Thị trường ICT Việt: "Nóng" cùng 4G!

14:49, 25/10/2015
|

(VnMedia) - Sự kiện tọa đàm mang tên “Việt Nam tiến lên 4G như thế nào?” đã khiến giới truyền thông trong lĩnh vực Công nghệ thông tin dành nhiều giấy mực nhất trong tuần qua. Tiếp đó là thông tin về dự thảo Sửa đổi thông tư quản lý thuê bao trả trước...

Đã tới thời điểm Việt Nam thử nghiệm 4G

Tại buổi tọa đàm “Việt Nam tiến lên 4G như thế nào?” vừa được Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam (Vietnam ICT Press Club) tổ chức vào ngày 21/10, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Quy hoạch, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho hay, Bộ TT&TT dự kiến cấp phép cho 3 doanh nghiệp xin cấp phép thử nghiệm mạng 4G-LTE (Long Term Evolution - công nghệ di động thứ 4). Hiện Cục đang trình Bộ trưởng xem xét cấp phép sau quá trình thẩm định.

Theo ông Trần Tuấn Anh, vì thử nghiệm mạng công nghệ dịch vụ nên các nội dung, quy mô thử nghiệm hạn chế chứ không triển khai cung cấp toàn quốc. Mỗi doanh nghiệp triển khai thử nghiệm tối đa 3 tỉnh, thành phố. Doanh nghiệp sẽ lựa chọn tỉnh thành phố phù hợp hiện trạng hạ tầng viễn thông của mình triển khai công nghệ 4G-LTE để tích hợp băng tần hiện có, thí điểm cung cấp dịch vụ.

Và theo quy hoạch phát triển viễn thông, năm 2016, Bộ TT&TT sẽ xem xét cấp phép triển khai mạng băng rộng di động thế hệ tiếp theo. Bộ cho phép doanh nghiệp triển khai để xem xét khả năng cung cấp dịch vụ 4G trong năm 2016 hoặc năm 2017. Khi được cấp phép, doanh nghiệp phải phát triển một mạng mới cần đủ dung lượng. Điều này phụ thuộc mô hình kinh doanh, cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp.

Về phía mình, Bộ TT&TT quyết định cho phép doanh nghiệp thử nghiệm ở băng tần 1800MHz, đồng thời thử nghiệm trên cả băng tần 2300MHz và 2600MHz. Trên cơ sở đánh giá kết quả thử nghiệm, Bộ xem xét đánh giá mô hình hiệu quả kinh doanh cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu xã hội, và sẽ chính thức cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông theo đúng quy định.

Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đã xác định triển khai 4G sau năm 2015, Theo Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng, đây là thời điểm phù hợp. Theo ông Lê Nam Thắng, có thể 2016 cấp phép, doanh nghiệp cần 1 năm để triển khai mạng lưới, sau đó sẽ cung cấp dịch vụ. Đầu 2017, giá thành thiết bị đầu cuối và thiết bị mạng giảm nhiều, tiết kiệm cho người dùng.

Thuê bao trả trước có thêm số lượng sim sở hữu

Trong tuần qua, Bộ TT&TT cũng đã ban hành dự thảo một số điểm sử đổi bổ sung cho thông tư 04 về Quản lý thông tin thuê bao trả trước. Có thể thấy, nội dung được bổ sung sửa đổi đang tập trung vào việc tăng cường quản lý chặt hơn thông tin thuê bao trả trước và bổ sung thêm hai nội dung mới để có thể quản lý chặt hơn thông tin thuê bao.

Theo nội dung của dự thảo, đối với người đăng ký sở hữu thuê bao, sau 72 giờ kể từ khi hoàn thành đăng ký thông tin thuê bao, nếu không thực hiện cuộc gọi hoặc nhắn tin đến nhà mạng để kích hoạt dịch vụ  thì thông tin thuê bao đã đăng ký sẽ bị hủy. Chủ thuê bao muốn sử dụng dịch vụ phải làm thủ tục đăng ký lại từ đầu. Với quy định này, đại lý sẽ phải gỡ sim cho vào máy để kích hoạt, thực hiện dịch vụ, không thể còn nguyên đai nguyên kiện bán cho khách hàng như hiện nay. Người dùng sẽ e ngại hơn khi phải mua những sim như thế này.

Định kỳ tháng đầu tiên của mỗi quý, doanh nghiệp viễn thông sẽ phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật và nhân công kiểm tra, rà soát, phát hiện các thông tin thuê bao không chính xác, không rõ ràng, chưa đầy đủ, bị trùng lặp; tần suất, thời gian đăng ký không hợp lý và các sai phạm khác. Nếu phát hiện các thuê bao có thông tin không đầy đủ, không chính xác, nhà mạng sẽ phải gửi tin nhắn và áp dụng các phương thức thông báo phù hợp để yêu cầu chủ thuê bao thực hiện đăng ký lại thông tin. Sau 10 ngày kể từ khi chủ thuê bao nhận được thông báo nhưng không đăng ký lại thông tin theo đúng quy định, nhà mạng sẽ tạm dừng hoạt động (khóa chiều gọi đi) của thuê bao đó và chấm dứt hoàn toàn hoạt động sau 30 ngày.

Trước ngày mùng 10 hàng tháng, các doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm báo cáo Sở TT&TT số lượng thuê bao được đăng ký thông tin thuê bao tại mỗi điểm đăng ký thông tin thuê bao trên địa bàn của tháng trước đó.

Tại mỗi quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, các doanh nghiệp viễn thông di động chiếm thị phần khống chế phải triển khai ít nhất một điểm đăng ký thông tin thuê bao. Dữ liệu lưu trữ của nhà mạng phải bổ sung cả điểm khai thông tin của thuê bao - điều này sẽ giúp các nhà mạng nhanh chóng có thể sửa đổi, bổ sung thông tin khi phát hiện thông tin chưa đúng.

Hàng tháng nhà mạng sẽ rà soát thông tin thuê bao trên hệ thống để loại bỏ, sửa các thông tin sai lỗi cũng như phát hiện những hiện tượng đăng ký không hợp lý. Doanh nghiệp cũng phải báo cáo số liệu thuê bao định kỳ hàng tháng thay về Sở TT&TT thay vì hàng quý như trước đây. Với tần suất kiểm tra và báo cáo được rút ngắn theo dự thảo, chắc chắn vấn đề sim rác sẽ được cải thiện, dù nhiều hay ít. Nhà mạng cũng phải đảm bảo triển khai điểm đăng ký để thuê bao có thể tới đăng ký thông tin.

Bên cạnh việc quản lý chặt hơn, dự thảo cũng quy định “mở” đó là tăng số lượng sim một thuê bao được sở hữu. Nếu như theo Thông tư cũ, mỗi người dùng được đăng ký tối đa 3 sim/nhà mạng, còn trong dự thảo sửa đổi, con số này lên tới 5 sim/mạng di động.

2020: 50 - 60% hộ gia đình và cá nhân có Internet băng rộng

Đó là một trong những mục tiêu đến năm 2020 vừa được công bố tại Đại hội nhiệm kỳ II (2015 - 2020) Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) diễn ra ngày 22/10/2015 tại Hà Nội. Mục tiêu của VIA trong nhiệm kỳ tới đó là góp phần thúc đẩy việc đưa ứng dụng Internet vào đời sống xã hội, đặc biệt tập trung cho các lĩnh vực giáo dục, y tế, dịch vụ công... để đến năm 2017, Việt Nam có 10% các hoạt động đời sống xã hội được đưa lên Internet, tạo sự gần gũi, thân thiện của Internet và đời sống; Đóng góp tích cực vào việc hình thành hệ sinh thái IoT (Internet của vạn vật) ở Việt Nam với nòng cốt là các doanh nghiệp viễn thông, Internet, phần cứng và phần mềm, ứng dụng liên quan IoT.

Hiền Mai


Ý kiến bạn đọc