Hội nhập thế giới không thể thiếu công nghệ thông tin

09:47, 01/05/2017
|

Theo số liệu thống kê ban đầu, thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm nay xét tuyển vào khối ngành kỹ thuật, công nghệ nhiều nhất, trong đó tập trung vào ngành công nghệ thông tin.

Ông Vũ Minh Trí (ảnh), Tổng giám đốc Công ty Microsoft VN, đưa ra những lý giải về hiện tượng này cũng như xu hướng phát triển công nghệ thông tin (CNTT) ở VN trong thời gian tới.

Bắt kịp xu hướng thời đại
 
Ông có nhận xét gì khi ngày càng nhiều thí sinh đăng ký học CNTT?
 
Thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ hơn với đà tăng tốc kinh tế cấp số nhân khi bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nơi dữ liệu lớn, đám mây và internet vạn vật (IoT) sẽ là các thành tố chủ chốt. Bắt kịp xu hướng thời đại, hiện nay các bạn trẻ VN từ rất sớm đã có kỹ năng về CNTT rất tốt. Học sinh và sinh viên VN vốn hiếu học và giỏi toán, vậy nên tư duy lĩnh vực này cũng rất nhạy bén. Việc đi cùng thời đại là hòa vào xu hướng cũng như phát huy được sở trường cá nhân sẽ là việc được cả các bậc cha mẹ cũng như thí sinh đặt ưu tiên lựa chọn. Như vậy, việc các thí sinh lựa chọn ngành CNTT là tất yếu.
 
"Chính phủ VN đã rất nỗ lực và có nhiều bước đi ổn định, chắc chắn với định hướng vững vàng về CNTT. Chắc chắn với việc đầu tư đúng đắn về cơ sở hạ tầng cũng như có nhận thức tốt về các quyền sở hữu trí tuệ, VN sẽ có tiềm năng trở thành quốc gia mạnh về CNTT và đạt tầm nhìn của quốc gia về phát triển CNTT"

Học lĩnh vực này là một lựa chọn tốt, bởi khi học ngành này, các bạn trẻ sẽ có cơ hội phát triển tốt hơn các tư duy logic, khoa học mà vẫn phát triển được tư duy ngôn ngữ, ngoại ngữ và học được các kiến thức chuyên ngành khi phải triển khai, cũng như ứng dụng các giải pháp và ứng dụng CNTT trên thực địa. Tiêu biểu, nếu xây dựng ứng dụng IoT cho nông nghiệp, sinh viên ngành này sẽ phải hiểu về nông nghiệp nuôi trồng, hiểu được các bảng biểu của bộ cảm ứng từ tưới tiêu cho đến ánh sáng, nhiệt độ… Từ đó mới có kiến thức để lập trình và triển khai cho phù hợp.

CNTT có đa dạng ngành học và tùy vào thực tế của từng tỉnh, thành, địa phương mà việc lựa chọn ngành nghề có thể khác biệt. Ví dụ, tại Nha Trang, thành phố nổi bật về du lịch, việc lựa chọn ngành để phát huy và tối ưu hóa tiềm năng du lịch sẽ là lựa chọn thông minh nếu thí sinh dự kiến làm việc tại Nha Trang. Còn dự kiến phục vụ địa bàn nông nghiệp thì học về lập trình và quản trị các giải pháp nông nghiệp thông minh sẽ là lựa chọn sáng giá nhất.
 
Thưa ông, người trẻ cần lưu ý những gì khi chọn ngành học để tránh tình trạng chạy theo xu hướng nhất thời?
   

Như đã chia sẻ, CNTT sẽ có đa dạng các phân ngành và việc các em lựa chọn phân ngành để theo đuổi cần một sự hỗ trợ chia sẻ và hướng nghiệp phù hợp từ các bậc phụ huynh, thầy cô hoặc những người hiểu biết. Trong tương lai gần, nhu cầu về việc làm của ngành CNTT sẽ gia tăng theo các định hướng phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, an toàn an ninh mạng... Nhưng như mọi ngành học khác, nếu các em lựa chọn chỉ vì đó là ngành học “thời thượng” mà bỏ qua các yếu tố liên quan đến nhu cầu đích thực của thị trường và cả sở trường của bản thân, thì sẽ là lựa chọn chưa tối ưu.

Xu hướng phát triển CNTT trên thế giới
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động tới mọi ngõ ngách của nền kinh tế và hệ quả là cả thế giới chuyển mình cùng hệ sinh thái CNTT hết sức đa dạng, phát triển vượt bậc từng ngày. Bởi vậy, CNTT thế giới sẽ tập trung đi theo những yếu tố chủ chốt. Đầu tiên trí tuệ nhân tạo sẽ là một trong những mảng phát triển rất nhanh và luôn nóng. Thứ hai là dữ liệu lớn. Dữ liệu là một trong những tiền đề quyết định sự thành công của các tổ chức và doanh nghiệp. Khai thác dữ liệu đã và đang tiếp tục là ưu tiên số 1 của tất cả các tổ chức và rộng lớn hơn là các quốc gia. Kế tiếp là bảo vệ quyền riêng tư. Bảo vệ quyền riêng tư cho công dân cũng là một trong những điểm cần quan tâm của nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Cuối cùng là an toàn an ninh mạng. Trên tất cả, có một hệ thống mạng an toàn, một hạ tầng vững chắc là bài toán truyền thống trong mọi hệ thống CNTT.
 
Tiềm năng trở thành quốc gia mạnh về CNTT
 
Được quan sát và tiếp xúc rất nhiều về lĩnh vực CNTT. Theo ông, CNTT của VN đang ở đâu so với “dòng chảy” của thế giới?
 
Không chỉ riêng VN, mà trên toàn cầu, tiêu biểu như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… CNTT luôn được cập nhật và thay đổi để hòa nhập với xu hướng mới của thời đại. Dù vẫn còn những khu vực, những trọng điểm sẽ cần điều chỉnh, nhưng CNTT tại VN đã hoàn thành rất tốt sứ mệnh trong hơn một thập niên qua. Nó là một trong những công cụ giúp kinh tế nước nhà phát triển và trở thành một đòn bẩy vững mạnh của VN trong quá trình thúc đẩy đất nước hội nhập toàn cầu.
 
Chính phủ VN đã rất nỗ lực và có nhiều bước đi ổn định, chắc chắn với định hướng vững vàng về CNTT. Chắc chắn với việc đầu tư đúng đắn về cơ sở hạ tầng cũng như có nhận thức tốt về các quyền sở hữu trí tuệ, VN sẽ có tiềm năng trở thành quốc gia mạnh về CNTT và đạt tầm nhìn của quốc gia về phát triển CNTT.
 
Ý kiến
 
Cung chưa đáp ứng cầu cả về lượng lẫn chất
 
Nhu cầu nhân lực CNTT trên thế giới và trong nước rất lớn. Cục Thống kê lao động Mỹ dự đoán tới năm 2020, nước này sẽ có 1,4 triệu việc làm cho lĩnh vực công nghệ phần mềm. Tuy nhiên, theo phân tích của Tổ chức Code.org, sẽ chỉ có khoảng 400.000 sinh viên ngành này tốt nghiệp vào năm 2020. Mức lương trung bình của kỹ sư ngành này ở Mỹ khoảng 85.000 USD/năm, tăng khoảng 6% so với 10 năm trước.
 
Tương tự, đến năm 2020 Nhật Bản cũng cần nhập khẩu thêm khoảng 30.000 kỹ sư CNTT, đặc biệt là các kỹ sư đến từ Ấn Độ và VN.
 
Riêng tại VN, theo kế hoạch tổng thể về phát triển nguồn lực ngành CNTT, vào năm 2020 cần đến 1 triệu người. Trong khi đó, VN có nhiều thách thức và cơ hội trong việc phát triển nguồn nhân lực CNTT. Tình trạng thiếu hụt nhân lực ngành này đã và đang diễn ra ở nước ta từ hơn 10 năm nay. Theo số liệu thống kê năm 2014 từ Bộ Thông tin - Truyền thông, cả hệ thống đào tạo VN cũng chỉ có thể cung cấp khoảng 600.000 lao động trong ngành này vào năm 2020.
 
Không chỉ số lượng, chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này cũng đáng bàn. Thống kê của Viện Chiến lược công nghệ thông tin (Bộ Thông tin - Truyền thông) mới đây cho thấy có tới 72% sinh viên ngành CNTT không có kinh nghiệm thực hành, 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm và thiếu kỹ năng mềm, chỉ khoảng 15% sinh viên mới tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp.
 
Trong bối cảnh toàn cầu hóa theo xu hướng CNTT - truyền thông và kết nối vạn vật, nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao đang là đối tượng quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hiện trạng đào tạo và nguồn cung nhân lực này trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, cả về số lượng lẫn chất lượng. Chất lượng nguồn nhân lực này phụ thuộc lớn vào kỹ năng ngoại ngữ, làm việc nhóm... Hiện nay, hầu hết nhà tuyển dụng tại VN đều nhận định sinh viên tốt nghiệp còn thiếu hụt nhiều kỹ năng, chưa thể trực tiếp hòa nhập vào công việc ngay.
 
PGS-TS Vũ Hải Quân (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM)
 
Rào cản lớn nhất là ngoại ngữ
 
Nhân lực CNTT ở VN hiện nay đang thiếu hụt một cách nghiêm trọng. Từ năm 2015, tại Diễn đàn cao cấp CNTT - truyền thông VN do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT VN tổ chức, đã có dự báo trong 6 - 7 năm tới sẽ thiếu khoảng 500.000 nhân lực. Hiện nay dự báo này đang trở thành hiện thực. Trong khi nước ta ngày càng nhận được nhiều đơn hàng lớn về CNTT thì các doanh nghiệp về gia công phần mềm trong nước và nước ngoài đặt tại VN không đủ nhân lực thực hiện nên phải đi thuê từ các nước khác như Myanmar, Philippines...
 
Ở các trường ĐH, các công ty phần mềm trong nước đăng thông báo tuyển dụng kỹ sư CNTT liên tục trong suốt năm nhưng vẫn không đủ nguồn cung. Có những nơi, số lượng kỹ sư CNTT ra trường có thể đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng rất ít, chỉ đạt khoảng 30%.
 
Rào cản quan trọng nhất hiện nay là ngôn ngữ (tiếng Anh). Như vậy, ngoài việc các trường cần tăng thời lượng đào tạo tiếng Anh trong chương trình đào tạo, bản thân sinh viên cần phải tự trau dồi thêm tiếng Anh thật tốt. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển rất nhanh thì cơ hội có việc làm khi ra trường của các sinh viên ngành CNTT sẽ là 100% nếu đạt đủ chuẩn quốc tế.
 
Tiến sĩ Cao Tùng Anh (Trường ĐH Công nghệ TP.HCM)
 
Hà Ánh (ghi)

 

 


Ý kiến bạn đọc