Một nhóm các nhà nghiên cứu của trường Đại học Stanford cho biết đã có thể nhận biết các khu vực nghèo đói trên thế giới bằng cách sử dụng các hình ảnh vệ tinh thay vì phải đến tận nơi để khảo sát, đánh giá như trước đây.
Để làm được điều này, nhóm nghiên cứu đã phát triển một hệ thống máy tính có nhúng trí tuệ nhân tạo (AI) để có thể tự động thu thập và phân tích các hình ảnh thu được từ vệ tinh.
Trước khi công bố thông tin này, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm với 5 quốc gia châu Phi và các kết quả thu nhận qua hệ thống này tương tự như những kết quả khảo sát thực địa được tiến hành bởi của các tổ chức nghiên cứu khác, vốn rất tốn kém về tiền của, nhân lực và thời gian.
Với thành công này, ngoài việc tiết kiệm chi phí và nhân công, hệ thống đánh giá qua hình ảnh vệ tinh còn giúp rút ngắn thời gian các khu vực nghèo đói được chứng nhận là nghèo đói và qua đó cũng rút ngắn thời gian mà các khu vực này được tiếp cận các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức khu vực và thế giới.
Đã có thể xác định khu vực nghèo khó qua hình ảnh vệ tinh |
Theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới (WB), những người có mức sống dưới 1 USD mỗi ngày được coi là người nghèo. Như trước đây, để xác định được khu vực nghèo khó các tổ chức nghiên cứu thường phải trực tiếp đến hiện trường để tiến hành khảo sát về thu nhập, mức sống, công việc, dân trí….
Tuy nhiên, với phương pháp mới này, các hình ảnh vệ tinh về môi trường sống, lối sống, thói quen, hạ tầng, phương thức sản xuất được thu nhận vào thời điểm ban ngày và độ chiếu sáng vào ban đêm sẽ là những tiêu chí mới để đánh giá một khu vực có thuộc diện nghèo khó hay không.
Lê Hường (theo BBC)
Ý kiến bạn đọc