(VnMedia) - Không chỉ là nơi trưng bày những chiếc smartphone mới nhất của năm, MWC 2017 còn là nơi các chuyên gia bàn luận những vấn đề mới, nóng nhất của viễn thông thế giới. Hãy cùng xem tại Hội nghị năm nay, những vấn đề nào sẽ được đề cập tới?
1. Có nên phát triển mạnh trí tuệ nhân tạo?
Năm 2016 đánh dấu sự phát triển đáng nhớ của trí tuệ nhân tạo với hàng loạt các sự kiện như: chương trình của Google đánh bại kiện tướng cờ vây thế giới, Tesla thử nghiệm các dòng xe điện có khả năng tự lái thay con người, cỗ máy của IBM phát hiện ra bệnh ung thư ở một bệnh nhân mà trước đó bác sĩ và các hệ thống máy móc y tế khác xác định là bình thường.... AI được cho là sẽ mở ra kỷ nguyên phát triển mới của nhân loại, với những hệ thống, cỗ máy cực kỳ thông minh, làm thay con người được rất nhiều công việc nguy hiểm, những việc khó khăn.
Trong lĩnh vực viễn thông, AI có thể được sử dụng để giúp các nhà cung cấp dịch vụ hiểu hơn về nhu cầu, về trải nghiệm của khách hàng, từ đó làm bền chặt hơn mối quan hệ giữa hai bên. Thêm vào đó, AI còn có thể được ứng dụng trong các hệ thống an ninh mạng, phát hiện lỗi trên mạng lưới cũng như thực hiện các tác vụ để gia tăng hiệu quả hoạt động của mạng. Tại MWC 2017 năm nay, các nhà mạng sẽ trao đổi với nhau về việc ứng dụng AI như thế nào vào hoạt động của mình.
Và cũng giống như việc AI đang khiến không ít người lo ngại về việc những cỗ máy thông minh này sẽ “cướp” mất việc làm của rất nhiều người. Nhà mạng nói riêng và doanh nghiệp nói chung cũng cần phải lưu ý tới việc xây dựng lộ trình áp dụng như thế nào đó để "chuẩn bị tinh thần" cho các nhân viên của mình.
2. Bảo mật ra sao mới đủ an toàn?
Vẫn có rất ít lĩnh vực hấp dẫn hacker hơn so với viễn thông, chính vì vậy, dự báo bảo mật vẫn sẽ là một chủ đề nóng được đưa ra tại Hội nghị năm nay. Mặc dù trong năm 2016 đã có rất nhiều cuộc tấn công lớn diễn ra với các nhà mạng, đặc biệt là xu hướng tấn công thông qua các thiết bị IoT với phạm vi ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều so với trước song các công ty viễn thông vẫn cho rằng họ chưa đạt tới đỉnh của nguy cơ.
Ví dụ, cuộc tấn công mạng đã khiến một nửa dân số Mỹ không truy cập được internet vào giữa tháng 10/2016. Liền sau đó, công ty viễn thông StarHub tại Singapore cũng nếm mùi tấn công khiến toàn bộ khách hàng sử dụng dịch vụ băng rộng của doanh nghiệp này không truy cập được internet trong khoảng 2h. Ngoài những thiệt hại liên quan tới danh tiếng, doanh thu từ khách hàng thì các doanh nghiệp còn đối mặt với những khoản phạt nặng từ cơ quan quản lý. Ví dụ Talk Talk đã bị phạt 400.000 bảng Anh vì việc để website của họ ở tình trạng bảo mật kém, dẫn tới việc dữ liệu cá nhân của gần 157.000 khách hàng bị đánh cắp.
Tại MWC 2017, người ta chờ đợi sự ra mắt của những phương pháp bảo mật với cách tiếp cận toàn diện hơn, sáng tạo hơn để bắt kịp với việc các vụ tấn công mạng đang diễn ra với tần số ngày càng cao và độ tinh vi ngày càng tăng.
3. Cuộc chạy đua mang tên 5G
Rất nhiều dự báo đều chỉ ra rằng năm 2020 sẽ là năm mà mạng di động thế hệ mới nhất này bắt đầu được triển khai, song chúng ta đã thấy một số nhà mạng công bố kế hoạch triển khai sớm hơn. Ví dụ như Verizon với kế hoạch triển khai vào năm nay (2017). Và nhiều người cho rằng trong MWC 2017 sẽ có thêm nhiều cái tên lớn khác công bố kế hoạch của mình cũng như thảo luận về việc sẽ chuẩn bị cho việc triển khai, cung cấp các dịch vụ trên 5G ra sao?
Trong khi đó, các tổ chức, doanh nghiệp sẽ tiếp tục làm việc để định nghĩa ra những tiêu chuẩn mới, những kỹ thuật mới theo những xu hướng công nghệ mới đang bắt đầu được nhắc tới gần đây như thực tế ảo, IoT và các mạng cảm ứng…. để đáp ứng chính xác yêu cầu đặc tính của từng loại hình dịch vụ.
Với tất cả những viễn cảnh đầy hứa hẹn đó, dù vừa mới bắt đầu trải nghiệm những tiện ích mà 4G mang lại, người dùng đã bắt đầu cũng cảm thấy hào hứng, chờ mong mạng di động thế hệ mới, dẫn tới cuộc chạy đua của các nhà cung cấp dịch vụ.
Hoàng Vũ (Theo Telecoms.com)
Ý kiến bạn đọc