la Mỹ tại thị trường Việt Nam thông qua các dự án như Dreamspark cho hoc sinh/sinh viên, Imagine Cup cho sinh viên khoi nghiep, BizSpark cho doanh nghiệp khối nghiệp. Trong vòng 5 năm từ 2012 - 2017, chỉ riêng chương trình Microsoft BizSpark đã hỗ trợ hơn 1000 doanh nghiệp mới thành lập và khoảng 10,000 lập trình viên.
- Với Việt Nam, các chương trình riêng mà Microsoft đã triển khai là gì? Microsoft có gặp khó khăn vướng mắc gì không khi hỗ trợ các startup Việt nam?
Chúng ta đều nghe nói Việt Nam là một quốc gia tiềm năng và là một thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài nhờ nguồn nhân lực dồi dào, chi phí thấp… Số lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, thậm chí nhóm có trình độ chuyên môn cao có khuynh hướng hiểu biết lý thuyết khá, nhưng lại kém về năng lực thực hành và khả năng thích nghi trong môi trường cạnh tranh công nghiệp; vẫn cần có thời gian bổ sung hoặc đào tạo bồi dưỡng để sử dụng hiệu quả. Ngoài ra, trình độ ngoại ngữ cũng là một rào cản lớn đối với nguồn nhân lực Việt Nam nói chung, và các startup cũng gặp các trở ngại tương tự.
Để các startup có thể tồn tại, cạnh tranh trong thị trường đang hiện đại hóa và toàn cầu hóa, đòi hỏi các DN khởi nghiệp cần phải có yếu tố Con người, Khung vận hành và Công nghệ tốt bên cạnh ý tưởng và phát triển sản phẩm ban đầu. Và Microsoft đã đưa ra những công cụ CNTT kèm những cầu nối đào tạo nhằm hỗ trợ giới trẻ khởi nghiệp, giúp họ củng cố những cơ hội tồn tại và tiếp cận thành công trong quá trình khởi nghiệp.
Microsoft cũng hợp tác với một số Accelerators để cung cấp chương trình đào tạo cho các DN khởi nghiệp. Cụ thể, Microsoft hợp tác với CLAS Expara Vietnam Accelerator (CEVA) và Vietnam Silicon Valley Accelerator (VSVA) để cung cấp các khóa đào tạo kiến thức khởi nghiệp và gói BizSpark cho các DN khởi nghiệp có thể dùng phần mềm và điện toán đám mây của Microsoft miễn phí trong vòng 1 năm. Thông qua CEVA và VSV, Microsoft hợp tác với Vườn ươm DN thành phố Đà Nẵng (DNES), Sở Khoa học và Công nghệ Tp Hồ Chí Minh (SIHUB) và Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội (HBI-IT) để mang các chương trình đào tạo và gói BizSpark đến các doanh nghiệp khởi nghiệp tại các thành phố này.
Sau Hà Nội, workshop: “Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội nào cho Startup?” diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh vào tối 28/8 là sự kiện nằm trong chuỗi chương trình giao lưu với cộng đồng khởi nghiệp của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017. Được Hội Khuyến học Việt Nam khởi xướng từ năm 2005, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017 được đồng tổ chức bởi Báo Dân trí cùng Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Tổng công ty Truyền thông VNPT-Media là đơn vị bảo trợ thông tin cho Giải thưởng.
Hiền Mai
Ý kiến bạn đọc