(VnMedia) - Trên địa bàn xã Tân Phong (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) tồn tại một doanh nghiệp tư nhân hoạt động khai thác đất và sản xuất gạch theo phương thức lò nung thủ công từ trước năm 2000 đến nay, mặc dù không có giấy phép...
Ngày 04/11/2011, Bộ Xây dựng ban hành công văn số 1877/BXD – VLXD hướng dẫn việc thực hiện Quyết định số 567/2010/QĐ-TTg và Quyết định 15/2000/QĐ-BXD, xóa bỏ hoàn toàn lò nung gạch ngói thủ công trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, trên địa bàn xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc tồn tại một doanh nghiệp tư nhân hoạt động khai thác đất và sản xuất gạch theo phương thức lò nung thủ công từ trước năm 2000 đến nay vẫn ngang nhiên hoạt động trên phần diện tích đất canh tác nông nghiệp.
Lò gạch “khoét” chân đê
Theo nghi nhận của phóng viên, khu vực Chùa Ngô (Trại Ổi), xã Tân Phong là khu vực giáp ranh giữa thôn Vị Trù, xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, tại đây vẫn tồn tại khoảng 11 lò gạch thủ công, khoảng 8-9 lò trong số đó vẫn đang “nhả khói” bình thường.
Toàn bộ mặt bằng khu Trại Ổi đã bị hạ cốt do hoạt động khai thác đất, thậm chí có những vị trí có độ sâu khai thác khoảng trên 10m. Nguy hiểm hơn, doanh nghiệp không chỉ cho máy múc khai thác đất canh tác nông nghiệp ngay tại chỗ mà còn khai thác đất sát sâu đến tận chân tuyến đường đê Sáu Vó (một trong những tuyến đê trọng yếu của tỉnh Vĩnh Phúc được đắp để bảo vệ hàng vạn người dân và hàng nghìn ha hoa màu tại 3 huyện Bình Xuyên, Yên Lạc, Vĩnh Tường và TP Vĩnh Yên), gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng đê.
Chị Nguyễn Thị Muôn, thôn Vị Trù, Xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc bức xúc: “Gia đình tôi đã nhiều lần gửi kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền của tỉnh, đề nghị xử lý hoạt động đun đốt lò gạch thủ công trái pháp luật gây ảnh hướng xấu tới môi trường và sức khỏe của cộng đồng dân cư. Cũng có một số đoàn cán bộ về khảo sát tình hình, sau rồi vẫn lại đâu vào đấy”.
Chị Muôn cho biết thêm đa số các gia đình ở đây chăn nuôi gia súc, gia cầm và cây hoa màu nhưng một số hộ đã phải bỏ nghề chăn nuôi vì có những đợt cao điểm ô nhiễm do lò gạch thủ công gây ra làm gia súc gia cầm chết ngạt vì khói lò gạch khiến họ trắng tay
Trao đổi với phóng viên về thực trạng khai thác đất trái phép và phản ánh của người dân về sự ô nhiễm môi trường do những lò gạch thủ công trên địa bàn xã. Ông Nguyễn Văn Vóc, cán bộ địa chính môi trường xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên cho biết: Tất cả lò gạch thủ công đang hoạt động tại khu vực Trại Ổi đều là lò gạch tự phát, không cấp giấy phép hoạt động.
Khi phóng viên thắc mắc về việc khai thác đất nông nhiệp và đất thuộc hành lang bảo vệ chân đê để sản xuất gạch ngói có được chính quyền xã cấp giấy phép khai thác đất, có hợp đồng kinh tế hay không thì ông Vóc cho cho rằng đất sử dụng để sản xuất gạch được lấy từ nguồn đất vét khi cải tạo lòng hồ.
Hiện nay, bộ phận địa chính xã chưa nắm được hợp đồng nào giữa chính quyền với hộ sản xuất gạch thủ công, cũng như không có thông tin gì về giấy phép của các lò gạch tại địa phương do ông mới nhận nhiệm vụ tại xã Tân Phong.
Lý giải việc phản ánh của người dân về tác hại của lò gạch thủ công đối với môi trường xung quanh và hoạt động sản xuất, chăn nuôi của bà con các địa bàn giáp ranh, ông Nguyễn Văn Hợp, Phó chủ tịch UBND xã Tân Phong cho rằng: khu trại Ổi, xã Tân Phong được xác định là ngoài khu dân cư. Sự tác động xấu đến sức khỏe và sinh hoạt của người dân khu vực lân cận ông Hợp không nhận được báo cáo do đều là những khu vực không thuộc thẩm quyền quản lý của mình.
Chính quyền xã tiếp tay?
Ông Nguyễn Văn Hợp, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phong thông tin: UBND xã vẫn thường xuyên đôn đốc việc thực hiện tháo dỡ lò gạch thủ công của cơ sở ông Nguyễn Văn Tiến. Mới đây, gia đình đã viết cam kết hạn muộn nhất là ngày 30/4/2017 sẽ tự giác tháo dỡ công trình trái phép.
Trong các Biên bản làm việc giữa các bên liên quan trong việc thực hiện Nghị quyết 05-NQ/HU của BCH Đảng bộ huyện Bình Xuyên, các công văn của UBND huyện Bình Xuyên, Phòng TNMT huyện Bình Xuyên gửi cho xã Tân Phong đều thể hiện khu vực hoạt động của các lò gạch thủ công tại Trại Ổi là trên danh nghĩa Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Tân Hương (trước đây là tên Công ty TNHH MTV SX&DVTM Kim Thành) nhận thầu.
Theo tài liệu Phòng TNMT huyện Bình Xuyên cung cấp cho thấy: Trong Biên bản làm việc ngày 28 tháng 10 năm 2016 giữa Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng TNMT Bình Xuyên, UBND xã Tân Phong xác định chủ các lò gạch tại Tân Phong là Công ty TNHH Nuôi trồng Thủy sản Tân Hương do ông Nguyễn Văn Tiến là giám đốc. Hợp đồng giao thầu đất công ích số 06/21016/HĐKT ngày 19 tháng 7 năm 2016 về giao khoán sản xuất đất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Trước đó, trong Biên bản làm việc ngày 06 tháng 8 năm 2015 giữa Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng TNMT huyện Bình Xuyên và UBND xã Tân Phong đã xác định các sai xót trong việc giao thầu đất và sai phạm trong mục đích sử dụng đất canh tác nông nghiệp, sự “mập mờ” nghĩa vụ thuế từ việc khai thác đất tại khu vực Chùa Ngô, xã Tân Phong.
Phòng TNMT huyện Bình Xuyên đưa ra kết luận Hợp đồng mà xã ký với doanh nghiệp là sai quy định của pháp luật. Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND huyện Bình Xuyên và UBND xã Tân Phong tổ chức cưỡng chế tháo dỡ các lò gạch thủ công tại khu vực chùa Ngô ngay trong buổi làm việc giữa các bên liên quan từ tháng 8 năm 2015.
Tuy nhiên cho đến nay, các lò gạch thủ công trên địa bàn xã Tân Phong do Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Tân Hương làm chủ vẫn hoạt động bình thường trên cơ sở Hợp đồng giao thầu đất công ích số 06/21016/HĐKT ngày 19 tháng 7 năm 2016 về giao khoán sản xuất đất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Thông tin về hướng chỉ đạo giải quyết tháo dỡ các lò gạch thủ công tại khu vực Trại Ổi theo đúng thời hạn, ông Nguyễn Ngọc Bộ, Trưởng Phòng TNMT huyện Bình Xuyên khẳng định: đến hạn chủ lò gạch cam kết tháo dỡ mà vẫn không tự giác tháo dỡ thì Phòng TNMT huyện Bình Xuyên sẽ tiếp tục chỉ đạo, tuyên truyền đôn đốc việc thực hiện nghiêm túc (?!)
Trần Hà
Ý kiến bạn đọc