(VnMedia)- Giờ đây một số người sẵn sàng vi phạm đạo đức thậm chí vi phạm cả pháp luật chỉ để đạt mục tiêu là nổi tiếng trên mạng ảo...
Chiều 20/7, trên mạng xã hội lan truyền thông tin một số hình ảnh không rõ nguồn gốc với nội dung mô tả hiện trường một máy bay thương mại bị rơi ở khu vực sân bay Nội Bài do mưa to gió lớn. Chia sẻ này ngay lập tức được lan truyền trên mạng với tốc độ chóng mặt. Vì thông tin quá sốc, Lãnh đạo Công an thành phố đã giao nhiệm vụ cho PC50 lên xác minh tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Tại đây, đơn vị này đã có văn bản trả lời khẳng định không có sự việc máy bay rơi, đồng thời khẳng định thông tin đó đã gây hoang mang dư luận, khiến nhiều hành khách lo lắng nên đề nghị Công an Hà Nội điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Chủ nhân của lời chia sẻ này là cô gái còn khá trẻ là Phạm Thị Mùi (SN 1990, ở Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội, HKTT ở Nho Quan, Ninh Bình), một người bán hàng online. Tại cơ quan công an, người đăng tin thất thiệt này cho rằng, đây là vấn đề thời sự, nên chia sẻ cho mọi người cùng biết chứ không cần câu view hay câu like vì lượng người theo dõi đã đông. Và hành vi "vì cộng đồng" này của Theo lãnh đạo Phòng PC50, việc tung tin thất thiệt này của cô Mùi được công an xác định gây hoang mang dư luận, và đã xúc phạm uy tín của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, có dấu hiệu vi phạm Điểm g, mục 3 điều 66 của Nghị định 174. Mức xử phạt hành vi này từ 10- 20 triệu.
Đây không phải lần đầu tiên thông tin ảo gây sốc trên mạng xã hội xuất hiện.
Trước đó, ngày 16/7, thông tin về vụ bắt cóc trẻ em ở Gia Lộc (Hải Dương) được đăng tải trên Facebook đã lan truyền với tốc độ chóng mặt. Sau khi xác minh, Công an huyện Gia Lộc xác định đó là tin giả.
Trong ngày 8/7, hai thông tin trên mạng xã hội Facebook với tiêu đề “2 thiếu nữ hiếp dâm một nam thanh niên đến tử vong” hay “Lại thêm một vụ án mạng chém cụt đầu tại Việt Trì – Phú Thọ do nợ tiền mua điện thoại” được Công an TP Việt Trì làm rõ đã xác định đó là những nội dung sai sự thật, người đăng chỉ nhằm mục đích trêu đùa. Thậm chí, ngày 16/7 vừa qua ở Đà Nẵng có người còn dàn dựng hẳn clip dài 5 phút ghi lại cảnh một số người dân đã tranh cãi và giữ một đứa bé từ tay một phụ nữ nói giọng không phải người địa phương. Trong clip, người phụ nữ mặc áo xanh đã bế theo một cháu bé đang ngủ say mê man. Do nghi ngờ người phụ nữ cho cháu bé uống thuốc mê, rồi bắt cóc nên nhiều người dân đã giữ cháu bé lại mặc dù người phụ nữ liên tục khẳng định đó là con mình và cố gắng giành lại đứa bé trên tay người dân. Để trấn an dư luận công an vào cuộc điều tra phát hiện thông tin này chỉ là bịa đặt, người phụ nữ bế đứa bé trong clip chính là mẹ ruột của đứa trẻ!
Để câu like cái gì cũng có thể dàn dựng gây hoang mang kiểu như ngày 12/7 vừa qua trên mạng xã hội lan truyền clip ghi lại hình ảnh một cô gái trẻ cho chân vào xô nước rửa, sau đó múc ra pha trà đá ở một quán trà đá ven đường thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội. Qua xác định, người quay và đưa clip lên mạng là A.Đ.A, làm việc tại salon tóc gần ngay quán trà đá. Nhưng thông tin này chỉ là dàn dựng và dù thế quán trà đá sau đó cũng bị dẹp bỏ.
Những người cung cấp thông tin bịa đặt khi được triệu tập đến cơ quan điều tra gần như đều có câu trả lời giống nhau: cho vui hoặc nghĩ một cách rất vô tư rằng trang cá nhân của mình thích đăng gì chẳng được mà không mấy quan tâm đến sự lan tỏa chóng mặt của những thông tin này gây nên những bất an trong xã hội. Đáng nói là hầu hết những người đọc thông tin trên mạng ảo đều chỉ chăm chăm tin vào những thông tin xấu mà không mấy để ý đến những dòng thông tin đính chính về tính xác thực của sự việc sau khi được làm rõ. Thế mới có những sự việc đau lòng như đánh đập dã man 2 người phụ nữ bán tăm ở Sóc Sơn, hay đốt xe Fortuner cháy rụi vì bị ám ảnh với những thông tin bắt cóc trẻ con nhan nhản trên mạng xã hội!
Và có một thực tế chứ không hề ảo với những người muốn đưa thông tin ảo lên mạng xã hội là khi xác minh được thông tin đưa ra là bịa đặt chắc chắn người tung tin sẽ bị xử phạt, nhẹ là phạt tiền, nặng có thể chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật là xử tù nếu những thông tin bịa đặt phương hại đến an ninh quốc gia.
Nếu bạn biết rằng mỗi ngày người Việt thao tác trên điện thoại thông minh 150 lần tương ứng 177 phút, mỗi lần thao tác trung bình 1 phút 10 giây bạn sẽ thấy sự "nghiện" ra sao với thế giới ảo. Và khi số lượng người dùng mạng càng cao thì để tìm chỗ đứng cho mình không bị lu mờ trước hằng hà sa số người dùng mạng xã hội khác người ta phải tự huyễn hoặc mình có thể cung cấp những thông tin đầy giật gân hoặc tự coi mình là chuyên gia để nhận định về vấn đề nào đó. Đành rằng mạng xã hội khiến những người ở xa nhau gần nhau hơn, khiến thế giới trong tầm tay bạn nhưng quá đà, vượt ra khỏi ranh giới thông thường, giá phải trả là rất đắt!
Lam Nguyên
Ý kiến bạn đọc