Có thể kể đến hàng loạt cái tên có lượng like từ hàng trăm nghìn cho tới hàng triệu như Chip Đường Phố, Kenny Sang, Câu Chuyện Cuộc Sống, Góc Ẩm Thực, Viet Designer, Truyện Tranh Nhảm Nhí, WeLax …
Ngay cả fanpage của ứng dụng tìm hàng quán Foody.vn với hơn 3 triệu like cũng đã bị khóa.
Liên quan đến vấn đề này, theo phản hồi chính thức tới ICTnews chiều ngày 22/3, người phát ngôn của Facebook cho hay: “Có một số trang Facebook bị khóa nhầm bởi bộ lọc spam của chúng tôi. Đây là hệ thống có nhiệm vụ theo dõi và phát hiện những nội dung đáng ngờ trước khi chúng đến được với người dùng Facebook. Ngay khi được thông báo về vấn đề xảy ra, Facebook đã tiến hành kiểm tra và khôi phục lại những trang bị khóa nhầm. Chúng tôi xin lỗi vì sự bất tiện này”.
Theo quan sát của ICTnews, có một số trang bị Facebook khóa vài hôm trước đây hiện đã được khôi phục trở lại như WeLax, Góc Ẩm Thực, Truyện Tranh Nhảm Nhí…
Trong thực tế, mạng xã hội Facebook thiết lập hệ thống chống spam có nhiệm vụ theo dõi và loại bỏ những nội dung xấu trước khi chúng đến được với người dùng Facebook.
Với đợt “trảm” lần này, Facebook không đưa ra con số thống kê cụ thể về các trang fanpage đã bị xử lý cũng như nguyên nhân cụ thể về lý do “trảm”, mà chỉ cho hay xử lý các trang “vi phạm Tiêu chuẩn Cộng đồng của Facebook”.
Theo giới marketing cũng như cộng đồng nhà quảng cáo Facebook tại Việt Nam, những chia sẻ mới đây của thành viên William Nguyen trong group Facebook "Cộng đồng nhà quảng cáo Facebook tại Việt Nam" sau khi xảy ra hàng loạt vụ khóa fanpage với nguyên nhân fanpage bị khóa có thể do vi phạm bản quyền, spam, lừa đảo... là những vấn đề rất thuyết phục, nhiều fanpage trong nước đã vấp phải.
Cụ thể, thành viên William Nguyen cho hay: “Khi chúng ta càng ngày càng hội nhập với thế giới thì việc chấp hành luật sở hữu trí tuệ là điều tất yếu. Không chỉ là video từ các kênh thời sự, giải trí, thể thao... mà còn là nội dung do các trang hay doanh nghiệp khác làm ra. Muốn mượn nội dung trên trang khác? Hãy share lại bài gốc của họ, hoặc xin phép trực tiếp”.
Cũng theo William Nguyen, gần đây Facebook có hình thức video kèm link, khi bấm vào video, video sẽ tiếp tục phát ở trên và bên dưới sẽ tải một website.
Trong khi hình thức này còn đang ở dạng thử nghiệm công khai thì rất nhiều trang đã lợi dụng để spam bằng cách đưa ra nội dung video viral (thúc đẩy lan truyền nội dung video tiếp thị) phía trên kèm một trang spam quảng cáo hay tệ hơn là scam (lừa đảo) bên dưới.
“Điều này đã vi phạm nguyên tắc cộng đồng của Facebook. Cách phòng tránh đơn giản là không làm như vậy. Nếu các bạn có tính năng này, hãy chỉ dẫn về trang web của công ty hay tổ chức của bạn”, thành viên William Nguyen lưu ý.
Theo Ictnews
Ý kiến bạn đọc