Doanh nghiệp Việt: Tác nhân và nạn nhân của tham nhũng

06:46, 13/04/2017
|
(VnMedia)- Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính tại Việt Nam thông qua hoạt động tập thể” do Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Trung tâm nghiên cứu quản trị xã hội (CENSOGOR) tổ chức.
 
Doanh nghiệp chủ động "bôi trơn" để nhanh được việc
 
Ảnh minh họa từ internet.

Ảnh minh họa từ internet.

Theo bà Nguyễn Thị Kiều Viễn (CENSOGOR), doanh nghiệp đóng vai trò “mắt xích kép” khi doanh nghiệp là nạn nhân và tác nhân gây ra tham nhũng.
 
Bà đưa ra số liệu khảo sát về tính nhất quán và minh bạch trong quan hệ kinh doanh tại Việt Nam có 61,5% doanh nghiệp có hành vi biếu tiền và hầu như tất cả các doanh nghiệp đều có “lại quả” cho đối tác. Có đến 66% doanh nghiệp dân doanh trong nước đã phải chi trả các chi phí không chính thức và 59% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) phải trả chi phí chính thức khi làm thủ tục hải quan tại Việt Nam. 

 

 

Đáng chú ý, kết quả khảo sát chỉ ra, 38% người được hỏi cho rằng lãnh đạo doanh nghiệp là một trong ba nhóm có mức độ tham nhũng cao nhất bên cạnh nhóm cán bộ thuế và cảnh sát (485 và 57%). “Hình ảnh lãnh đạo doanh nghiệp đang bị “đi xuống” trong con mắt của người dân Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Kiều Viễn cho hay.
Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu (GCB), tổ chức Hướng tới Minh bạch 2016 đánh giá quan điểm và trải nghiệm của người dân Việt Nam về tham nhũng, 38% người được hỏi cho rằng lãnh đạo doanh nghiệp là một trong ba nhóm có mức độ tham nhũng cao nhất bên cạnh nhóm cán bộ thuế và cảnh sát (lần lượt là 48% và 57%)

Báo cáo cho rằng tham nhũng làm xói mòn tinh thần kinh doanh liêm chính, khởi nghiệp sáng tạo, cản trở cạnh tranh lành mạnh và giảm chất lượng của nền kinh tế thị trường. Đặc biệt, tham nhũng tạo ra các luồng tiền bất hợp pháp dưới hình thức các khoản trốn thuế, hối lộ và rửa tiền.

Theo nghiên cứu về “Phòng ngừa tham nhũng trong kinh doanh, đánh giá dưới góc nhìn thực tiễn của doanh nghiệp” do CENSOGOR thực hiện, các doanh nghiệp vẫn cho rằng, việc xóa bỏ hoàn toàn chi phí bôi trơn cho các thủ tục hành chính là chưa thực sự hiệu quả khi các lỗ hổng trong quy định pháp luật vẫn tạo cơ hội để cán bộ, công chức gây phiền hà cho doanh nghiệp và đòi hối lộ. 
 
Còn theo bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, phải nhìn nhận một cách khách quan rằng nguyên nhân của tình trạng trên đến từ cả hai phía, khu vực công và khu vực tư. Một số công chức đã đưa ra những gợi ý về chi phí không chính thức để giải quyết nhanh gọn thủ tục. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp cũng chủ động lựa chọn chi trả chi phí “bôi trơn” để nhanh được việc. Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chi trả không chính thức để được đánh giá là “đủ tiêu chí” được vào khu công nghệ cao TP.HCM. Nhưng nếu để lọt những doanh nghiệp này, chắc chắn uy tín của các khu công nghệ cao sẽ ngày càng giảm sút. Bởi vì môi trường kinh doanh minh bạch và ít rủi ro tham nhũng là một trong những lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư vào khu công nghệ cao, đặc biệt là các tập đoàn lớn đa quốc gia, bên cạnh những điều kiện thuận lợi về hạ tầng, nguồn nhân lực tốt...

Ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng thư ký VCCI cho rằng, việc chi trả chi phí “bôi trơn” của doanh nghiệp đang tiếp tay cho hành vi tham nhũng. Theo ông Vinh, chỉ khi làm theo bộ quy tắc ứng xử chung văn minh, liêm chính khi đó doanh nghiệp mới có thể cùng Chính phủ tạo dựng môi trường liêm chính minh bạch được.

Dưới góc nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, ông Peter Angelo Perfecto, Phó chủ tịch phục trách Hoạt động, Sáng kiến Liêm chính Philippines cho rằng, khoản chi phí mà doanh nghiệp chi trả một lần đó tưởng chừng như rất nhỏ, nhưng về lâu dài, họ sẽ phải gánh chịu những thiệt hại lớn hơn nhiều, uy tín và hình ảnh các doanh nghiệp sẽ ngày càng xấu đi. Và nhìn rộng hơn, tình trạng tham nhũng còn đe dọa tới sự phát triển bền vững của nền kinh tế, tác động xấu tới đời sống xã hội.

Hành động tập thể trong doanh nghiệp- phương cách chống tham nhũng và tăng trưởng lợi nhuận

Theo đánh giá của các đại biểu, Việt Nam hiện có nhiều cơ hội thuận lợi để thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh. Xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế tại Việt Nam ngày càng sâu rộng với nhiều cam kết FTAs được ký kết, tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN... Xu hướng lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư đang ngày càng gia tăng, từ mức 31% năm 2015 lên 40% năm 2016.

Hơn nữa, theo khảo sát của Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu TI/TT 2013, 48% người dân Việt Nam sẵn sàng mua hàng hóa, dịch vụ từ các công ty “sạch”. Do đó, Việt Nam cần phải có giải pháp triệt để nhằm đón đầu và tận dụng tối đa xu hướng, cơ hội này. Hành động tập thể là một giải pháp phòng chống tham nhũng (PCTN) hiệu quả đã được kiểm nghiệm tại nhiều quốc gia và Việt Nam. Tuy nhiên, bà Charlotte Laursen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cho rằng, những hành động đơn lẻ sẽ không dập tắt được tham nhũng. Do đó, cần có hành động tập thể, liên kết giữa các DN.

Theo đánh giá của CENSOGOR, những năm gần đây, Hành động Tập thể thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện liêm chính trong kinh doanh tại Việt Nam ngày càng nhận được nhiều sự chú ý và quan tâm. Những hành động này bắt nguồn từ nguyên tắc phòng, chống tham nhũng không thể được thực hiện chỉ bởi một cá nhân, mà cần có sự tham gia của nhiều bên (từ các doanh nghiệp, các cơ quan chính phủ đến các tổ chức xã hội). Hành động tập thể thường cần một chiến lược dài hạn, dựa trên nguyên tắc minh bạch và trách nhiệm giải trình. Giảm thiểu chi phí tham nhũng, bảo vệ thương hiệu, danh tiếng của công ty và cải thiện chất lượng chuỗi cung ứng là các nhân tố chính để doanh nghiệp phát triển và duy trì liêm chính trong kinh doanh.

Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp tham gia phòng chống tham nhũng ở phạm vi nội bộ doanh nghiệp, ví dụ thông qua các chương trình kiểm soát nội bộ và tuân thủ. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, CENSOGOR cho rằng “Doanh nghiệp cần làm nhiều hơn nữa để cùng thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính”. Bà nhìn thấy những hành động tập thể đã được thực hiện bởi Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP) hoặc bởi Nhóm làm việc về Liêm chính & Quản trị (GIWG) của Diễn đàn Liêm chính Doanh nghiệp (VBF) là một hướng đi đúng. Hành động tập thể tạo cơ hội cho các doanh nghiệp sử dụng sức mạnh tập thể để tạo ra sự khác biệt thực sự, đồng thời tham gia cùng với các đối thủ cạnh tranh và khu vực công để cùng triển khai những sáng kiến mới nhằm giảm thiểu vấn nạn tham nhũng ví dụ như nạn hối lộ.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó tổng thư ký của VCCI cũng chỉ ra rằng Đề án 12 của VCCI là cơ hội cho các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ Việt Nam học hỏi và ứng dụng các phương cách chống hối lộ, giúp họ có thể tham gia vào thị trường kinh tế toàn cầu. Hai nhân tố giải thích cho sự gia tăng tiến độ của các sáng kiến hành động tập thể do VCCI và SHTP triển khai là: 1/ Xu hướng nổi bật và hứa hẹn trên thế giới đã được trải nghiệm ở các nước khu vực ASEAN như Malaysia (Liên minh Liêm chính Doanh nghiệp), Philippines (Sáng kiến Liêm chính); 2/ Hội nhập kinh tế quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn (Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp định thương mại tự do).

Lam Nguyên

Ý kiến bạn đọc