(VnMedia) - Ngày hôm qua, 22/3, hai nhà mạng Mỹ là Verizon và AT&T cho biết sẽ tạm ngừng quảng cáo số trên Youtube của Google và các nền tảng quảng cáo khác để tránh nguy cơ bị chèn nội dung xấu, độc.
Được biết, Verizon và AT&T ra nhập danh sách các thương hiệu nổi tiếng của Anh như nhà bán lẻ Marks và Spencer Group Plc quyết định rời bỏ Google. Google đang bị các chính trị gia và thương hiệu của châu Âu chất vấn về các quảng cáo xuất hiện trong các video xấu độc trên nền tảng YouTube. Google đầu tuần qua đã xin lỗi về vụ việc này.
Theo đó, nhà mạng AT&T gỡ bỏ các quảng cáo khỏi tài nguyên không tìm kiếm trên Google bởi vì “các quảng cáo có thể xuất hiện trên các nội dung YouTube sẽ làm tăng khủng bố và thù hằn”, nhà mạng này cho biết trong một thư điện tử.
Trong khi đó nhà mạng Verizon cho biết đã tạm dừng tất cả quảng cáo số không liên quan tới tìm kiếm sau khi thông báo là chỉ tạm dừng quảng cáo trên các nền tảng không tìm kiếm của Google. Nhà mạng này đã hành động sau khi các quảng cáo xuất hiện trên “các trang web không được chấp thuận". Chúng tôi đang làm việc với tất cả các đối tác quảng cáo số của chúng tôi để tìm hiểu các link nguy cơ để có thể ngăn chặn việc này có thể xảy ra trong tương lai”, phát ngôn viên của nhà mạng này thông báo trong một thư điện tử.
Google đã từ chối bình luận về các khách hàng riêng rẽ nhưng cho biết đã bắt đầu đánh giá các chính sách quảng cáo. Thông tin cho biết AT&T và Verizon đã tạm ngừng các quảng cáo được báo Times của Anh đưa tin đầu tiên.
Các thương hiệu lớn khác như Mondelez International đang theo dõi vụ việc. Trong khi Mondelez chưa phát hiện dấu hiệu các quảng cáo xuất hiện cùng với các nội dung không phù hợp thì công ty này đang “trao đổi liên tục với cả Google và YouTube và sẽ giám sát chặt chẽ vấn đề này”, phát ngôn viên của thương hiệu này cho hay.
Theo hãng nghiên cứu eMarketer, doanh thu quảng cáo ròng của Google trên toàn thế giới từ YouTube đạt 5,58 tỷ USD trong năm ngoái và được dự kiến sẽ đạt mốc 7 tỷ USD trong năm nay.
Cũng nằm trong “làn sóng tẩy chay” quảng cáo trên YouTube để tránh nguy cơ bị chèn nội dung xấu độc, trước đó, vào ngày 16/3, chính phủ Anh đã tạm gỡ bỏ quảng cáo trên YouTube sau khi phát hiện một số đoạn quảng cáo có thể tạo ra lợi nhuận cho những kẻ cực đoan theo chủ nghĩa hãm hiếp hoặc những kẻ truyền giáo không chính thống.
Cùng ngày, đại diện Google – chủ sở hữu của YouTube – bị triệu tập bởi các Bộ trưởng để giải trình về việc các đoạn quảng cáo hiển thị kèm clip có nội dung tiêu cực.
Nhiều công ty, tổ chức khác cũng đã ngừng quảng cáo trên YouTube sau khi vụ việc phát sinh. David Pemsel – Tổng giám đốc của Guardian - viết cho Google và nói đây là điều “hoàn toàn không thể chấp nhận được” khi quảng cáo của họ bị lạm dụng theo cách này.
Giám đốc điều hành Google UK Ronan Harris nói trong một phát biểu mới đây rằng công ty có “các quy tắc nghiêm ngặt” về vị trí quảng cáo xuất hiện và “trong phần lớn trường hợp” công ty bảo vệ người dùng và nhà quảng cáo khỏi nội dung độc hại hoặc không phù hợp.
Ông Harris cho hay năm 2016, Google đã xóa gần 2 tỷ quảng cáo, cấm hơn 100.000 nhà phát hành và chặn quảng cáo trên hơn 300 triệu video YouTube.
Tuy nhiên, ông Harris cũng thừa nhận số lượng quảng cáo quá lớn mà Google đảm nhận đồng nghĩa “không phải lúc nào họ cũng làm tốt”.
“Trong tỷ lệ phần trăm rất nhỏ trường hợp, quảng cáo xuất hiện kèm video vi phạm nội dung của chúng tôi”, ông nói và cam kết sẽ giải quyết vấn đề.
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp và nhà quảng cáo cũng gặp tình trạng tương tự khi quảng cáo của họ bị chèn vào các clip có nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam.
Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn hôm 16/3 đã chủ trì cuộc họp với doanh nghiệp và nhà quảng cáo liên quan đến vụ việc này. Các doanh nghiệp sau đó cam kết chung tay, ủng hộ chương trình hành động của Bộ để xây dựng môi trường Internet lành mạnh.
Phía Google cũng đã tiến hành gỡ bỏ các clip có nội dung xấu độc trên YouTube sau khi nhận thông báo từ phía cơ quan chức năng Việt Nam.
PV (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc