(VnMedia) - Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Thông tư số 33/2017 quy định chi tiết Nghị định số 01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 5/12 tới.
Theo đó, Thông tư số 33/2017 đã sửa đổi, bổ sung Điểm c Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 23/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định: “Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình…; địa chỉ thường trú của hộ gia đình.
Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình.
Dòng tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với … (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất).”
Như vậy, Thông tư 33/2017 đã bổ sung thêm đối tượng là “những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất” vào trong sổ đỏ.
Ngay sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành thông tư mới này, dư luận đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến mâu thuẫn phát sinh sau khi thông tư này có hiệu lực. Vì vậy, tại cuộc tọa đàm về Làm rõ quy định mới về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) ngày 25/11, ông Mai Văn Phấn - Phó cục trưởng Cục đăng ký đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường) - đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định khi Thông tư 33 có hiệu lực thì các sổ đỏ đã cấp trước đây đều vẫn có giá trị pháp lý nên người dân không cần xin đổi.
Cụ thể, ông Phấn cho biết phạm vi điều chỉnh của Thông tư 33 là các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình. Pháp luật quy định hiện hành có 17 trường hợp thể hiện thông tin của người sử dụng đất trên giấy chứng nhận, hộ gia đình chỉ là một trong những trường hợp đó.
Trước đây, theo Luật Đất đai 1993, 1998 quy định chủ thể trong việc sử dụng đất đai là hộ gia đình hoặc chủ hộ trên giấy chứng nhận. Tuy nhiên, hiện quyền sử dụng đất, thị trường đất đai được mở rộng, người dân được nhiều quyền lợi hơn dẫn đến việc để tên chủ hộ gia đình trong sổ đỏ cấp cho hộ gia đình không còn phù hợp….
“Trong lần điều chỉnh này, chúng tôi muốn xác định chính xác chủ thể nào là thành viên trong hộ gia đình có quyền sử dụng đất để đảm bảo chặt chẽ về pháp lý, giảm thiểu mâu thuẫn trong hộ gia đình, minh bạch trong giao dịch quyền sử dụng đất sau này và đảm bảo việc thực hiện hỗ trợ đền bù khi Nhà nước có nhu cầu thu hồi đất”, ông Phấn nói.
Trả lời câu hỏi, với các sổ đỏ đã cấp trước ngày 5/12/2017, người dân có phải thực hiện đổi sổ đỏ? ông Phấn cho biết, theo quy định tại Điều 98 Luật Đất đai, các sổ đỏ đã cấp trước đây vẫn có giá trị pháp lý như bình thường. Việc cập nhật, chỉnh lý, bổ sung tên cho đúng theo quy định tại khoản 5 Điều 6 - Thông tư 33, là khi các giao dịch thực hiện ở các cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền phải cập nhật đúng tên chủ thể là thành viên của hộ gia đình mà có chung quyền sử dụng đất.
Theo ông Phấn, sở dĩ thời gian qua một số người dân đã hiểu sai việc thành viên có tên trong hộ khẩu sẽ đồng thời được ghi vào sổ đỏ. Tuy nhiên, trên thực tế không phải như vậy. Hộ gia đình theo quy định của Luật Đất đai là một chủ thể trong các chủ thể được cấp sổ đỏ. Những trường hợp cấp sổ đỏ mang tên hộ gia đình phải đảm bảo các yếu tố: Có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng. Cùng sống chung và có tài sản đóng góp, công sức đóng góp chung vào hình thành nên tài sản đó. Như vậy, không phải có tên trong hộ khẩu thì đương nhiên được ghi tên trên sổ đỏ. Chỉ có những người có quyền sử dụng đất mới được ghi trên sổ đỏ.
Khánh An
Ý kiến bạn đọc