Một nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy số năm sống trên đời của một người chỉ có giới hạn và dù khoa học có tiến bộ đến mức nào thì cũng không thể vượt qua được giới hạn này.
Tuổi thọ của con người bị ràng buộc bởi một giới hạn tự nhiên và con người đã đạt tới giới hạn đó, theo một quan sát nhân khẩu học toàn cầu vừa được đưa ra gần đây. Nghiên cứu này đã chứng minh cụ bà người Pháp, Jeanne Calment, là người thọ nhất thế giới.
Cụ Calment qua đời năm 1997, hưởng thọ 122 tuổi và sẽ khó có ai sống lâu hơn cụ, theo một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Nature. Chỉ có 1 trong số 10.000 người có khả năng sống qua ngưỡng tuổi 125. Bởi những người sống siêu thọ như bà Calment là cực hiếm nên các nhà nghiên cứu cho rằng 115 mới là độ tuổi giới hạn thực tế của chúng ta.
Ảnh chụp bà Jeanne Calment ở tuổi 20 |
Tác giả nghiên cứu, ông Jan Vijg, Giáo sư kiêm Chủ tịch Khoa Di truyền, Học viên Y học Albert Einstein cho biết: “Cơ hội tìm thấy người sống cực thọ là vô cùng thấp, nhưng số người hưởng thọ 115 tuổi là rất nhiều và sẽ còn nhiều hơn nữa. Dường như việc sống cực thọ, đạt tới 115 tuổi, một phần nào đó nằm trong mã gen của bạn. Nhưng đương nhiên là bạn phải có cuộc sống lành mạnh, chế độ ăn cân bằng, thể thao thường xuyên, không hút thuốc… cũng như phải rất may mắn thì mới sống đến độ tuổi đó, nhưng gần như là không thể quá 115”.
Vijg và các công sự Xiao Dong, Brandon Milholland đã phân tích thông tin từ cơ sở dữ liệu về những người tử vong trong thế kỷ 19 và 20 cũng như những năm của thế kỷ 21. Các nhà nghiên cứu này cũng xem xét cơ sở dữ liệu về tuổi thọ thế giới , tài liệu thống kê tuổi thọ tối đa của người dân trên toàn thế giới.
Tuổi thọ của con người đang tăng lên một cách bền vững và nhanh chóng trong vòng 150 năm trở lại đây trên hầu hết các quốc gia. Các tác giả và cộng sự cho rằng điều này là nhờ nguồn thức ăn tốt, vệ sinh được cải thiện, nước uống sạch cũng như các chương trình tiêm chủng, kháng sinh, các tiến bộ công nghệ khác và nỗ lực phòng ngừa những vấn đề về sức khỏe như dinh dưỡng tốt, tập thể dục và an toàn công cộng.
Các tác giả nghiên cứu còn khám phá ra rằng, từ sau cái chết của cụ Calment, tuổi thọ tối đa của loài người đã bị giảm xuống. Theo ông Jay Olshansky, thuộc trường School of Public Health, Đại học Illinois, Chigaco, do tuổi thọ tối đa thụt lùi xuất hiện trong khi số người lớn tuổi trên thế giới ngày càng tăng đã làm ngưỡng tuổi thọ tối đa tăng lên.
Vijg cho biết ông không cho rằng các yếu tố căng thẳng hiện tại như dân số quá đông, thay đổi khí hậu, ô nhiễm… là nguyên nhân. Thay vào đó, dường như tuổi thọ của con người bị giới hạn do những yếu tố cố định trong gen.
Điều đó không có nghĩa rằng chúng ta đều sinh ra và bị gán sẵn số năm tuổi thọ từ trong gen rồi trừ đi các yếu tố tác động của môi trường là ra số năm sống trên đời, nhưng quá trình sinh học khiến chúng ta già đi và chết là không thể tránh khỏi. Vijg giải thích: “Hầu hết quá trình lão hóa là do tích tụ của sự hỏng hóc trong hệ thống, DNA bị hư hại, protein bị hư hại. Điều này sẽ có thể khiến hệ thống của cơ thế hoạt động sai lệch ngày càng nhiều, khiến chúng ta suy giảm chức năng và mắc bệnh.
Những đột phá y học tiếp tục xuất hiện và các nhóm nghiên cứu khác vẫn ngày đêm làm việc để chỉnh sửa bộ gen của loài người nhằm đảm bảo chúng ta tránh được một số loại bệnh cũng như tìm ra các loại thuốc mới để đánh bật một số vấn đề liên quan đến lão hóa. Thậm chí với những tiến bộ kể trên, Vijg vẫn cho rằng con người khó có thể sống qua độ tuổi 115 hay vượt qua được kỷ lục của bà Calment.
“Sự khác biệt trong bộ gen của bạn sẽ quyết định bạn sống được bao nhiêu tuổi, cùng với các yếu tố môi trường và thói quen sống tạo nên hàng ngàn thậm chí cả chục ngàn khác biệt mà tôi không thấyt được làm thế nào để tạo ra một loại thuốc có thể đáp ứng được điều đó”, ông Vijg cho biết.
Tuy nhiên, ông Olshansky tại cho rằng sẽ đến lúc ngưỡng tuổi 122-125 cũng bị phá vỡ, nhưng theo ông tuổi thọ dài như vậy có lẽ sẽ không dựa trên bất cứ công nghệ nào mà chúng ta có ngày hôm nay và không phải nhờ vào việc tìm ra loại thuốc chữa hầu hết những căn bệnh chết người.
“Cần khám phá ra thứ gì đó khác biệt hoàn toàn, cho phép chúng ta làm chậm quá trình lão hóa sinh học để phá vỡ giới hạn này. Tôi lạc quan cho rằng điều này sẽ xảy ra trong quãng đời của chúng ta”, ông chia sẻ.
(Theo ICTnews)
Ý kiến bạn đọc