(VnMedia) - Hôm nay, 28/10, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT sẽ chính thức nhận giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng và giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông 4G trên băng tần 1800 Mhz. Sự kiện này được đánh giá đã ghi dấu chặng đua mới cung cấp dịch vụ công nghệ 4G tại thị trường Việt Nam...
VNPT và Viettel là hai doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam được nhận quyết định được chính thức cung cấp dịch vụ 4G. Theo quyết định Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trương Minh Tuấn ký, Tập đoàn VNPT sẽ có thể chính thức triển khai, cung cấp dịch vụ 4G trên băng tần 1800 MHz ra thị trường rộng rãi trong thời gian tới. Hồ sơ xin cấp phép 4G của các doanh nghiệp gửi lên Cục Viễn thông đã trải qua quá trình rà soát, thẩm định chặt chẽ của Bộ TT&TT về hạ tầng, công nghệ cũng như phương án, mô hình kinh doanh.
Trước khi được cấp phép chính thức, VNPT VinaPhone đã cung cấp thử nghiệm một số dịch vụ công nghệ 4G tại TP.HCM và Kiên Giang từ tháng 1/2016. Nhìn nhận 4G là công nghệ hứa hẹn tạo ra những bước đột phá mới về dịch vụ viễn thông và CNTT, bên cạnh những trải nghiệm khác biệt đối với người sử dụng, 4G còn là điều kiện phát triển các ứng dụng, giải pháp cho doanh nghiệp, chính quyền trong một giai đoạn “Internet kết nối mọi thứ - Internet of Things”, ngay khi cung cấp thử nghiệm dịch vụ, ông Lương Mạnh Hoàng, Chủ tịch Tổng Công ty VNPT VinaPhone chia sẻ, VNPT VinaPhone đã có sự chuẩn bị sẵn sàng và đầu tư bài bản cả về mạng lưới và dịch vụ 4G, với mục tiêu sẽ là nhà mạng tích cực triển khai nhanh chóng và hiệu quả dịch vụ 4G tại Việt Nam.
Các chuyên gia viễn thông cho rằng, sau thử nghiệm, việc thương mại hóa 4G tại Việt Nam sao cho hiệu quả, bền vững là một vấn đề cần được nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng. Và theo một thống kê mới đây, phần lớn người dùng Internet Việt Nam sử dụng Internet để giải trí hơn là phục vụ công việc. Những dịch vụ giá trị gia tăng 3G và nay là 4G mà các doanh nghiệp nên nhắm tới khi cung cấp chính thức cũng không nên bỏ qua yếu tố này.
Theo kinh nghiệm của những nhà mạng đã thương mại hóa 4G trên thế giới, trước sức ép của sự giảm doanh thu từ các dịch vụ truyền thống và sự bùng nổ về lưu lượng các dịch vụ dữ liệu, các nhà mạng thành công trên thế giới đều tiến hành hiện đại hóa hệ thống mạng và mô hình kinh doanh của mình.
Đại diện Ericsson Việt Nam cho hay, các nhà khai thác mạng của Việt Nam nên áp dụng chiến lược của các doanh nghiệp đi trước để đạt được mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận đối với các dịch vụ trong tương lai và sẵn sàng cho sự ra mắt các dịch vụ 4G. 4G/LTE chắc chắn sẽ hỗ trợ sự tăng trưởng lớn về dữ liệu và mang lại những dịch vụ chất lượng cao cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Được biết, khi VNPT VinaPhone cung cấp thử nghiệm 4G, nhà mạng này đã đem tới cho người dùng cơ hội trải nghiệm những tiện ích đặc biệt với các dịch vụ: xem video chất lượng cao (Mobile TV), dịch vụ truyền video Live Streaming (Mobile Broadcast), truyền hình hội nghị (Cloud Video Conferencing) và dịch vụ sử dụng máy tính ảo (Daas). Theo VNPT VinaPhone, đây là những dịch vụ cần tốc độ và dung lượng rất cao về dữ liệu, cần độ trễ thấp và thể hiện rõ nhất sự khác biệt giữa dịch vụ 4G và 3G (tốc độ 4G trung bình sẽ cao hơn 3G khoảng 10-20 lần, độ trễ của dịch vụ thấp, đặc biệt vùng phủ sóng ổn định hơn hẳn so với 3G.
Tuy nhiên, đó là những dịch vụ được cung cấp trong thời gian thử nghiệm. Khi được cấp phép cung cấp dịch vụ công nghệ 4G chính thức, VNPT VinaPhone chắc hẳn sẽ đem lại cho khách hàng di động của nhà mạng nhiều tiện ích hơn, đáp ứng tốt nhất nhu cầu cả trong giải trí, công việc.
Hiền Mai
Ý kiến bạn đọc