(VnMedia) - Một trong những động lực chính khiến các nhà mạng quyết định triển khai 4G chính là tăng cường sự thỏa mãn của người dùng về sản phẩm, dịch vụ mình cung cấp. Vậy cụ thể người dùng Việt sẽ được những gì từ 4G?
Truy cập internet di động tốc độ cao hơn
Về lý thuyết, theo định nghĩa của Liên minh Viễn thông Thế giới (ITU), 4G có thể hỗ trợ tốc độ download dữ liệu lên tới 100 Mbps khi di chuyển, cao gấp 10 lần so với tốc độ 3G hiện đang hỗ trợ, và xấp xỉ 1 Gbps trong điều kiện đứng yên. Độ trễ truyền dẫn cũng được giảm nhiều lần so với mức 3G đang hỗ trợ hiện nay, đem lại trải nghiệm hoàn toàn khác biệt cho các dịch vụ yêu cầu tính thời gian thực cao như video HD, truyền hình trực tiếp….
Ngày 3/11 vừa qua, VNPT VinaPhone đã chính thức cung cấp dịch vụ 4G tại Phú Quốc, Kiên Giang. Theo thử nghiệm thực tế của người dùng ngay tại buổi lễ khai trương, tốc độ truy cập internet trung bình thực tế đạt từ 40 - 80Mbps, cao gấp 7-10 lần so với tốc độ trung bình của 3G hiện nay. Tốc độ 4G tối đa có thể đạt tới 300Mbps. Độ trễ dịch vụ cũng giảm tới 3 lần so với 3G. Theo VNPT VinaPhone, trong một số trường hợp, 4G của VNPT VinaPhone có thể thay thế được cho đường truyền internet, cùng với thiết bị hostpot có thể trở thành một bộ phát tín hiệu wifi, phục vụ cho đồng thời nhiều người một lúc.
Ngay trong lễ khai trương dịch vụ, VNPT VinaPhone đã thực hiện livestream với ca sĩ Văn Mai Hương và đã thực sự khiến khách quan tham dự lễ khai trương khá bất ngờ bởi chất lượng âm thanh, hình ảnh gần như không khác biệt so với nghe live. |
Như vậy, có thể thấy rằng 4G sẽ cải thiện đáng kể tốc độ truy nhập internet di động, trải nghiệm dịch vụ của người dùng so với khi sử dụng 3G. Dù rằng mức độ cải thiện có thể sẽ không giống nhau giữa các nhà cung cấp dịch vụ khác nhau bởi hiện mới chỉ có VNPT VinaPhone chính thức cung cấp dịch vụ 4G và nhà mạng này sử dụng phiên bản công nghệ LTE hiện đại nhất hiện nay (LTE Advanced). Ba nhà mạng dự kiến sẽ cung cấp dịch vụ 4G còn lại là Viettel, MobiFone và Gmobile hiện vẫn chưa chính thức cho biết sẽ sử dụng công nghệ nào. Trước đó, khi thử nghiệm, Viettel sử dụng công nghệ LTE và MobiFone thì thử nghiệm LTE Advanced giống VNPT VinaPhone còn Gmobile thì không tiến hành thử nghiệm dịch vụ.
Sử dụng dịch vụ dữ liệu giá rẻ hơn
Với hiệu suất sử dụng phổ tần lớn hơn, sử dụng các chương trình mã hóa thông minh hơn, các kỹ thuật nén tiến bộ hơn cũng như nhiều kỹ thuật ghép kênh mới vì vậy mà với cùng một lượng băng tần, trên cùng một dải tần thì 4G sẽ cho dung lượng lớn hơn khá nhiều so với 3G. Thêm vào đó, 4G LTE cho phép nhà mạng có thể tận dụng được nhiều tài nguyên tần số khác nhau (không cần yêu cầu độ lớn nhất định như trong 3G, không cần băng tần phải được cấp phép…) khiến các nhà mạng triển khai 4G có phần đơn giản hơn khi muốn mở rộng dung lượng hệ thống, 4G được đánh giá là sẽ giúp các nhà mạng triển khai giảm giá thành sản xuất trên mỗi bit dữ liệu, từ đó cung cấp dịch vụ dữ liệu với đơn giá rẻ hơn cho người dùng.
Theo khẳng định của một số nhà mạng sẽ triển khai 4G, đơn giá cước dữ liệu 4G tại Việt Nam sẽ rẻ hơn so với 3G. Hiện VNPT VinaPhone đang cung cấp một số gói cước dữ liệu cho thuê bao 4G:
Các gói cước 4G VNPT VinaPhone đang cung cấp |
Với các gói cước này, đơn giá trên mỗi MB dữ liệu cho thuê bao 4G dao động trong khoảng từ 35 - 43 đ/MB, thấp hơn nhiều so mức trung bình của các gói mobile internet phổ biến VinaPhone cung cấp (gói M, gói MAX, dao động từ 80 đ - 120 đ/MB).
Thực tế thì các gói cước này VNPT VinaPhone đã cho ra mắt từ giữa tháng 5/2016, áp dụng cả cho các thuê bao 3G. Tuy nhiên, đại diện VNPT VinaPhone cho biết đây là những gói cước mới, đã được thiết kế với dung lượng lớn và giá cước rẻ hơn để đón đầu xu hướng của người dùng 4G. Tới đây, VinaPhone sẽ tiếp tục căn cứ vào mức sử dụng thực tế của thuê bao 4G để có thể đưa ra các gói cước mới nhiều ưu đãi hơn cho người dùng.
Tuy nhiên, người dùng cần phân biệt rõ giữa đơn giá dữ liệu rẻ hơn so với việc giá cước sử dụng dịch vụ giảm so với trước. Đơn giá trên mỗi bít dữ liệu giảm song với 4G, tốc độ cao hơn hẳn so với 3G nên có thể trong cùng một khoảng thời gian sử dụng, lưu lượng dữ liệu khi dùng 4G sẽ cao hơn so với 3G, từ đó tổng số tiền người dùng phải trả cho dịch vụ dữ liệu có thể tăng chứ không giảm.
Theo thống kê tại một số thị trường triển khai thành công 4G, lượng dữ liệu trung bình mỗi thuê bao 4G sử dụng tăng gấp đôi so với khi họ dùng 3G. Vì vậy, dù đơn giá/bit dữ liệu của 4G giảm so với 3G song cước hàng tháng người dùng phải trả vẫn tăng. Tất nhiên, đổi lại là trải nghiệm dịch vụ hoàn toàn khác biệt so với 3G.
Tiếp cận các dịch vụ, tiện ích mới
Với tốc độ truyền dẫn dữ liệu cao, độ trễ thấp, tính bảo mật cao, 4G không chỉ giúp cải thiện chất lượng một số dịch vụ đang cung cấp trên nền tảng 3G mà còn mở ra cơ hội phát triển nhiều dịch vụ, tiện ích mới cho người dùng.
Ví dụ phổ biến nhất có thể thấy đó là các dịch vụ truyền hình trực tuyến, xem video full HD, video 4K, chơi game thực tế ảo… là những dịch vụ đầu tiên mà các nhà mạng triển khai 4G bổ sung thêm vào danh mục dịch vụ của mình. Các nhà mạng Việt Nam nhiều khả năng cũng sẽ theo hướng này. Ngay sau khi VNPT VinaPhone ra mắt 4G, dịch vụ MobiTV nhà mạng này đang cung cấp đã được tích hợp nhiều video 4K (gấp 4 lần fullHD, nét hơn gấp bội lần so với HD). Hiện thuê bao có thể sử dụng dịch vụ mà không hề mất phí dữ liệu.
Dịch vụ với được bổ sung nhiều nội dung 4K, hoàn toàn miễn phí cước data. |
Trong một năm trở lại đây, một trong những dịch vụ cũng được nhiều nhà mạng 4G cung cấp tới khách hàng đó chính là thoại trên nền LTE (VoLTE). Có thể nhiều người dùng hiện đang sử dụng các dịch vụ thoại/thoại video miễn phí như Viber, Skype… và cảm thấy hoàn toàn hài lòng với chất lượng nó cung cấp. Tuy nhiên, lý do nào khiến các nhà mạng trên thế giới lại quyết định cung cấp một dịch vụ mà người dùng có các lựa chọn khác miễn phí? Đó chính là sự vượt trội về chất lượng. Người dùng chi trả một khoản tiền không lớn để trải nghiệm dịch vụ thoại hình với chất lượng âm thanh, hình ảnh hoàn toàn khác biệt.
Xa hơn nữa, tại nhiều quốc gia phát triển, 4G đã và đang được đưa vào ứng dụng ở nhiều lĩnh vực khác nhau. 4G không chỉ đơn thuần là cung cấp kết nối giữa con người - con người mà còn kết nối máy - máy (M2M). Dù hiện nay một lượng lớn kết nối M2M đang được thực hiện nhờ mạng 2G, thậm chí là 3G song ngày càng xuất hiện những ứng dụng với yêu cầu đặc thù về độ trễ thấp, tính bảo mật cao, ví dụ như trong lĩnh vực y tế, giao thông.
Thực tế là đã có những quốc gia sử dụng kết nối 4G để các bệnh viện tuyến trên có thể hỗ trợ việc chẩn đoán, khám chữa bệnh cho các trạm y tế ở khu vực vùng sâu, vùng xa. Với trường hợp này, chất lượng hình ảnh và âm thanh là vô cùng quan trọng để đảm bảo việc chẩn đoán chính xác.
Một ví dụ khác là hiện không ít hãng xe hơi đang sử dụng 4G để kết nối các camera trang bị quanh xe với hệ thống xử lý trên những chiếc xe tự lái. Trong trường hợp này, tốc độ kết nối giữa camera và hệ thống phải cực nhanh bởi chỉ cần chậm một chút thôi, xe sẽ không phản ứng được với tình hình thực tế và gây tai nạn. Những dịch vụ này có lẽ sẽ chưa thể hiện thực hóa tại Việt Nam trong thời gian ngắn.
Với những lợi ích nói trên, dễ hiểu là vì sao nhiều người dùng đang mong đợi 4G nhanh chóng được triển khai rộng rãi. Cả 3 nhà mạng đều thông báo sẽ nhanh chóng phủ sóng 4G trong năm 2017, trong đó, riêng VNPT sẽ xây dựng 21.000 trạm 4G.
Hoàng Vũ
Ý kiến bạn đọc