Quan chức Bộ TT&TT cho rằng sẽ có biện pháp với Pokemon Go ở Việt Nam sau khi đánh giá nhiều mặt. Trong khi đó, có ý kiến cho rằng game mang lại lợi ích kinh tế dù nhiều bất cập.
Ngày 16/8, trên sóng truyền hình quốc gia, Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra quan điểm cơ quan này về trò chơi đang gây sốt tại Việt Nam. Theo đó, Bộ sẽ đánh giá tác động của trò chơi, sau đó đưa ra các biện pháp ngăn chặn Pokemon Go ở Việt Nam nếu cần thiết.
Bộ TT&TT đang đánh giá tác động của Pokemon Go tại Việt Nam và có thể đưa ra biện pháp ngăn chặn trò chơi này. |
“Pokemon Go mới được phát hành ở Việt Nam trong một thời gian tương đối ngắn. Vì thế, chúng ta vẫn cần thêm thời gian để đánh giá được tác động của trò chơi này, đặc biệt là tác động tiêu cực đến xã hội, đến người chơi nhất là giới trẻ. Qua đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có quyết định là nên cấm hay không. Còn hiện tại, Bộ chủ trương đưa ra những khuyến cáo để cẩn trọng trước trò chơi”, ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh.
Cũng theo vị quan chức này, Pokemon Go nói riêng và các trò chơi điện tử trên mạng nói chung đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Nếu không tuân thủ, Bộ buộc phải có các biện pháp ngăn chặn để bảo vệ người chơi, xây dựng môi trường mạng lành mạnh.
Pokemon có lợi lẫn có hại, khó quản lý
Sáng 16/8, ông Lê Quang Tự Do cũng tham gia cuộc đối thoại về chủ đề "có nên nói không với Pokemon Go". Đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử nhắc lại quan điểm đã trình bày trước đó, đồng thời cho rằng việc hạn chế game này cũng gặp nhiều khó khăn bởi game được phát hành ở nước ngoài, máy chủ ở nước ngoài và không có đại diện nào mang tư cách pháp nhân ở Việt Nam.
Chia sẻ về góc nhìn của "người trong nghề", ông Nguyễn Bá Thành, một chuyên gia phát triển game và nguyên giám đốc điều hành công ty WePlay cho rằng Pokemon Go tạo nên xu hướng nên sẽ có nhiều ý kiến trái chiều. Do đó, chúng ta cần có cái nhìn cụ thể để xét lợi đến đâu, hại thế nào.
"Ở góc độ người chơi thì có lợi nhiều hơn hại vì được vận động nhiều, bởi bản chất người Việt vận động ít. Hại là sự xao nhãng khi di chuyển, trong công việc, dễ bị lợi dụng", ông Thành chia sẻ.
Góc độ kinh tế, chuyên gia này cho rằng Pokemon Go mang đến nhiều cơ hội. Có 2 cách khai thác: Tạo ra các dịch vụ ăn theo, dịch vụ phục vụ cho trò chơi, tạo traffic, thu tiền. Lấy game để phát triển giáo dục, quảng cáo.
Ở góc độ quản lý doanh nghiệp, ông Nguyễn Bá Thành cho rằng game này có thể lãng phí về mặt thời gian, tài nguyên con người.
"Nhà phát hành Pokemon Go cần tránh các khu vực nhạy cảm"
Song song với cảnh báo và đánh giá tác động của Pokemon Go, Bộ Thông tin và Truyền thông đang chuẩn bị văn bản gửi đến nhà phát hành Pokemon Go.
Cụ thể, Bộ sẽ yêu cầu nhà phát triển và phát hành game Pokemon Go tuân thủ pháp luật Việt Nam, bảo đảm không gây tác hại đến xã hội.
Trong văn bản này, Bộ TT&TT yêu cầu Niantic không thả Pokemon ở những nơi nguy hiểm như đường cao tốc hay những địa điểm có qui định riêng về trang phục như đền thờ, chùa, di tích lịch sử và các khu vực cấm như quân sự, an ninh quốc phòng... để không xâm hại đến những khu vực nhạy cảm này.
Đồng thời, Bộ TT&TT cũng yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ game Pokemon tuân thủ pháp luật Việt Nam và bảo đảm quyền lợi và an toàn cho người chơi. Trong đó, Niantic cần cam kết bảo mật thông tin tài khoản, thông tin cá nhân và các giao dịch của người chơi.
Bộ TT&TT khuyến nghị các game thủ Pokemon Go tuân thủ 5 nguyên tắc gồm: Thứ nhất, tranh chấp phát sinh, ảnh hưởng đến quyền lợi của người chơi không được bảo vệ theo quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý trò chơi điện tử trên mạng. Lí do là Pokemon Go chưa được các cơ quan chức năng cấp phép phát hành tại Việt Nam. Thứ hai, người dùng cần lưu ý bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân, tránh lưu trữ thông tin quan trọng, nhạy cảm trên điện thoại chơi Pokemon Go. Thứ ba, người chơi kiểm tra cẩn thận trước khi cài đặt Pokemon Go, tránh cài những ứng dụng giả và lừa đảo trên mạng. Thứ tư, người dùng không nên chơi Pokemon Go khi tham gia giao thông. Không chơi ở khu vực nguy hiểm như: Đường sắt, đường cao tốc, sân bay, sông, hồ, đồi, núi… Cuối cùng, Bộ TT&TT khuyến nghị người chơi không đến gần hoặc trong khu vực các cơ quan của Đảng và Nhà nước, các khu vực quân sự, an ninh quốc phòng và các khu vực cấm. |
(Theo Zing.vn)
Ý kiến bạn đọc