Việc đánh thuế căn nhà thứ 2 nhằm mục tiêu thị phát triển trường bất động sản lành mạnh, phòng chống đầu cơ và sử dụng lãng phí bất động sản, tăng thêm nguồn thu ngân sách nhà nước ổn định, dài hạn, bền vững. Tuy nhiên, vấn đề này trên thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc.
Tránh gây ra sự bất công
Theo chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu, đề xuất đánh thuế theo giá trị căn nhà thứ hai mà Bộ Tài chính đưa ra là hợp lý. Thế nhưng, hiện nay vẫn còn vướng mắc rất nhiều vấn đề.
Chẳng hạn, người dân sẽ sử dụng tên người khác để đứng tên căn nhà thứ hai, với mục đích trốn thuế. Hay nước ta chưa có hệ thống thông tin tập trung tại Trung ương, thế nên để xác định căn nhà thứ hai sau căn nhà thứ nhất sẽ là việc khó khăn. Bên cạnh đó, việc xác định sở hữu sẽ dẫn tới có một số người thì bị đánh thuế, số khác không bị phát hiện nên tránh được thuế và gây ra sự bất công.
Ngoài ra, chúng ta cần phải xem lại giá trị của căn nhà. Nếu giá trị cả đất và công trình xây dựng trên đất là cơ sở để đánh thuế mà mỗi năm giá trị thay đổi thì phải dựa vào đâu để có thể đánh thuế. Do đó, việc đánh thuế căn nhà thứ 2 sẽ không phải là điều dễ dàng.
“Đề xuất đánh thuế là hợp lý để chúng ta có sự đóng góp, nhưng tôi nghĩ việc thực hiện sẽ khó khăn. Chúng ta cần 1 - 3 năm để hoàn thiện tất cả các vấn đề như quy định về quản lý đất đai, nhà cửa… trước khi tính tới vấn đề đánh thuế sở hữu căn nhà thứ hai trở đi. Bởi lẽ, xuất phát điểm của việc sở hữu đất đai tại Việt Nam rất phức tạp, trải qua rất nhiều thời kỳ. Trong khi đó, thị trường bất động sản cũng chưa vận hành theo đúng quy luật thị trường nên nó cần có sự cải tổ để tiến tới việc đánh thuế sao cho công bằng”, ông Hiếu nói.
Đồng quan điểm với ông Hiếu, Luật sư Trần Thái Bình, Công ty Luật LNT & Partners - Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng chính sách này là cần thiết, nhưng áp dụng khi nào, cho đối tượng nào cho đúng thì cần phải nghiên cứu thấu đáo.
Theo Luật sư Bình, nếu không có sự nghiên cứu thấu đáo thì không những không giảm những khiếm khuyết của thị trường bất động sản hiện nay, mà còn làm gia tăng áp lực khiến giá nhà cao hơn. Đồng thời, thị trường bất động sản càng áp lực hơn, nhu cầu về nhà ở của một tầng lớp nhân dân thu nhập chưa cao sẽ xa vời hơn.
“Theo tôi, chính sách này áp dụng hiện nay chưa phù hợp. Nhà nước cần nghiên cứu biện pháp để cho tầng lớp thu nhập thấp có căn nhà thứ nhất trước rồi lại tính đánh thuế căn nhà thứ hai sau”, luật sư Bình nhận định.
Cần quy định hạn mức về nhà ở
Chuyên gia kinh tế TS Đinh Thế Hiển nhận định, bản chất của thuế tài sản là đánh vào những người có tài sản. Thế nên việc thu thuế ở đây không phải là thu thuế căn nhà thứ hai mà là thu thuế bất động sản. Nghĩa là một người có tài sản hơn mức nhu cầu thì phải đóng thuế. Vì vậy, nếu dụng khái niệm đánh thuế căn nhà thứ hai là hết sức trừu tượng.
“Nếu một người chỉ có một căn nhà nhưng nó là một căn biệt thự với diện tích rất lớn hoặc một căn nhà được xây lên nhiều tầng cho thuê sẽ có giá trị gấp nhiều lần so với tổng diện tích của người có 2 - 3 nhà nhưng diện tích nhỏ. Vì vậy, nếu áp dụng đánh thuế, tôi nghĩ nên quy định một người dân được bao nhiêu mét vuông nhà ở là nhu cầu đương nhiên, tùy theo ở đô thị hoặc ở nông thôn. Phần diện tích nhà trong quy định thì miễn thuế, còn lại đóng thuế”, ông Hiển nhìn nhận.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Bất động Việt An Hòa cũng cho rằng quy định đánh thuế cần quan tâm đến tính khả thi khi thực hiện. Trong đó, có thể lưu ý đến diện tích hợp lý. Việc sở hữu căn nhà thứ 2 nên kèm thêm diện tích bình quân đầu người vì có nhiều trường hợp nhà đông người mà chỉ có căn nhà nhỏ nay mua thêm căn nhà nhỏ nữa để ở mà bị đánh thuế thì nên xem xét.
Do đó, Bộ Tài chính cần thống nhất và áp mức thuế vừa phải. Mức thuế này nên mang tính tượng trưng, như một loại phí, chứ quá cao sẽ đẩy giá bất động sản lên, gây khó khăn cho người mua nhà để ở. Ngoài ra, nếu mức thuế cao sẽ tạo ra hiện tượng lách luật, nhờ người đứng tên bằng cách này hay cách khác, làm thị trường kém minh bạch và làm tăng giá ảo của bất động sản
Theo Vietnamnet
Ý kiến bạn đọc