Chủ đầu tư Vinaconex 7 bị tố chiếm dụng 2 tầng hầm

10:16, 19/08/2017
|

(VnMedia) - Nhiều người dân sống tại khu chung cư số 61 đường K2, Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm đã phản đối chủ đầu tư Vinaconex 7 chiếm dụng 2 tầng hầm của cư dân

Đã rất nhiều lần yêu cầu kiến nghị chủ đầu tư Vinaconex 7 làm rõ về sở hữu của 2 tầng hầm nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng, tối 15/8, hàng trăm cư dân chung cư Vinaconex 7 tại địa chỉ 61 đường K2, Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm đã tập trung phản đối chủ đầu tư, yêu cầu trả lại quyền quản lý 2 tầng hầm.

Người dân sinh sống tại chung cư Vinaconex 7 cho biết, theo thiết kế được Sở Xây dựng phê duyệt, chung cư này chỉ có 2 tầng hầm, được thiết kế làm khu để xe của cư dân.

Bên cạnh đó, Luật nhà ở 2014 quy định, chỗ để xe là nơi sử dụng chung của các chủ sở hữu nhà chung cư. Vậy nhưng, Vinaconex 7 đã chiếm dụng toàn bộ hầm để xe của người dân để khai thác.

Ông Nguyễn Xuân Cảnh, Trưởng ban quản trị chung cư Vinaconex 7, Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết: “Theo luật nhà ở, tầng hầm là thuộc sử dụng của cư dân, quyền sở hữu chung của cư dân, nhưng mà hiện nay chủ đầu tư đang cố tình dây dưa.

Chúng tôi đã gửi công văn cho chủ đầu tư rất nhiều lần nhưng hiện tại chủ đầu tư vẫn không trả lại cho cư dân và cố tình dây dưa để chiếm dụng làm tài sản riêng của mình”.

Một người dân khác ở chung cư bức xúc: “Ban Quản trị đã nhiều lần gửi lên trên Quận, phường để đề nghị lấy tầng hầm và gửi cho Vinaconex 7 để bàn giao. Tuy nhiên, 2 năm nay vẫn chưa bàn giao gì”.

Theo biên bản đối chiếu xác nhận kinh phí bảo trì, ngoài phần thu từ diện tích của các hộ dân, Vinaconex 7 chỉ nộp kinh phí bảo trì cho 3 tầng văn phòng thuộc sở hữu riêng của mình, hoàn toàn không có diện tích 2 tầng hầm để xe.

Theo người dân, mặc dù nhận trách nhiệm quản lý tầng hầm gửi xe, thu tiền để xe nhưng khi xảy ra mất mát tài sản của cư dân thì Vinaconex 7 lại không chịu trách nhiệm, đẩy toàn bộ rủi ro cho cư dân.

Theo ông Nguyễn Văn Vụ, Phó Ban Quản trị Vinaconex 7, Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, Vinaconex 7 cố tình “quên” quyền lợi của người dân, trong khi cái để “thu” thì vẫn lấy

Khi đóng dấu quyết toán phí bảo trì, chủ đầu tư nói rằng tầng hầm này không phải của mình. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng nói rằng trách nhiệm của mình ở đây, nhưng khi xảy ra mất xe của người dân thì lại hoàn toàn “ngó lơ”, phủ nhận.

Câu chuyện phân định sở hữu chung riêng không chỉ xảy ra ở Vinaconex 7 Cầu Diễn mà còn diễn ra tại rất nhiều chung cư tại Hà Nội. Để bảo vệ quyền lợi của mình, người dân nhiều chung cư đành phải chọn cách tập trung phản đối, với mong muốn sớm có câu trả lời cho những bức xúc nhiều năm nay.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico, việc phân định sở hữu chung hay riêng sẽ phụ thuộc vào phê duyệt dự án ban đầu như thế nào.

"Theo quan điểm cá nhân tôi, nếu không có thông báo rõ ràng từ lúc đầu thì đương nhiên cư dân sẽ phải có chỗ để xe", ông Đức nói.

Về chỗ để xe, theo điều Điều 101 Luật Nhà ở 2014: Chỗ để xe phục vụ cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư bao gồm xe ô tô, xe động cơ hai bánh, xe động cơ ba bánh, xe đạp và xe cho người khuyết tật thì chủ đầu tư phải xây dựng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, thiết kế được phê duyệt và phải được sử dụng đúng mục đích.

Việc xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với chỗ để xe được quy định như sau: Đối với chỗ để xe đạp, xe dùng cho người khuyết tật, xe động cơ hai bánh, xe động cơ ba bánh cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư thì thuộc quyền sở hữu chung, sử dụng chung của các chủ sở hữu nhà chung cư;

Đối với chỗ để xe ô tô dành cho các chủ sở hữu nhà chung cư thì người mua, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư quyết định mua hoặc thuê; trường hợp không mua hoặc không thuê thì chỗ để xe ô tô này thuộc quyền quản lý của chủ đầu tư và chủ đầu tư không được tính vào giá bán, giá thuê mua chi phí đầu tư xây dựng chỗ để xe này.

Như vậy, phần tầng hầm dùng để trông giữ xe trong trường hợp này là sở hữu chung của cư dân.

 


Ý kiến bạn đọc