Đẩy mạnh Chính phủ điện tử trong cách mạng công nghiệp thứ 4

12:44, 05/04/2017
|

(VnMedia) - Cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vẫn là CNTT, cần tập trung cho phát triển chính quyền điện tử các cấp. Do đó cần phải đi vào thực chất và làm thực chất chứ không phải mang tính phong trào.

Thông tin trên được ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh tại Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử 2017 diễn ra sáng 5/4 tại Hà Nội.

Với chủ đề “Phát triển Chính phủ điện tử trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Tầm nhìn và giải pháp công nghệ”, hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử 2017 đã gắn với xu thế rất thời thượng khi mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra trên quy mô toàn cầu. Theo ông Hà, cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vẫn là CNTT, cần tập trung cho phát triển chính quyền điện tử các cấp. Do đó cần phải đi vào thực chất và làm thực chất chứ không phải mang tính phong trào.

Hội thảo đã cho thấy “bức tranh” phản ánh đầy đủ nhất của việc ứng dụng CNTT trong sự phát triển của Chính phủ điện tử, cũng như những giải pháp nhằm tăng cường năng lực quản lý điều hành của các cơ quan nhà nước đồng thời nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với các dịch vụ công nhằm tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại.

Theo ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được mở đầu bằng những đột phá khoa học vào thế giới vỹ mô, hình thành những công nghệ mới như công nghệ nano, in 3D, công nghệ sinh học phân tử, di truyền, trí tuệ nhân tạo, IoT… đã và đang làm biến đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý, quản trị của mỗi quốc gia.

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại Hội thảo.
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại Hội thảo.

Trong thời gian không xa, cuộc cách mạng này sẽ có tác động mạnh mẽ tới đời sống sản xuất của con người, kết nối IoT trở nên phổ biến, nhiều hoạt động sẽ được thực hiện bằng trí tuệ nhân tạo.

“Cuộc cách mạng này đang tác động đến chúng ta, không chờ đợi chúng ta mà đang tiến lên như vũ bão, chúng ta không thể bỏ lỡ con tàu này. Công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ của Khoa học công nghệ, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân chủ động tham gia vào quá trình nghiên cứu sáng tạo, thụ hưởng nhiều thành tựu của sản phẩm công nghệ cao”, ông Dũng chia sẻ.

Nắm bắt thời cơ, cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, những năm qua quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với chính phủ, các cơ quan của chính phủ xem xét, xây dựng hoàn thiện thể chế thông qua hiến pháp năm 2013 và nhiều đạo luật quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả lĩnh vực của cuộc sống.

Nhờ sự quyết tâm và nỗ lực của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện Nghị quyết 36a, lộ trình phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam đã ghi nhận những kết quả tích cực.

Theo Báo cáo từ Liên Hợp Quốc công bố tháng 7/2016, Việt Nam xếp thứ 89/193 trên thế giới về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, tăng 10 hạng so với năm 2014, đứng thứ 6 trong ASEAN và cũng chính thức gia nhập nhóm các nước có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử cao. Cũng trong báo cáo này, chỉ số thành phần về cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam được đánh giá ở mức cao với 0, 57 điểm, xếp hạng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á.

Trong khi đó, theo báo cáo của các cơ quan chuyên môn, hiện đã có hơn 55% dân số sử dụng điện thoại thông minh và nối mạng Internet. Với tỷ lệ này Việt Nam đang đứng thứ hạng cao ở Châu Á- Thái Bình Dương và trên thế giới.

Có thể khẳng định rằng, việc ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử Việt Nam năm 2016 đã có chuyển biến tích cực, đặc biệt dịch vụ công trực tuyến mức 3,4 tăng nhanh về số lượng dịch vụ và hồ sơ được trực tuyến.

Tuy nhiên, để nâng cao chỉ số chính phủ điện tử lên thứ 80 trong năm 2017 và lên thứ 70 vào năm 2020 thì còn rất nhiều việc phải làm. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 không chỉ tạo ra cơ hội mà còn nhiều thách thức mới trong ứng dụng CNTT, xây dựng chính phủ điện tử. Do đó, Chính phủ và Bộ ngành các cấp cần quyết tâm cao độ hơn nữa trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT nhằm hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, phát triển dịch vụ công ở mức cao, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước trong công tác phục vụ dân sinh song hành với việc xây dựng thành phố thông minh, bảo đảm an ninh bảo mật.

Được biết, là một trong những doanh nghiệp viễn thông - CNTT lớn trong nước, Tập đoàn VNPT đã được Chính phủ đánh giá cao về những đóng góp trong việc xây dựng Chính phủ điện tử trong thời gian qua, cả ở khía cạnh phát triển hạ tầng mạng lưới lẫn các giải pháp CNTT.

VNPT hiện là doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạng lưới mạnh nhất Việt Nam. Riêng trong năm 2016, VNPT đã xây dựng và đưa vào phát sóng gần 11.000 trạm 3G mới, nâng tổng số trạm 2G/3G trên toàn quốc của VNPT lên con số trên 54.000 trạm. Mạng cáp quang của VNPT đã phủ sóng tới khoảng 96% số xã trên toàn quốc.

VNPT cũng là doanh nghiệp viễn thông duy nhất tại Việt Nam sở hữu mạng truyền dẫn vệ tinh với hai vệ tinh Vinasat-1 và Vinasat-2. Hệ thống trung tâm dữ liệu hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn của thế giới, dung lượng lớn tại cả ba miền, sẵn sàng đáp ứng tất cả các yêu cầu về năng lực và tính bảo mật của cơ quan nhà nước, Chính phủ.

Ngoài hạ tầng vững chắc, VNPT cũng đã phát triển các giải pháp CNTT, từng bước hình thành nên một hệ sinh thái Chính phủ điện tử hoàn chỉnh. Các giải pháp này đang được sử dụng rộng rãi ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước. Ví dụ: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành (VNPT-ioffice) đã được triển khai ở khoảng 2.000 đơn vị. Hệ thống một cửa điện tử liên thông (VNPT-iGate) đã triển khai ở khoảng 500 đơn vị. Cổng thông tin điện tử (VNPT portal) triển khai ở 1.800 đơn vị. Phần mềm quản lý bệnh viện (VNPT-HIS) được triển khai ở 7.000 cơ sở y tế trên cả nước. Hệ thống quản lý trường học (VnEdu) được triển khai ở 9.100 trường với 3,8 triệu học sinh và khoảng 2,4 triệu acccount sổ liên lạc điện tử…

Không dừng lại ở đó, VNPT vẫn luôn theo sát những quốc gia thành công điển hình trên thế giới trong việc xây dựng Chính phủ điện tử và cập nhật những giải pháp công nghệ mới để bổ sung, nâng cấp cho các giải pháp của mình, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử.

B.H 


Ý kiến bạn đọc