Chính phủ sẽ trao cơ hội để Thanh Hóa đạt được tầm nhìn sớm nhất cả nước

08:14, 19/05/2017
|

(VnMedia)- Từ 8h tối 18/5, tại Trung tâm hội nghị FLC, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư với quy mô lớn nhất từ trước đến nay của tỉnh. Hội nghị kết thúc lúc 23h, với 32 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, tổng mức đầu tư dự kiến là 135.300 tỷ đồng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và khoảng 1.200 đại biểu gồm các tổ chức tài chính quốc tế; các cơ quan xúc tiến đầu tư, thương mại của một số nước, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước dự Hội nghị.

Tại hội nghị này, Thanh Hóa kêu gọi đầu tư vào 5 lĩnh vực ưu tiên gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp; du lịch; y tế; phát triển hạ tầng, đô thị. Lợi thế của Thanh Hóa là có hệ thống giao thông đủ cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không thuận lợi, có cảng hàng không Thọ Xuân, cảng nước sâu Nghi Sơn. Tỉnh cũng đang tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, hoàn thiện hạ tầng Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp.

Cũng tại hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Đình Xứng cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất để phục vụ doanh nghiệp như: Hỗ trợ đào tạo nhân lực, giải phóng mặt bằng, minh bạch các thủ tục hành chính công… Vào ngày 21 hằng tháng Chủ tịch UBND tỉnh sẽ tiếp doanh nghiệp. Đồng thời cũng chỉ đạo Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải bố trí ít nhất 1 ngày trong tháng để tiếp và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Tại Hội nghị, ý kiến của các tổ chức, doanh nghiệp đều đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm của tỉnh Thanh Hóa trong việc cải thiện môi trường đầu tư. Là nhà đầu tư lớn nhất tại tỉnh Thanh Hóa với 10 dự án có tổng vốn khoảng 20.000 tỷ đồng, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC bày tỏ, một trong những yếu tố quan trọng đưa doanh nghiệp đến với tỉnh là chính sách đầu tư hấp dẫn, thông thoáng, tạo điều kiện của chính quyền đối với nhà đầu tư. Ông Quyết cho rằng, nếu tiềm năng thị trường là điều kiện cần thì môi trường đầu tư là điều kiện đủ. Ông chia sẻ, tại cuộc đối thoại với doanh nghiệp hôm qua, Thủ tướng đã có những chỉ đạo quan trọng, khiến giới doanh nghiệp cảm kích, tăng thêm niềm tin, quyết tâm đầu tư cùng Chính phủ xây dựng, phát triển đất nước...

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tỉnh Thanh Hóa với công tác tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô rất lớn, không những về số lượng nhà đầu tư trên 1.200 người mà còn về chất lượng các nhà đầu tư đều được chọn lọc với quyết tâm đầu tư vào Thanh Hóa. Thủ tướng hoan nghênh tỉnh có 32 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, ký biên bản ghi nhớ đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến là 135.300 tỷ đồng.

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị.
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị.

Đặc biệt, sự kiện này diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Bác Hồ 19/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại lời dặn của Bác với Thanh Hóa, là đưa tỉnh phải trở thành một trong những tỉnh khá nhất của miền Bắc. Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này góp một viên gạch vào việc thực hiện mong ước của Bác.

Cho rằng Thanh Hóa là một tỉnh kinh tế năng động của nước ta, một điểm đến đầy tiềm năng của các nhà đầu tư, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là xứ học, con người thông minh, cần cù, sáng tạo, hiếu học. Điều đó cũng đồng nghĩa rằng, cùng với nâng cao chất lượng lao động, sẽ hứa hẹn một lực lượng lao động tinh nhuệ cho đất nước Việt Nam nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng.

Tại Hội nghị này có 32 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, ký biên bản ghi nhớ đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến là 135.300 tỷ đồng, tương đương 6,1 tỷ USD, trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo là 76.500 tỷ đồng; nông nghiệp là 12.000 tỷ đồng; du lịch là 22.800 tỷ đồng; y tế là 2.500 tỷ đồng và phát triển hạ tầng, đô thị là 21.500 tỷ đồng.

Thủ tướng nhấn mạnh, với những tiềm năng và điều kiện thuận lợi đó, Thanh Hóa cần trở thành một tỉnh kiểu mẫu trong thu hút đầu tư, đồng thời đề nghị tỉnh cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cụ thể hóa bằng lợi thế rộng lớn của đất đai, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư với chi phí sử dụng đất thấp, thủ tục hành chính nhanh gọn.

Thanh Hóa phải có kế hoạch bố trí sử dụng đất khoa học, hiệu quả, giảm chi phí đất đai cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp bảo đảm về lâu dài, không bị mâu thuẫn ảnh hưởng nhau. Chính phủ sẽ trao cơ hội để Thanh Hóa là địa phương mẫu mực và tiên phong trong việc cụ thể hóa mục tiêu và đạt được tầm nhìn sớm nhất cả nước.

Cùng với đó là bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp. Đây là điểm then chốt để mở cửa, cải thiện. Chính quyền các cấp cần năng động hơn trong việc cạnh tranh nhằm thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư tốt nhất đến với địa phương; không để thụ động để mất đi các lợi thế cạnh tranh của tỉnh.

Về các lĩnh vực cho sự phát triển của Thanh Hóa, Thủ tướng nhất trí với lãnh đạo tỉnh, đó là lĩnh vực công nghiệp. Cần tối ưu hóa điều kiện, nền tảng sẵn có để phát triển một số cụm ngành kinh tế mà Thanh Hóa có lợi thế như lọc hóa dầu, chế biến thủy hải sản, du lịch…Cần nghiên cứu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn, tập trung vào những sản phẩm mang giá trị kinh tế cao. Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ khi mà Thanh Hóa có nhiều di sản văn hóa, như Thành nhà Hồ, Khu di tích lịch sử Lam Kinh, Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng… Trong đó, du lịch nghỉ dưỡng là một lợi thế mà Tập đoàn FLC đang thực hiện thành công ở đây, Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng cũng cho rằng, Thanh Hóa cần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp địa phương để có một cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh. Chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực có trình độ quản lý, tay nghề giỏi, nhất là các nhà đầu tư, nhà doanh nghiệp của địa phương vươn lên; Phát huy vai trò dẫn dắt của những doanh nghiệp lớn, trưởng thành, có khả năng cạnh tranh trong nước và thậm chí là khu vực trong một số lĩnh vực đối với kinh tế địa phương, để FDI cùng với doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp Việt Nam cùng phát triển trong một nền kinh tế quốc dân thống nhất.

Với nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị làm ăn bài bản, lâu dài với tầm nhìn vươn ra thị trường thế giới và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Cùng với đó là nói đi đôi với làm, thực hiện các cam kết đầu tư. Trong quá trình đầu tư phải bảo vệ môi trường, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân; tham gia đào tạo nguồn nhân lực ở địa phương.

Với Chính phủ, Thủ tướng khẳng định, sẽ triển khai một số công việc để tỉnh rộng lớn, đông dân như Thanh Hóa đóng góp vào sự phát triển chung của Việt Nam. Trước hết là nhanh chóng triển khai đường cao tốc Hà Nội-Thanh Hóa-Nghệ An trong nhiệm kỳ này. Đưa sân bay Sao Vàng trở thành sân bay quốc tế trên tinh thần mở cửa bầu trời. Cảng nước sâu Nghi Sơn phấn đấu đón tàu từ 7 lên 10 vạn tấn. Về đường ven biển, Thủ tướng đã có ý kiến, riêng Thanh Hóa sẽ làm 100 km, kết hợp với dân sinh và phòng chống thiên tai.

Lam Nguyên


Ý kiến bạn đọc