(VnMedia) - Để câu chuyện khởi nghiệp ở Việt nam đi vào một cách bài bản hơn thì rất cần sự phối hợp của các Bộ, Ban ngành, đặc biệt 3 Bộ gồm Bộ Khoa học công nghệ - về khái niệm khoa học, Bộ Kế hoạch đầu tư - về nguồn ngân sách và Bộ Giáo dục đào tạo - về cách lan tỏa giáo dục.
Thông tin trên được ông Nguyễn Hữu Thái Hòa - Chuyên gia tư vấn chiến lược chia sẻ tại buổi tọa đàm - giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Phủ sóng thông tin, kết nối thành công" do Báo điện tử VnMedia tổ chức ngày 26/4.
Là chuyên gia từng cộng tác với nhiều doanh nghiệp nước ngoài và các doanh nghiệp lớn trong nước, ông Thái Hòa cho rằng, khởi nghiệp của Việt Nam còn mang tính chất phong trào và khái niệm khởi nghiệp vẫn đang bị hiểu lẫn lộn. Giờ đây đã đến lúc phải có sự phối hợp của các Bộ để đưa ra khái niệm một cách bài bản cho vấn đề khởi nghiệp.
“Cá nhân tôi là một chuyên gia thì tôi chỉ muốn nói lên hai ý: Thứ nhất khởi nghiệp là tinh thần khởi nghiệp cần cho tất cả doanh nghiệp đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp đi từ gia đình trở lên. Mặc dù có công ty rồi hoặc thậm chí có 500-700 tỷ nhưng phương pháp làm phát triển từng sản phẩm vẫn rất bải hoải thì rất cần tinh thần khởi nghiệp, để tạo tiếp tiền đề một cách bài bản và tạo niềm tin cho phát triển. Thứ hai Startup là khởi nghiệp ở những công ty mới thì đi từ tìm nguồn vốn, nhà đầu tư, niêm yết lên chứng khoán, IPO để huy động vốn xã hội, để đẩy những vấn đề biến ý tưởng từ không thành có và tạo ra giá trị. Hai khái niệm tinh thần khởi nghiệp và Start up hiện đang nhập nhằng chung trong một chữ khởi nghiệp”, ông Hòa nói.
Theo ông Hòa, tinh thần khởi nghiệp là cần trong mọi doanh nghiệp và xã hội đang rất cần điều này ở Việt Nam. Còn Startup là những nơi chúng ta nuôi dưỡng những sản phẩm mới, dịch vụ mới là công việc của công ty mới. Hay nói cách khác, khởi nghiệp là cách bắt đầu một ngành nghề, một tình yêu, đam mê để làm ra một giá trị nào đó cho xã hội chứ không hẳn là kinh doanh. Ví dụ như những người yêu toán, nghệ thuật…
Do đó, nên tránh đặt tiền và kinh doanh lên đầu trong vấn đề startup. “Để bắt đầu một ngành nghề, một vấn đề gì đấy về khái niệm khởi nghiệp, tôi cho rằng bắt đầu một công việc tạo ra giá trị và giá trị này phải tạo sự thay đổi trong dòng sản phẩm này. Giá trị này phải đủ sức tạo ra thay đổi thì sẽ tạo ra một tinh thần khởi nghiệp tốt. Để làm được điều đấy, chúng ta cần một môi trường, ngữ cảnh cho khởi nghiệp. Việt Nam hiện này đầu tư rất nhiều vào phong trào nhưng thử hỏi quy trình R&D căn bản ai dạy. Vấn đề này chúng ta phải tập trung làm và thứ hai là cần có những vườn ươm khởi nghiệp. Singapore có những vườn ươm khởi nghiệp được đầu tư rất bài bản”, ông Hòa nhận định.
Vậy để khởi nghiệp thành công được thì chúng ta phải làm gì? Đứng về góc độ chuyên gia tư vấn chiến lược, ông Hòa cho rằng, điều đầu tiên cần phải có nghiên cứu thị trường để xem sức đặt mua của thị trường có cơ hội không. Về điều này Việt Nam rất kém. Thứ hai, nếu xác định cơ hội có rồi thì giải pháp là gì, giải pháp này có sáng tạo hay không có khác những giải pháp khác không và đội ngũ làm có đủ năng lực hay không. Và cuối cùng là vốn đầu tư cho khởi nghiệp.
Ngoài ra, tại buổi tọa đàm, hai diễn giả khác gồm Lê Công Thành, đại diện nhóm giải Nhất Công nghệ thông tin triển vọng Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2016 (Công ty Cổ phần Công nghệ Chọn lọc Thông tin) và ông Hoàng Ngọc Trung, đại diện nhóm tác giả đoạt giải Nhất hệ thống sản phẩm công nghệ thông tin đã ứng dụng của giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2007 cũng chia sẻ những kinh nghiệm để các bạn trẻ có thể khởi nghiệp thành công. Ông Lê Công Thành chia sẻ việc mình học được từ các mô hình start up trên thế giới để có thể làm start up bài bản hơn và cách gọi vốn thông minh. Trong khi đó ông Hoàng Ngọc Trung khuyên các bạn trẻ nên làm start up bắt đầu bằng sự đam mê một lĩnh vực nào đó.
Buổi tọa đàm được tổ chức tại showroom VNPT-Media 57 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội, với sự tham gia của các khách mời là chuyên gia CNTT, chiến lược gia đã thành công trong lĩnh vực khởi nghiệp gồm: ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Chuyên gia tư vấn chiến lược; đại diện nhóm giải Nhất hệ thống sản phẩm CNTT đã ứng dụng năm 2007: Giải pháp học trực tuyến và thi trực tuyến ứng dụng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của nhóm tác giả AI Việt Nam, trưởng nhóm Hoàng Ngọc Trung; đại diện nhóm giải Nhất CNTT Triển vọng Nhân tài Đất Việt 2016 - Công ty Cổ phần Công nghệ Chọn lọc Thông tin với sản phẩm Hệ thống phân tích ngữ nghĩa và quản trị tương tác mạng xã hội SMCC, trưởng nhóm Lê Công Thành. |
P.V
Ý kiến bạn đọc