(VnMedia) - Việt Nam đã sẵn sàng triển khai 4G-LTE vào năm 2016. Để đáp ứng nhu cầu người dùng, rất nhiều loại smartphone được bán ra ở Việt Nam đã có tính năng LTE tích hợp trong máy.
Năm 2016 triển khai 4G-LTE: Đúng thời điểm!
Trong ấn phẩm Ericsson Mobility Report chuyên về khu vực Đông nam Á và Châu đại dương vừa phát hành cho thấy, tới cuối năm 2015, số thuê bao di động Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng, đóng góp đáng kể vào số lượng 1 tỉ thuê bao của khu vực Đông nam Á và Châu đại dương. Số lượng thuê bao di động của khu vực này chiếm khoảng 14% toàn cầu. Tới năm 2021, mạng LTE sẽ cung cấp cho 75% toàn khu vực.
Con số được Ericsson đưa ra, ở thời điểm này, có tới 40% thuê bao di động Việt đang sử dụng smartphone. Và tới năm 2018, tỉ lệ thuê bao di động Việt sử dụng smartphone sẽ tăng khoảng 70%, gần gấp đôi tỉ lệ đô thị hóa của Việt Nam.
Theo ông Jan Wassenius, Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam, Việt Nam đã sẵn sàng để triển khai LTE vào năm 2016. Hiện tại, lưu lượng dữ liệu đang tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng và các nhà mạng đang triển khai thử nghiệm LTE với thiết bị và giải pháp của Ericsson. Rất nhiều loại smartphone được bán ra ở Việt Nam đã có tính năng LTE tích hợp trong máy.
“Tới năm 2016, sự tăng trưởng về lưu lượng dữ liệu di động đặt ra yêu cầu cao cho các nhà khai thác di động trong việc đảm bảo mạng di động hoạt động hiệu quả và ổn định. Về khía cạnh kinh doanh, tăng trưởng dữ liệu tạo ra các cơ hội kinh doanh mới cho nhà khai thác thông qua việc triển khai các mô hình kinh doanh mới, và thu hồi lợi nhuận từ hạ tầng đã đầu tư” - ông Jan Wassenius cho hay.
Triển khai băng rộng di động là tất yếu
Theo dự đoán của Ericsson, Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều vào băng rộng di động. Tùy vào loại ứng dụng, các thuê bao sẽ quyết định lựa chọn băng rộng di động hoặc Wi-Fi khi kết nối vào Internet. Băng rộng di động và Wi-Fi sẽ phát triển song hành với nhau. Việc sử dụng Wi-Fi sẽ bổ sung cho băng rộng di động và phù hợp với những ứng dụng đòi hỏi nhiều dữ liệu.
Việt Nam sẽ gặp những thách thức về vùng phủ ứng dụng. Vùng phủ ứng dụng là phạm vi địa lý mà ở đó băng rộng di động đảm bảo cho ứng dụng nhất định hoạt động ưng ý cho người dùng. Trong báo cáo cũng cho thấy Việt Nam và các nước lân cận ở vùng cần phải có thêm nhiều biện pháp để đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ tốc độ cao như video streaming đạt được chất lượng ưng ý.
Sự chuyển dịch từ 3G sang 4G sẽ tác động đến sự phân bổ nhóm người dùng đối với các gói cước dữ liệu. Việc sử dụng các thiết bị thông minh tạo nên sự gia tăng về lưu lượng di động và ngày càng nhiều thuê bao nâng cấp lên những gói cước có dung lượng dữ liệu lớn hơn.
Số lượng các thuê bao dùng gói dữ liệu dưới 1GB trong năm 2015 giảm đi so với năm 2014 trong khi đó số lượng thuê bao chuyển sang dùng các gói cước có dung lượng cao tăng lên nhanh chóng. Trong năm 2015, 40% thuê bao ở khu vực Đông nam Á và Châu đại dương đăng ký gói cước 2,1 - 5GB trong khi năm 2014 tỉ lệ này chỉ có 30%.
Việc chuyển dịch từ 3G sang 4G sẽ tạo nên sự đột phá về giá trị của băng rộng di động nhờ các dịch vụ sáng tạo được mang đến bởi những thiết bị tân tiến và mạng lưới tối ưu. Việc đưa vào các tính năng của LTE như ghép sóng mang (carrier aggregation), Multi Output Multi Input (MIMO), LTE Broadcast và VoLTE sẽ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ thoại và video.
Ý kiến bạn đọc