(VnMedia) - Người dùng Internet Việt Nam thế hệ 9x không ưa chuộng Yahoo! nữa, nhưng nhiều người trong số họ đều biết đầu năm 2008 Microsoft đã từng ngỏ ý mua hãng này với giá lên tới gần 45 tỷ USD nhưng bị từ chối. Tới tháng 7 năm 2016, Yahoo! đã bán mình cho Verizon Communications với giá chỉ còn 4,8 tỷ USD.
Với nhiều người thì Yahoo! vẫn gặp may vì biết đâu sẽ có ngày hãng này sẽ đóng cửa không kèn không trống như sàn thương mại điện tử Lingo ở Việt Nam. Bỏ ra số tiền đầu tư không nhỏ mà chỉ sau khoảng 2 năm chủ đầu tư coi như tay trắng ra đi!
Nhưng câu chuyện không dừng ở đó khi nhìn bức tranh trực tuyến một cách rộng hơn: sự ra đi của những tên tuổi vang bóng một thời có đại diện cho toàn bộ kinh doanh trực tuyến không? Câu trả lời là không. Sự tụt dốc không phanh của Yahoo! là ngược chiều với xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử ở Mỹ. Điều tương tự cũng đúng với sự đóng cửa của Lingo ở Việt Nam. Trong nền kinh tế thị trường mà nền kinh tế số không phải là ngoại lệ, mức độ cạnh tranh là khốc liệt và người thắng sẽ thay thế kẻ thua.
Tại Mỹ, sự phát triển mạnh mẽ của Facebook tương phản với sự suy thoái của Yahoo!. Còn ở Việt Nam, cái tên nào sẽ nổi lên sau những tên tuổi như Deca hay Lingo rời khỏi thị trường? Tập đoàn VinGroup đầu tư mạnh mẽ vào trang thương mại điện tử A đây rồi. VNG cũng mạnh dạn đầu tư 18 triệu USD vào startup Tiki, trang thương mại điện tử này ban đầu chỉ bán sách và hiện nay đã dần mở rộng sang những mảng khác như thiết bị số, thời trang phụ kiện...
Trong khi chưa ai dám quyết một cái tên nào đó thì điều này là rõ ràng: thương mại điện tử Việt Nam vẫn trên đà phát triển mạnh mẽ. Nếu ai chưa tin vào con số tốc độ tăng trưởng 40% năm trong Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam 2015 thì có thể nhìn vào mục tiêu doanh số đạt 1000 tỷ đồng của Ngày mua sắm trực tuyến 2016 so với con số 600 tỷ của năm 2015.
Nhìn vào một số số liệu khác về thị trường tiếp thị trực tuyến thì doanh thu tiếp thị trực tuyến năm 2011 chỉ dừng ở con số 45 triệu USD nhưng năm 2015 đã tăng đến 329 triệu USD. Theo Dự báo của các chuyên gia tiếp thị trực tuyến cho biết năm 2016 tỷ lệ tăng trưởng có thể lên tới 100%.
Theo một khảo sát ở Mỹ thì trong năm 2016 tiếp thị trực tuyến cho lĩnh vực bán lẻ tăng 20% còn tiếp thị truyền thống giảm -12%. Vài con số minh họa từ những nhà bán lẻ trực tuyến Mỹ: từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2015, chi tiêu tiếp thị trực tuyến của Amazon là 3496 triệu USD (tức là bằng 73% giá trị của Yahoo!), của Vistaprint NV là 333 và của Groupon là 171 triệu USD.
Nhìn từ khía cạnh tiếp thị trực tuyến, Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) cho rằng thương mại điện tử ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, bất chấp sự ra đi của một vài doanh nghiệp. Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến 2016 là sự kiện về lĩnh vực tiếp thị trực tuyến lần đầu được tổ chức có quy mô lớn tại Việt Nam. Sự kiện sẽ diễn ra vào ngày 26/8/2016 tại khách sạn Tháp Hà Nội, số 49 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam mong muốn thông qua sự kiện này gửi một tín hiệu tích cực tới mọi doanh nghiệp Việt Nam: không ai có thể đứng ngoài cuộc chơi trực tuyến trong kỷ nguyên số.
H.A
Ý kiến bạn đọc