Chủ tịch VNPT: "Nếu sản phẩm công nghiệp tốt có thể tính đến xuất khẩu"

11:05, 19/10/2015
|

Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT cho hay, nếu các sản phẩm công nghiệp của VNPT làm tốt thì không chỉ phục vụ trong hệ thống của VNPT mà còn có thể tính chuyện xuất khẩu ra nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son thăm Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Bưu điện

Cách đây 5 năm, trong buổi làm việc với Bộ TT&TT, Viettel khẳng định chiến lược của doanh nghiệp này là sẽ nhắm đến sản xuất công nghiệp. Phía Viettel lý giải rằng chỉ có sản xuất công nghiệp mới có thể chủ động được việc đưa các ứng dụng, dịch vụ của mình đến với khách hàng. Cũng chính tại buổi làm việc đó, lãnh đạo VNPT cho rằng khối công nghiệp đang là gánh nặng của VNPT, các sản phẩm công nghiệp rất khó cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập.

Đã có thời kỳ cụm công nghiệp của VNPT tại Yên Viên - Gia Lâm - Hà Nội trở thành điểm sáng với các nhà máy sản xuất cáp, thiết bị viễn thông. Đầu năm 2013, Bộ TT&TT tổ chức đi thực tế các đơn vị của VNPT trong đó có Công ty Cổ phần Vật liệu Xây dựng Bưu điện (trụ sở tại Yên Viên - Gia Lâm - Hà Nội) để chuẩn bị cho việc tái cơ cấu VNPT. Thời điểm đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp của VNPT tại Yên Viên - Gia Lâm đã ở tình trạng “cửa đóng then cài”. Nhiều nhà xưởng được khóa kỹ bằng dây xích bị hoen gỉ, nhiều bảng hiệu của công ty đổ xiêu vẹo. Ngay chính lãnh đạo Công ty Cổ phần Vật liệu Xây dựng Bưu điện cũng báo cáo tình hình rất khó khăn vì khó cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường.

Đã có thời kỳ cụm công nghiệp của VNPT tại Yên Viên - Gia Lâm - Hà Nội trở thành điểm sáng với các nhà máy sản xuất cáp, thiết bị viễn thông

Tuy nhiên, sau khi tiến hành tái cơ cấu, lãnh đạo VNPT khẳng định, sức cạnh tranh của VNPT không thể thiếu khối công nghiệp. Đây sẽ là một trụ cột trong chiến lược phát triển của VNPT. Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên của VNPT cho biết, đã có thời kỳ khối công nghiệp của VNPT phát triển mạnh, nhưng lúc đó VNPT “một mình một chợ” và thực hiện cơ chế bao tiêu sản phẩm. Chính vì cơ chế đó đã khiến cho khối công nghiệp gặp khó khăn khi VNPT bị cạnh tranh mạnh bởi các đối thủ mới và không còn bao tiêu sản phẩm cho khối công nghiệp. Thậm chí, có giai đoạn người ta coi khối công nghiệp là gánh nặng của VNPT.

Thế nhưng, sau khi tiến hành tái cơ cấu, VNPT đã đưa khối công nghiệp của mình sang một trang phát triển mới. “Năm 2014, không ai tin VNPT có thể tự sản xuất được 100% thiết bị đầu cuối trên mạng của mình nhưng bây giờ VNPT đã sản xuất được set top box, modem quang, modem Wi-Fi, smartphone. Trước 2014, khối công nghiệp của VNPT là tờ giấy trắng song chúng tôi đã quyết tâm xây dựng khối công nghiệp, phát huy những tiềm năng vốn có và đến nay, VNPT tự tin khẳng định là sản xuất được 100% thiết bị đầu cuối. VNPT đang đưa vào sử dụng trên mạng lưới của mình 500.000 modem ADSL, 100.000 modem cáp quang. Hiện VNPT không nhập khẩu các thiết bị đầu cuối để triển khai trên mạng lưới mà sẽ sử dụng các thiết bị tự sản xuất. Nếu trước kia thiết bị đầu cuối phải nhập ngoại thì hiện nay khối công nghiệp của VNPT đã chủ động 100% thiết bị đầu cuối trên mạng của VNPT”, ông Trần Mạnh Hùng chia sẻ.

Ông Trần Mạnh Hùng cho biết, ngoài việc cung cấp cho nhu cầu của mình, các sản phẩm của VNPT sẽ được bán rộng rãi ra ngoài thị trường và cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp khác. Thậm chí, nếu sản phẩm công nghiệp của VNPT tốt sẽ tính đến chuyện xuất khẩu ra nước ngoài.

“Bây giờ chúng tôi xác định rằng, khối công nghiệp là sức mạnh cạnh tranh của VNPT. Sở dĩ như vậy vì công nghệ bây giờ rất uyển chuyển, các nhà sản xuất chip rất cần những người gắn liền công nghệ với mạng lưới. Khối công nghiệp của VNPT có vị trí rất quan trọng trong chiến lược phát triển, vì không phải tập đoàn viễn thông nào cũng làm công nghiệp, nhưng VNPT làm với lợi thế hạ tầng sẵn có và làm chủ được công nghệ. Chỉ khi mình hoàn toàn chủ động và làm chủ công nghệ mới có thể đưa các ứng dụng, dịch vụ của mình trên các thiết bị đầu cuối một cách linh hoạt. Nếu mua các thiết bị đầu cuối thì không thay đổi dịch vụ được vì nhà cung cấp thiết bị này sản xuất để cung cấp theo hình thức đóng gói”, ông Trần Mạnh Hùng nói.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Ban quản lý phát triển sản phẩm công nghệ VNPT Technology cho biết, tính đến thời điểm hiện tại VNPT Technology đã cho ra thị trường khoảng 600.000 sản phẩm, dự kiến đến hết năm 2015 doanh nghiệp này tiêu thụ khoảng 900.000 sản phẩm các loại, cung cấp cho thị trường viễn thông, truyền hình, CNTT.

VNPT Technology là một trong số ít doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp CNTT đang hoạt động theo mô hình khép kín: Nghiên cứu phát triển, thiết kế sản phẩm, sản xuất trong nước và cung ứng ra thị trường.

Trong bài phát biểu mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho rằng, VNPT cần đưa VNPT Technologies thành Tổng Công ty với mục tiêu làm chủ thiết bị công nghệ để cung cấp cho chính VNPT, cũng như thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. “Nếu căn cứ theo yêu cầu và nhiệm vụ hiện nay của VNPT thì có thể đưa VNPT Technologies lên thành Tổng Công ty. Chỉ có điều VNPT phải tổ chức lại để làm sao VNPT Technologies thực sự làm chủ thiết bị công nghệ cung cấp cho chính VNPT, cũng như cho thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Phấn đấu thời gian tới, VNPT Technologies sẽ trở thành tổ hợp công nghiệp CNTT vững mạnh, một Tổng Công ty công nghiệp CNTT chủ lực của VNPT trong tương lai”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chỉ đạo.

(Theo ICTnews)


Ý kiến bạn đọc