Samsung cho biết, công ty hiện vẫn "đang cân nhắc các lựa chọn" để giảm thiểu tác động môi trường tiềm tàng từ quyết định khai tử smartphone Galaxy Note 7 tai tiếng.
Samsung đã quyết định khai tử mẫu Galaxy Note 7 hồi tháng 10 sau hàng loạt sự cố cháy, nổ khắp thế giới. Ảnh: EPA |
Thú nhận của Samsung được đưa ra sau khi nhóm hoạt động môi trường Hòa Bình xanh phát đi một tuyên bố trong tuần này, yêu cầu nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới tìm ra cách tái chế các vật liệu hiếm, chẳng hạn như cobalt, vàng, palladium và vonfram trong những chiếc Note 7 bị thu hồi và tiêu hủy.
Hồi tháng 10, Samsung tuyên bố vĩnh viễn chấm dứt việc kinh doanh mẫu phablet dễ cháy nổ. Công ty vẫn đang trong quá trình thu hồi máy Note 7 trên khắp toàn cầu. Ước tính, Samsung đã bán được 3,06 triệu máy cho khách hàng trước khi ra lệnh thu hồi chúng.
"Hiện tại, Samsung đang cân nhắc tiêu hủy 4,3 triệu chiếc Note 7 mới tinh tiếp sau gần 100 vụ smartphone này phát nổ khắp thế giới. Số lượng đó tương đương với gần 730.000kg thiết bị công nghệ cao. Mặc dù Samsung đã có quyết định đúng đắn khi yêu cầu thu hồi mọi điện thoại nguy hiểm để tránh xảy ra thêm nhiều vụ tai nạn hoặc thương tích, nhưng câu hỏi hiện là: Họ sẽ làm gì với một núi điện thoại khổng lồ đó. Samsung cần phải hành động một cách minh bạch để đảm bảo những smartphone đó không kết thúc số phận trong thùng rác. Thay vào đó, chúng nên được tháo gỡ và phân loại để các thành phần vật liệu quý hiếm của máy được tái sử dụng", tổ chức Hòa bình xanh nhấn mạnh.
Samsung không nhắc tới tổ chức Hòa bình xanh trong tuyên bố của công ty và từ chối tiết lộ những gì định làm với các máy Note 7 đã thu hồi. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Samsung tuyên bố trên trang Motherboard rằng, công ty hiện không có kế hoạch sửa chữa hay tái bán các smartphone lỗi, nhưng đảm bảo có nhà máy để loại bỏ chúng an toàn.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, việc không tái chế các thành phần và hóa chất có giá trị của Note 7 "có khuynh hướng dẫn tới một thảm họa môi trường". Theo họ, mẫu phablet này có khoảng 50 thành phần, nhưng chỉ gần 12 thành phần có thể tái chế để sử dụng.
(Theo Vietnamnet)
Ý kiến bạn đọc