IPhone của Apple là "bất khả xâm phạm"?

16:05, 11/03/2016
|

(VnMedia) - Chính phủ Mỹ có quyền yêu cầu được truy cập vào các ứng dụng camera và microphone trên iPhone khi cần phải theo dõi người dân, nếu Apple thua cuộc trong trận chiến pháp lý với FBI.

Ngay trong những tháng đầu năm 2016, đã xảy ra những vụ kiện liên tiếp giữa FBI và Apple khi cơ quan an ninh Mỹ muốn hãng công nghệ lớn nhất thế giới bẻ khóa sản phẩm của mình để chống tội phạm, nhưng gặp phải sự từ chối thẳng thừng với lý do "bảo mật thông tin cho khách hàng".

Apple và FBI cuộc chiến chưa có hồi kết

Người đứng đầu bộ phận Dịch vụ và phần mềm Internet của Apple - Eddy Cue cho biết, nếu FBI dành chiến thắng tại tòa án về việc mở khóa iPhone của tội phạm, thì có thể vấn đề không dừng lại ở đó, thậm chí Chính phủ các nước có thể yêu cầu được truy cập vào toàn bộ phần mềm trên iPhone, chứ không dừng lại ở việc mở khóa hệ thống máy ảnh và microphone. Đây là những vấn đề mà Apple lo ngại và chưa bao giờ cũng như không bao giờ muốn nó xảy ra.

Apple đã nỗ lực chiến đấu chống lại các yêu cầu của FBI kể cả trên mặt trận pháp lý, đồng thời kiên quyết từ chối xây dựng phần mềm đặc biệt để mở khóa chiếc iPhone 5C của Syed Rizwan Farook – kẻ đã thực hiện một vụ xả súng tại thành phố San Bernardino (bang California, Mỹ) khiến 14 người chết và ít nhất 22 người bị thương. Apple cho rằng việc xây dựng một chính sách “cửa sau” như yêu cầu của FBI là chưa bao giờ tồn tại trong công ty này và nếu để điều đó xảy ra thì sẽ làm tổn thương hàng triệu người dùng sản phẩm của Apple, biến các sản phẩm của hãng trở thành mối nguy hiểm với người dùng kể cả là giới tội phạm và tin tặc ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

Các chuyên gia công nghệ cho rằng, việc FBI yêu cầu Apple mở khóa là một tiền lệ không cần thiết vì có thể mở khóa iPhone mà không cần đến sự trợ giúp của hãng công nghệ này. Trong khi đó, Lãnh đạo của Apple cho rằng, việc FBI đưa ra yêu cầu với mình là phi lý, chả có ai lại cung cấp chìa khóa mở cửa hậu vào ngôi nhà của chính mình cho người lạ mặt cả. Và nếu Apple cung cấp “chìa khóa” mở tất cả các điện thoại cho Chính phủ, một khi chúng lọt vào tay tội phạm khủng bố hoặc tin tặc thì sẽ như thế nào? Chắc chắn tổn thất sẽ vô cùng nặng nề.

Việc truy cập từ xa vào hệ thống máy ảnh và microphone của smartphone là một điều đáng lo ngại nhưng không phải là chưa từng xảy ra. Như vụ việc liên quan đến Stage Fright – lỗi trên điện thoại Android xảy ra năm ngoái, khiến tin tặc có thể truy cập vào cả hai hệ thống nói trên.

Cuộc chiến giữa Apple và FBI vẫn chưa kết thúc, thế nhưng Apple rõ ràng đang chiếm nhiều lợi thế khi Tòa án Tối cao chính thức mở phiên điều trần vào ngày 22/3 tới. Tuần trước, Apple đã đệ đơn phản hồi gồm 65 trang trình Tòa án Tối cao với nội dung cho rằng những yêu cầu của FBI đang trực tiếp vi phạm hiến pháp Hoa Kỳ. Các fan của Apple đang “nín thở” chờ đợi sự phán quyết của tòa án, nếu phần thắng thuộc về Apple thì càng chứng tỏ một điều sản phẩm của hãng là những “thành trì” bất khả xâm phạm. 


Ý kiến bạn đọc