(VnMedia) - Với việc đạt 1 triệu tên miền tiếng Việt, công tác phát triển tên miền đa ngữ (IDN) tại Việt Nam được các chuyên gia đến từ nơi quản lý tất cả các domain quốc tế trên thế giới ở mức cao nhất - ICANN đánh giá là một con số ấn tượng. Việt Nam là một trong những quốc gia có số lượng tên miền bản địa cao nhất thế giới...
Thông tin này vừa được các đại biểu đến từ văn phòng đại diện ICANN tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương (ICANN Hub Asia tại Singapore) và Trung tâm Internet Việt Nam VNNIC chia sẻ tại Hội thảo về xu thế phát triển tên miền đa ngữ (IDN). Hội thảo được tổ chức với mục tiêu nhằm phổ biến cho cộng đồng Việt Nam, đặc biệt là các cơ quan truyền thông về xu thế mới về phát triển tên miền đa ngữ, đồng thời cập nhật các điều chỉnh chính sách trong công tác quản lý tên miền có dấu tiếng Việt.
Tại Hội thảo, những thông tin về hiện trạng, xu hướng triển khai IDN trên thế giới; những kết quả triển khai IDN tại Việt Nam, các nội dung quy định mới trong sử dụng, thu phí TMTV và định hướng phát triển trong tương lai của tên miền tiếng Việt đã được chia sẻ cởi mở. Hội thảo cũng có sự tham gia trình bày của văn phòng đại diện ICANN tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương chia sẻ về quan điểm, dự án, chương trình phát triển tên miền đa ngữ của ICANN.
Tên miền đa ngữ là tên miền được viết dưới dạng ngôn ngữ bản địa của các quốc gia/vùng lãnh thổ trên toàn cầu. IDNs hiện đang trở thành xu thế phát triển tất yếu trên Internet đặc biệt là tại các quốc gia không sử dụng ngôn ngữ ký tự Latin như Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ. Nội dung bản địa hóa trong tên miền đa ngữ hiện không chỉ dừng ở phần nhãn dưới một đuôi tên miền không dấu thông thường như hànội.vn; việtnam.com, mà về lý thuyết còn có khả năng mở rộng đến cấp cao nhất.
Kể từ ngày 16/11/2009, ICANN đã chuyển giao tên miền đa ngữ cấp cao mã quốc gia cho các quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng ngôn ngữ phi Latin theo chương trình ưu tiên đăng ký có tên gọi “IDN ccTLD fast track process”. Các quốc gia, vùng lãnh thổ đã được cấp phát tên miền cấp cao mã quốc gia theo tiếng bản địa gồm có: Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ và hơn các quốc gia theo hệ ngôn ngữ Ả rập (Ai Cập, Quata, Maroc, Jocdan, Tunis, …).
Tên miền tiếng Việt (TMTV) là tên miền đa ngữ của Việt Nam. Do tiếng Việt thuộc hệ ngôn ngữ Latin, nên hiện Việt Nam chưa được chuyển giao tên miền đa ngữ mã quốc gia (tên miền mã quốc gia tiếng Việt). Không gian tên miền tiếng Việt hiện được phát triển dưới đuôi tên miền quốc gia “.vn” dưới dạng tên miền cấp 2 (trực tiếp sau “.vn”). VNNIC không triển khai cấp phát tên miền tiếng Việt dưới các đuôi tên miền cấp 2 dùng chung như .com.vn, .net.vn…
Việc đăng ký, sử dụng tên miền tiếng Việt bổ sung thêm nhiều lựa chọn, thay thế cho địa chỉ website truyền thống chỉ chấp nhận những ký tự Latin thông thường. Với lợi thế rõ nghĩa, tránh được những cách hiểu mập mờ, không gian tên miền rộng lớn, tên miền tiếng Việt là lựa chọn cho người sử dụng để xác định danh tính, bảo vệ thương hiệu của mình chính xác theo ngôn ngữ Tiếng Việt trên Internet.
Theo ông Trần Minh Tân - Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam VNNIC, quá trình phát triển TMTV gắn với dự án nghiên cứu khoa học của VNNIC đưa tiếng Việt vào ứng dụng trong hệ thống tên miền để góp phần thúc đẩy thông tin thuần Việt trên mạng Internet. Thời gian ban đầu, TMTV chưa thu hút được người sử dụng. Từ thời điểm bắt đầu cấp phát chính thức vào tháng 3/2007 đến hết tháng 12/2010, chỉ có 3.532 tên miền đăng ký.
Số lượng đăng ký TMTV bùng nổ kể từ thời điểm triển khai cấp phát tên miền tiếng Việt (TMTV) miễn phí theo thông tư số 189/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính (ngày 28/4/2011). Sau gần 6 năm mở đăng ký tự do miễn phí (bắt đầu từ 28/4/2011), tên miền tiếng Việt duy trì trên hệ thống ở con số 977.007, tính đến 31/10/2016.
Nhu cầu đăng ký và sử dụng tên miền đa ngữ là xu thế tất yếu thể hiện tinh thần dân tộc, tôn vinh tiếng bản địa của mỗi quốc gia. Kể từ thời điểm triển khai cấp phát tự do TMTV tới người sử dụng (28/4/2011) tới hết ngày 31/12/2016. VNNIC trực tiếp tiếp nhận và xử lý các yêu cầu đăng ký sử dụng tên miền tiếng Việt. Trong suốt giai đoạn từ 28/4/2011 tới hết 31/12/2016, phí duy trì sử dụng tên miền tiếng Việt ở mức 0 đồng để khuyến khích người sử dụng.
Từ ngày 01/01/2017, theo quy định tại thông tư số 208/2016/TT-BTC ban hành ngày 10/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí tên miền quốc gia “.vn” và địa chỉ Internet (IP) của Việt Nam, TMTV chính thức được thu phí duy trì sử dụng ở mức tối thiểu đảm bảo bù đắp chi phí quản lý (20.000đ/tên miền/01 năm), không nhằm mục đích thương mại và kế thừa quan điểm ưu tiên, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước Việt Nam với thông tin thuần Việt trên Internet, nâng giá trị và vị thế TMTV tương đương với tên miền truyền thống. Cũng từ thời điểm này, VNNIC chuyển giao toàn bộ tên miền tiếng Việt được đăng ký trực tiếp tại VNNIC trước đây sang quản lý tại Nhà đăng ký.
Hiện nay các Nhà đăng ký tên miền “.vn” đã đồng loạt triển khai cấp phát tên miền tiếng Việt. Kể từ ngày 13/4/2017, bên cạnh Nhà đăng ký DOT VN, đã có thêm 4 Nhà đăng ký tên miền nữa triển khai cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền tiếng Việt ra cộng đồng.
Việc đăng ký, duy trì tên miền tiếng Việt thay vì chỉ được thực hiện trực tiếp tại VNNIC như trước đây, giờ chủ thể có thể dễ dàng lựa chọn một trong số các Nhà đăng ký tên miền “.vn” được VNNIC công bố trên hệ thống để thực hiện việc đăng ký, duy trì cho tên miền tiếng Việt của mình.
Với không gian tên miền rộng lớn, ý nghĩa rõ ràng, việc thúc đẩy phát triển tên miền tiếng Việt trong giai đoạn hiện nay cũng là cơ hội cho nhà đăng ký để có thể thu hút cộng đồng đăng ký dịch vụ tại đơn vị mình. Theo đánh giá của các chuyên gia ICANN, cùng với các quốc gia phát triển mạnh tên miền đa ngữ như Đức, Nga, Trung Quốc… tiềm năng phát triển đa ngữ của Việt Nam với tên miền tiếng Việt là rất lớn.
Ông Trần Minh Tân cũng kỳ vọng, với phí duy trì tên miền rất “mềm”, đảm bảo mức tối thiểu đảm bảo bù đắp chi phí quản lý (20.000đ/tên miền/01 năm) trong khi vẫn đảm bảo các dịch vụ cơ bản như các tên miền khác, cùng với thế mạnh như giúp tăng cường quảng bá hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp… đây sẽ là động lực để tên miền tiếng Việt tiếp tục phát triển mạnh trong tương lai.
Hiền Mai
Ý kiến bạn đọc