(VnMedia) - Một ngày giữa tháng 4/2016, khi chị Thành đang bên ngoại thì có cuộc điện thoại báo chị về gấp. Về đến nhà mọi người mới thông báo chồng chị bị tử nạn khi đang làm việc ở một mỏ đá cách nhà hơn chục cây số…
Cái ngày định mệnh
Đến giờ chị Quách Thị Thành (SN 1977, ở Hòa Bình) vẫn chưa hết đau đớn khi thuật lại câu chuyện. Đó là ngày 15/4, chị nghe được hung tin từ người nhà báo chồng chị là anh Bùi Văn Đạo (SN 1975), bị tai nạn ngã từ trên núi xuống khi đang khai thác đá cho Cty TNHH BMC Hòa Bình thuộc thôn Lai Trì, xã Cao Thắng, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình, cách nhà hơn chục cây số.
“Lúc đó, khoảng 9 rưỡi tôi đang ở bên ngoại thì nhận được tin báo của cô em dâu bảo chị về nhà ngay. Hỏi có việc gì cô ấy không nói, ngay lúc đó tôi đã có linh cảm chuyện chẳng lành. Đến khi thấy công an xã xuống nhà thông báo chồng tôi bị tai nạn chết ngay tại mỏ đá đã làm tôi khuỵ ngã”, chị Thành gạt nước mắt kể.
Khi gia đình lên đến nơi thì được phía công ty thông báo là anh Đạo bị trượt chân trong quá trình khai thác đá rơi xuống từ độ cao 25 mét xuống chân núi và tử vong tại chỗ. Các con còn nhỏ nên mọi người trong gia đình, làng xóm phải hỗ trợ giúp chị đưa chồng từ nơi bị nạn về an táng theo phong tục địa phương.
Chị Thành đau đớn cho biết: “Việc anh ấy bị tai nạn mất thì cũng đã mất rồi nhưng đến giờ tôi và gia đình vẫn chưa biết được thật sự chồng tôi chết trong hoàn cảnh nào. Thấy công an bảo chồng tôi chết là do lúc giải lao đi vệ sinh nên ngã xuống tử vong. Thế nhưng gia đình tôi được nghe từ chính ông Nhân người làm cùng tổ với chồng tôi nói là đang làm việc thì một tảng đá từ trên rơi xuống ông Nhân phát hiện nên đã tránh được còn chồng tôi không kịp tránh nên tảng đá rơi trúng người rồi rơi từ độ cao hàng chục mét xuống đất tử vong. Chuyện họ bảo chồng tôi trượt chân ngã không biết là lấy từ đâu. Hay họ làm thế để trốn tránh tránh nhiệm?”.
Đến bây giờ điều chị Thành ân hận nhất đó chính là việc chồng chị dường như đã có linh cảm về sự nguy hiểm rình rập khi làm công việc vất vả và cực kỳ nguy hiểm này: “Anh ấy đã bảo nghỉ từ một tuần trước đó nhưng không có người nên một người tên là Hiến chuyên gọi người đi làm cho mỏ đá này đã năn nỉ anh ấy đi làm nên anh ấy làm cố đi cho hết tháng rồi nghỉ hẳn. Đến giữa tháng thì anh ấy gặp nạn”.
Cũng theo lời kể của chị Thành những ngày trước đó chị toàn chở anh đi làm rồi chiều về lại lên tận cổng công ty đón chồng. Nhưng không hiểu sao đúng ngày anh gặp nạn chị có công việc bên ngoại nên không đưa anh đi và đó cũng là lần cuối cùng chị nhìn thấy chồng mình.
Tận cùng nỗi đau
Qua câu chuyện được biết vợ chồng anh Đạo, chị Thành có 2 cậu con trai đang tuổi ăn, tuổi lớn. Cậu lớn năm nay thi tốt nghiệp THPT, cậu con trai thứ 2 lên lớp 11. Hai vợ chồng vốn xuất thân từ gia đình nhà nông nên ngoài lúc nông nhàn họ thường kiếm thêm việc làm ngoài công việc đồng áng để có thêm thu nhập chăm lo cuộc sống gia đình. Thế nhưng vất vả quanh năm cuộc sống gia đình cũng chỉ đủ ăn và lo cho các con ăn học là hết chẳng tích cóp được gì.
Các con dần khôn lớn anh phải đi khắp nơi kiếm việc làm thêm, lúc phụ hồ, khi thợ sơn để chăm lo cho gia đình các con được tới trường học hành. Mới tháng trước khi bị nạn anh Đạo còn làm ở dưới Hà Nam nhưng vì ở xa muốn gần vợ con, gia đình lại được người tên Hiến gọi đi làm trong lúc chờ việc.
Tuy là đi làm tạm xong cũng vài ba lần anh bảo nghỉ vì thấy công việc vất vả và rất nguy hiểm. Còn chị Thành do sức khoẻ có hạn nên ngoài đồng áng, vườn tược cũng chỉ chăm sóc con cái mọi khoản chi tiêu đều trông chờ vào đồng lương của chồng.
Khi chúng tôi đến gia đình chị, hoàn cảnh vô cùng bi đát ngôi nhà cấp 4 xập xệ, cũ nát. Chị từ khi chồng mất nghĩ thương chồng nên lúc nào cũng ốm đau, bệnh tật lúc tỉnh lúc mê. Hai cậu con trai dù vẫn còn theo học nhưng viễn cảnh phải bỏ học nửa chừng khi chỗ dựa duy nhất mất đi, mẹ thì ốm đau bệnh tật là điều khó tránh khỏi. Rồi tương lai các cháu sẽ đi về đâu khi phải đối mặt với hoàn cảnh như vậy.
Trao đổi với chúng tôi chị Thành cho biết: “Sau khi xảy ra tai nạn phía công ty đã 3 lần đến thương thảo, đền bù và cho tới lần thứ 4 mới thoả thuận xong với số tiền 100 triệu đồng. Thế nhưng mẹ con tôi cần chồng, cần cha chứ không phải cần số tiền đền bù đó. Đau đớn lắm các anh ạ, nếu mỏ đá không đảm bảo an toàn thì đóng cửa, không cho hoạt động nữa chỉ trong có hơn tháng mà mỏ đá này đã cướp đi 2 mạng người”. Nói rồi chị lấy vạt áo lau những dòng nước mắt lăn dài trên má.
Ngày 15/4, tại mỏ đá của Công ty TNHH BMC Hòa Bình thuộc thôn Lai Trì, xã Cao Thắng xảy ra một vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng. Nạn nhân là anh Bùi Văn Đạo (SN 1975), hộ khẩu thường trú tại thôn Sấu Hạ, xã Thanh Lương. Theo kết luận của cơ quan điều tra anh Đạo đang làm việc với công việc thợ khoan đá. Đến khoảng 9h15 phút nạn nhân lên thu dọn thiết bị khoan trên núi nhưng đang nghỉ giải lao chờ dọn dẹp nốt thiết bị khoan còn lại. Do bất cẩn anh Đạo bị trượt chân ngã từ trên núi xuống. Hậu quả làm nạn nhân chết tại chỗ không kịp đưa đi cấp cứu. Trước đó, ngày 29/2, cũng tại mỏ đá của Công ty TNHH BMC Hòa Bình, anh Nguyễn Văn Thiếu, (SN 1974) hộ khẩu thường trú tại xóm Gạo, xã Hợp Thanh cũng bị ngã từ độ cao 30m xuống chân núi và tử vong. |
Doãn Kiên-Mạnh Hùng
>> Bài tiếp: Làm rõ những vi phạm pháp luật tại các mỏ đá
Ý kiến bạn đọc