(VnMedia) - Trong bài tham luận của mình tại Hội thảo Quốc tế 4G LTE 2016 sáng nay, 18/8, ông Lê Nam Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã đặt ra một số vấn đề quan tâm khi triển khai 4G LTE tại Việt Nam. Theo nguyên Thứ trưởng, triển khai 4G - LTE, Việt Nam sẽ thúc đẩy nhanh hơn sự phát triển của hạ tầng băng rộng theo đúng mục tiêu đặt ra...
Hội thảo Quốc tế 4G LTE 2016 do Hiệp hội Internet Việt Nam phối hợp với Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG Việt Nam tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông vừa khai mạc vào sáng nay, 18/8 tại Hà Nội. Hội thảo đã thu hút sự hiện diện của hơn 400 khách mời là các chuyên gia, các nhà quản lý đại diện tất cả các đơn vị, tổ chức, công ty đang hoạt động trong thị trường viễn thông như Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện Bộ và các đơn vị viễn thông của các nước tiểu vùng sông Mê Kông, các Cục, Vụ, các cơ quan quản lý viễn thông; các đơn vị cung cấp hạ tầng kỹ thuật, giải pháp; các đơn vị kinh doanh dịch vụ viễn thông; các đơn vị kinh doanh dịch vụ nội dung số...
Sự phát triển của 4G LTE đóng một vai trò quan trọng trong kỷ nguyên Internet kết nối vạn vật của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ di động toàn cầu (GSA), tính đến hết quý I/2016, số lượng thuê bao 4G LTE đạt 1,29 tỷ với bình quân 2 triệu thuê bao mới mỗi ngày được các nhà mạng khai thác. Hiện tại, trên thế giới đã có 503 mạng 4G LTE được thương mại hóa tại 167 quốc gia tính đến tháng 5/2016 (theo thống kê từ GSA). Tại Việt Nam, theo nhận định từ Bộ Thông tin và Truyền thông thì 2016 là thời điểm thích hợp cho Việt Nam triển khai thành công 4G.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm phát biểu khai mạc Hội thảo Quốc tế 4G LTE 2016. |
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm chia sẻ, “năm 2016 sẽ là năm khởi đầu tốt đẹp cho LTE và năm 2017 sẽ là năm phát triển mạnh mẽ”. Nhằm tạo đà cho sự phát triển 4G LTE, đầu năm 2016, Chương trình phát triển băng rộng quốc gia đến 2020 đã được Thủ tưởng Chính phủ Việt Nam phê duyệt và ban hành với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng được hạ tầng băng rộng có thể phủ sóng 3G/4G đến 95% dân số vào năm 2020. Ngoài ra, để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp trong việc triển khai 4G, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung xây dựng chính sách rõ ràng trong việc dùng hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy phát triển các ứng dụng nội dung, CNTT trên hạ tầng viễn thông băng rộng,…
Theo Thứ trưởng Phan Tâm, song song với sự chuẩn bị từ phía nhà nước, các doanh nghiệp viễn thông cũng đang gấp rút xây dựng chiến lược phát triển từ đây đến 2020 với trọng tâm là 4G LTE. Từ cuối năm 2015, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép thử nghiệm 4G LTE cho một số nhà mạng lớn là VNPT, Vietel, MobiFone. Dự kiến 4G sẽ được cấp phép chính thức vào cuối năm 2016, sau khi hoàn tất báo cáo kết quả thử nghiệm từ các nhà mạng.
Trong bối cảnh đó, dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG Việt Nam và Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế 4G LTE năm 2016. Hội thảo sẽ cập nhật và thảo luận về những cơ hội, thách thức trong lộ trình xây dựng và phát triển mạng 4G LTE tại Việt Nam; đồng thời mang đến những bài học kinh nghiệm quốc tế cũng như giới thiệu các cơ chế quản lý khoa học, các giải pháp công nghệ tiêu biểu nhằm phát triển thành công mạng 4G LTE. Hội thảo sẽ bao gồm 01 phiên báo cáo chính và 2 phiên thảo luận chuyên đề.
Trong bài tham luận của mình tại Hội thảo Quốc tế 4G LTE 2016 sáng nay, ông Lê Nam Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã đặt ra một số vấn đề quan tâm khi triển khai 4G LTE tại Việt Nam. Theo nguyên Thứ trưởng, triển khai 4G - LTE, Việt Nam sẽ thúc đẩy nhanh hơn sự phát triển của hạ tầng băng rộng theo đúng mục tiêu đặt ra. Theo ông Lê Nam Thắng, triển khai cung cấp thử nghiệm 4G LTE ở thời điểm này, nếu xét về độ sẵn sàng băng tần thì Việt Nam chậm khoảng 2 năm so với thế giới, và nếu nói về tiêu chuẩn công nghệ thì Việt Nam chậm khoảng 4 năm. Tuy nhiên, ở thời điểm này vẫn là phù hợp với Việt Nam, khi thiết bị đầu cuối dành cho 4G LTE đã khá đa dạng, giá cả dịch vụ và thiết bị đầu cuối phù hợp với thu nhập của người dân.
Ngoài ra, phiên báo cáo chính trong buổi sáng nay có chủ đề: “Phát triển tiềm năng 4G LTE hướng tới kỷ nguyên kết nối vạn vật” còn tập trung giới thiệu những vấn đề nóng xung quanh việc triển khai 4G LTE như: Lộ trình thử nghiệm và triển khai 4G LTE tại Việt Nam; Phát huy tối đa tiềm năng và phát triển công nghệ LTE tại Việt Nam...
Với gần 15 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực viễn thông di động tại Châu Á - Thái Bình Dương, bài tham luận của ông Mantosh Malhotra, Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Nam Á trình bày là một bài học kinh nghiệm hữu ích cho các nhà mạng Việt Nam trong việc xây dựng một hệ sinh thái di động trong đó 4G sẽ được phát triển song song với 3G.
Ông Mantosh Malhotra, Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Nam Á chia sẻ thông tin. |
Cuối cùng là Tọa đàm Cấp cao giữa các đại diện lãnh đạo ngành viễn thông của các quốc gia trong tiểu vùng sông Mekong, đại diện từ tập đoàn Qualcomm và các chuyên gia tư vấn từ Google, Huawei,.. về việc xây dựng chiến lược để triển khai thành công 4G LTE tại Việt Nam.
Trong chiều nay, Hội thảo quốc tế sẽ tiếp tục diễn ra với hai chuyên đề khá hấp dẫn. Chuyên đề 1 - “Tối ưu hóa nguồn tài nguyên và hạ tầng cho mạng 4G LTE" sẽ tập trung thảo luận về chính sách quản lý băng tần tại Việt Nam trong thời gian tới cũng như định hướng phát triển LTE hướng tới 5G, các giải pháp an ninh bảo mật tối ưu cùng kinh nghiệm tối ưu chi phí đầu tư hạ tầng 4G LTE hiệu quả. Một số bài tham luận nổi bật như: Phát triển LTE hướng tới công nghệ 5G do ông PatrickTsie, Giám đốc công nghệ, Tập đoàn Qualcomm khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương trình bày.
Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc với dịch vụ 3G và phát triển không dây, những chia sẻ của ông PatrickTsie sẽ giúp ích cho việc phát triển nền tảng LTE vững chắc để tiến lên 5G trong tương lai gần.
Các đại biểu tham dự Hội nghị quốc tế về 4G LTE cùng chụp ảnh lưu niệm. |
Chuyên đề 2 với chủ đề “Phát triển các hình thức kinh doanh và dịch vụ trên nền tảng 4G LTE" sẽ tập trung vào các định hướng quản lý các dịch vụ phát triển trên nền tảng công nghệ 4G, các giải pháp phân tích dữ liệu lớn và IOTs cho thành phố thông minh cũng như xu hướng mới cho dịch vụ Mobile Internet... Các bài tham luận tiêu biểu như: Định hướng quản lý các dịch vụ phát triển trên nền tảng 4G LTE do động Nguyễn Hà Yên, Cục phó Cục Phát thành, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông trình bày; Giải pháp Internet kế nối vạn vật (IoT) cho thành phố thông minh do ông Harry Ming, Trưởng phòng Tiếp thị Công nghệ, Tập đoàn Qualcomm khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương trình bày.
Trong khuôn khổ hội thảo còn có triển lãm sản phẩm thiết bị đầu cuối và giới thiệu công nghệ mới với sự tham gia của các đơn vị VNPT, Mobifone, Viettel, OPPO, CMC Telecom,...Với quy mô đó, Triển lãm Công nghệ 4G LTE 2016 là điểm quy tụ của những trình diễn sản phẩm công nghệ và giải pháp CNTT mới và hiện đại nhất từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới; là nơi mang đến những trải nghiệm và cái nhìn chân thực nhất về công nghệ 4G LTE hiện nay.
Hiền Mai
Ý kiến bạn đọc