(VnMedia) - Cuối tuần qua, tại Trụ sở chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tiếp Ban lãnh đạo cấp cao Công ty IBM Việt Nam cùng Ban lãnh đạo công ty Five9 Việt Nam, nhân dịp hai công ty này công bố triển khai ứng dụng và đào tạo về Điện toán biết nhận thức và trí tuệ nhân tạo lần đầu tiên tại Việt Nam.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh và chào mừng Đoàn công tác của Tập đoàn IBM, do ông Zane Adam, Phó Chủ tịch tập đoàn phụ trách Đám mây riêng, Watson và Nền tảng Điện toán đám mây của IBM, dẫn đầu. Ngài Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam quan tâm đến việc ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội tại Việt Nam, đặc biệt là trong ba lĩnh vực y tế, giáo dục và giao thông.
Theo ngài Phó Thủ tướng, hiện tại, Chính phủ đang xây dựng một dự án thí điểm về ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo trong quản lý, điều hành Nhà nước, sẽ sớm kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài, các doanh nghiệp khởi nghiệp… tham gia ý kiến cũng như đóng góp về mặt công nghệ và đào tạo cũng như chia sẻ kinh nghiệm. Mục tiêu của dự án là tạo cho người dân cơ hội tiếp cận miễn phí với dữ liệu và các ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất, đặc biệt là trong ba lĩnh vực ưu tiên nói trên.
IBM và Five9 đã cùng nhau hợp tác ứng dụng và đào tạo về Điện toán biết nhận thức. Với sự hợp tác giữa IBM và Five9, các doanh nghiệp tại Việt Nam lần đầu tiên sẽ được tiếp cận với Điện toán biết nhận thức - hệ thống trí tuệ nhân tạo có khả năng học hỏi, lập luận và xử lý ngôn ngữ tự nhiên trên nền tảng điện toán đám mây của IBM.
Đại diện của IBM và Five9 cũng báo tác đào tạo về Điện toán biết nhận thức với bốn trường đại học đào tạo công nghệ thông tin lớn nhất tại Việt Nam và ký kết với ba doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam (VTV Live, OneNet và BIDV) để đưa ứng dụng này vào thực tế. Five 9 và IBM đã chính thức quyết định sẽ tài trợ 1 tỷ đồng gói tín dụng sử dụng tài nguyên công nghệ Điện toán biết nhận thức của IBM, bao gồm IBM Bluemix Service và IBM Watson API, cho các trường: Đại học Bách Khoa Hà Nội, Viện Công nghệ Thông tin- Học viện Bưu chính Viễn Thông, Viện Khoa học và công nghệ Quân sự- Học viện Quốc Phòng, Khoa Công nghệ thông tin- Đại học Công Nghệ.
Thông qua một loạt các văn bản ký kết và các công bố, IBM và Five9 sẽ giúp các doanh nghiệp, giảng viên và các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như người dùng Việt Nam được tiếp cận với các ứng dụng điện toán biết nhận thức - trí tuệ nhân tạo. Five9 cũng báo cáo Phó Thủ tướng về công tác chuẩn bị đầu tư tổ hợp sản xuất phần mềm - trí tuệ nhân tạo tại Khu Công nghệ Cao Hòa Lạc nhằm cung cấp một môi trường làm việc chuyên nghiệp cho các start up về phần mềm cũng như như là trung tâm sản xuất phần mềm điện toán biết nhận thức - trí tuệ nhân tạo tiên tiến tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tin tưởng rằng, với vị trí là một trong những Tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Điện toán biết nhận thức - Trí tuệ nhân tạo, sự hợp tác giữa chính phủ và IBM sẽ ngày càng chặt chẽ và gặt hái nhiều thành công. Phó Thủ tướng cũng mong muốn rằng, những doanh nghiệp có chiến lược phù hợp như Five9 cùng với các doanh nghiệp khác sẽ góp phần xây dựng một hệ sinh thái về công nghệ thông tin với với nguồn lực chất lượng cao cho Việt Nam, để tiếp nhận chuyển giao, ứng dụng và phát triển một cách hiệu quả những công nghệ tiên tiến nhất của trên thế giới.
Điện toán biết nhận thức là gì?
“Điện toán biết nhận thức” là khái niệm dùng để mô tả những hệ thống có khả năng học hỏi ở quy mô nhanh và sâu, luận giải có mục đích, và tương tác với con người thông qua ngôn ngữ tự nhiên. Lần trình diễn rộng rãi đầu tiên của công nghệ điện toán biết nhận thức là vào năm 2011, khi chiếc máy tính IBM Watson ra mắt toàn thế giới và đánh bại hai nhà vô địch nổi tiếng giới trò chơi truyền hình Mỹ Ken Jennings (74 lần vô địch liên tiếp) và Brad Rutter (lập kỷ lục về tiền thưởng lớn nhất) trong trò chơi Jeopardy!, một trong những trò chơi truyền hình hấp dẫn nhất trong lịch sử truyền hình Mỹ. Năng lực của máy tính Watson trong việc trả lời những câu hỏi ẩn ý, phức tạp theo kiểu chơi chữ thể hiện khả năng xử lý những tập hợp dữ liệu ngày càng phức tạp và đã phát triển năng lực tìm hiểu, lý giải và học hỏi vượt xa công nghệ “giải mã”.
Điện toán biết nhận thức được coi là đặt dấu chấm hết cho “Thời kỳ ngủ đông của trí tuệ nhân tạo (AI)”, làm thay đổi hoàn toàn phương thức tương tác giữa con người và hệ thống, trong đó những hệ thống thông minh sẽ mô phỏng những năng lực của bộ não con người nhằm góp phần giải quyết những vấn đề phức tạp nhất của xã hội. Công nghệ “Điện toán biết nhận thức” có thể hiểu được 80% lượng dữ liệu trong số hàng ngàn tỷ bytes dữ liệu sản sinh ra mỗi ngày từ mạng xã hội, di động, Internet của vạn vật…, hỗ trợ con người có được những quyết định phù hợp như chữa trị bệnh ung thư, quyết định mua sắm, du lịch, tìm hiểu pháp luật…
Hiền Mai
Ý kiến bạn đọc