(VnMedia) - Mặc dù cả ba doanh nghiệp viễn thông gồm VNPT, Mobifone và Viettel đều giữ được tốc độ tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận trong tháng 4/2017. Tuy nhiên, Mobifone lo ngại nếu không quản lý tốt giá cước 4G trong thời gian tới, nhất là nếu để giá cước 4G quá rẻ sẽ dẫn tới khó cạnh tranh và tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, một số doanh nghiệp viễn thông có thể bị co hẹp lại.
Đầu năm các “ông lớn” tăng trưởng tốt
Báo cáo tại Hội nghị Giao ban quản lý Nhà nước tháng 4/2017 của Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) vào sáng 3/5/2017, cả ba nhà mạng lớn gồm VNPT, Viettel và MobiFone cho biết vẫn đang giữ được tốc độ tăng trưởng tốt cả về doanh thu và lợi nhuận.
Cụ thể, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT cho hay, đến tháng 4/2017, VNPT đạt lợi nhuận bằng 33,8% so với kế hoạch năm, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu viễn thông đạt 32% kế hoạch; tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhìn chung tất cả các dịch vụ viễn thông đều tăng trưởng, chỉ có 2 dịch vụ giảm là điện thoại cố định, chỉ bằng 91,3% so với cùng kỳ năm ngoái, dịch vụ MyTV đạt 98% so với cùng kỳ năm 2016. VNPT cũng phát triển 1,9 triệu thuê bao phát sinh cước; thuê bao băng rộng đạt 49,8% kế hoạch; cáp quang đạt 42,5% kế hoạch, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, trong tháng 4/2017, Mobifone phát triển 460.000 thuê bao, doanh thu tháng 4 đạt 3.300 tỷ đồng, lũy kế 4 tháng hơn 12.000 tỷ đồng và lợi nhuận 4 tháng đạt 1.685 tỷ đồng. Còn Viettel doanh thu tính đến hết tháng 4 là 76.000 tỷ đồng, đạt 31,2% năm; lợi nhuận đạt 14.200 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 13.600 tỷ đồng.
Về đầu tư nước ngoài, hiện tại Viettel có 31 triệu thuê bao. Tuy nhiên, trước đó, theo báo cáo tài chính năm 2016 của Viettel Global, đầu tư ra quốc tế của Viettel trong năm 2016 lỗ hơn 3.000 tỷ đồng. Lý giải cho khoản lỗ này, Phó Tổng Giám đốc Viettel cho biết lỗ chủ yếu do vấn đề tỷ giá.
Tại hội nghị giao ban, đại diện Viettel hy vọng thị trường tỷ giá “ấm” lên sẽ cải thiện tình hình kinh doanh của nhà mạng này tại nước ngoài.
Mobifone lo ngại nếu không quản lý cước 4G, “cá lớn sẽ nuốt cá bé”
VNPT, Mobifone và Viettel đều đã được cấp phép triển khai mạng 4G Tuy nhiên, có vẻ như trong cuộc đua 4G, MobiFone đang “hụt hơi” và đuối sức.
Đến nay, mới chỉ có VNPT và Viettel chính thức thương mại hóa mạng 4G và cả hai nhà mạng này trong thời gian qua đã rất nỗ lực để triển khai, lắp đặt trạm 4G và phủ sóng tại nhiều địa bàn trên cả nước. VNPT đã phủ sóng 4G tại 12 tỉnh thành phố lớn là Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Lâm Đồng, Bình Phước, Sóc Trăng, Hậu Giang, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau, Bạc Liêu. Dự kiến từ nay tới cuối tháng 5, VNPT sẽ bổ sung thêm hơn 3.000 trạm thu phát sóng 4G.
Trong khi đó, Mobifone vẫn im hơi lặng tiếng trong cuộc đua này khi hiện tại nhà mạng này đang “gặp khó” trong việc phát triển hệ thống truyền dẫn tại các địa phương cũng như lo ngại việc khó cạnh tranh nổi nếu giá cước 4G quá rẻ.
Tại Hội nghị Giao ban quản lý Nhà nước tháng 4/2017 của Bộ TT&TT sáng 3/5/2017, ông Lê Nam Trà, Chủ tịch Mobifone đã kiến nghị Bộ cần có chính sách quản lý giá cước phù hợp nhất là 4G trong thời gian tới.
“Nếu không quản lý giá cước tốt thì “cá lớn” sẽ nuốt “cá bé”. Đối với thị phần Mobifone hiện nay dưới 30% và nếu giá cước không quản lý trong mối quan hệ của nhà nước thì giá cứ rẻ và cuối cùng dẫn tới độc quyền. Kiềng 3 chân như Chính phủ yêu cầu và Bộ định hướng nếu không cẩn thận trong thời gian ngắn, một số doanh nghiệp sẽ bị nhỏ lại. Thể hiện ở chỗ các doanh nghiệp có thị phần lớn và cơ sở hạ tầng được đầu tư tốt thì ngày càng lớn hơn. Hiện nay tất cả các hệ thống truyền dẫn của Mobifone đang được đầu tư, nếu không có những chính sách dùng chung hoặc có cơ chế mở để phát triển thì khó có thể cạnh tranh. Nếu giá cước 4G cứ giảm thì MobiFone sẽ không thể phát triển được”, ông Trà chia sẻ.
Vì vậy, Chủ tịch Mobifone kiến nghị Bộ TT&TT cần có sự điều tiết của nhà nước trong vấn đề quản lý về giá và sử dụng chung cơ sở hạ tầng. Đây là vấn đề rất quan trọng để cạnh tranh lành mạnh.
Về vấn đề này, Thứ trưởng TT&TT Phan Tâm cho biết, Bộ TT&TT đã nhận được các kiến nghị của các doanh nghiệp và đang làm việc tích cực với các doanh nghiệp để có giải pháp phù hợp hơn và sau đó sẽ đưa vào chính thức hóa trong các quy định sắp tới.
Quản lý giá cước viễn thông hiện nay vẫn theo lối cũ, một số đã không còn phù hợp. Do đó, cần đổi mới và tạo điều kiện cho doanh nghiệp viễn thông phát triển, hạn chế rào cản không cần thiết. Cùng với các chính sách thắt chặt thì cũng cần có chính sách để thị trường phát triển thông thoáng, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định.
B.H
Ý kiến bạn đọc