(VnMedia) - "Nếu vì hạn chế về ngoại ngữ chuyên ngành mà chúng ta không hiểu hết một số quyền và nghĩa vụ được quy định trong điều ước quốc tế thì sẽ gây tổn thất lớn cho quốc gia..." - đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh nói.
Sáng nay (30/3), Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi).
Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đưa ra một ý kiến rất quan trọng, đó là điều ước quốc tế phần lớn là tiếng Anh, có một số tiếng nước khác theo thỏa thuận, trong khi có nhiều cơ quan được ủy quyền ký điều ước quốc tế và được ủy quyền đàm phán.
“Nếu vì hạn chế về ngoại ngữ chuyên ngành mà chúng ta không hiểu hết một số quyền và nghĩa vụ được quy định trong điều ước quốc tế thì sẽ gây tổn thất lớn cho quốc gia. Vì vậy, tôi đề nghị luật cần quy định trước khi tiến hành ký điều ước quốc tế thì tùy vào tính chất quan trọng, tính chất bảo mật của điều ước quốc tế mà người có thẩm quyền ký điều ước quốc tế phải được cung cấp 2 bản dịch bằng tiếng Việt từ 2 cơ quan độc lập với nhau để đảm bảo người có thẩm quyền ký điều ước quốc tế đã hiểu chính xác nhất có thể về những quyền và nghĩa vụ đã được quy định trong điều ước quốc tế” – đại biểu Cảnh nói.
Theo đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, việc này cũng tạo điều kiện thuận lợi để cho Bộ Ngoại giao kiểm tra tính thống nhất của văn bản điều ước quốc tế bằng tiếng Việt với văn bản điều ước quốc tế bằng tiếng nước ngoài, không để xảy ra trường hợp vì có cách hiểu khác nhau trong dịch thuật mà ký kết những điều ước quốc tế không đem lại lợi ích cao nhất cho quốc gia.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cũng đề nghị Luật cần bổ sung nhiều hành vi bị cấm để từ đó làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khi không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình trong các bước ký kết điều ước quốc tế để đảm bảo các điều ước quốc tế khi được ký kết phải đem lại lợi ích cao nhất cho quốc gia.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh |
Áp dụng kinh nghiệm quốc tế quá nhiều nhưng chưa phù hợp
Phát biểu ý kiến tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho biết, trong quá trình xây dựng luật, có nhiều dự án luật bị vướng vì liên quan đến điều ước quốc tế.
Đó là các luật: Luật phòng, chống tác hại thuốc lá; Pháp lệnh dân số liên quan đến nhiều điều ước quốc tế; Luật khám chữa bệnh liên quan đến điều ước quốc tế ASEAN về vấn đề nhân lực, y tế; Luật dược sắp tới Quốc hội thông qua; Nghị định độc lập trang thiết bị y tế.
“Ví dụ Luật khám, chữa bệnh, các nước ASEAN từ năm 2006 có một ký kết, đồng chí Trương Đình Tuyển đại diện ký kết về nhân lực và cấp bằng, chứng chỉ. Quy định của người ta thi đầu vào 5 năm, nhưng ở Việt Nam áp dụng không được, bây giờ treo ở đấy. Sắp tới, Luật dược cũng vậy” – đại biểu Tiên nêu ví dụ.
Dẫn chứng lời một đại biểu từng phát biểu rằng “chúng ta áp dụng kinh nghiệm quốc tế quá nhiều nhưng chưa phù hợp với điều kiện Việt Nam về hành chính cho nên áp dụng quốc tế thì rất hay nhưng vào Việt Nam, điều kiện hành chính là triệt tiêu những cái hay của quốc tế đi”, đại biểu Nguyễn Văn Tiên cho rằng, những vấn đề độc lập thì trình xin ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội ký kết. Loại thứ hai trái với luật như trong Luật khám, chữa bệnh và Luật Dược thì phải xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu và có giải trình.
Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) thì đặc biệt quan tâm đến thẩm quyền của Chủ tịch nước trong vấn đề phê chuẩn các điều ước quốc tế và trình Quốc hội phê chuẩn theo quy định của Hiến pháp.
“Trên thực tế, Chủ tịch nước đã đề nghị các Ủy ban của Quốc hội, trong đó có Ủy ban Kinh tế nghiên cứu và có ý kiến để gửi cho Chủ tịch nước trước khi Chủ tịch nước phê chuẩn hoặc cho phép ký kết các điều ước quốc tế có liên quan thuộc thẩm quyền. Đó là thực tiễn rất quý, hay, chúng ta cần thể chế hóa trong xử lý. Tôi đề nghị trong này bổ sung thêm hoặc một chương, một mục quy định rõ vai trò to lớn của Chủ tịch nước đối với các điều ước quốc tế.” – đại biểu Nguyễn Văn Phúc nói.
Đại biểu Phúc cũng đề nghị, trong ký kết, phê chuẩn, phê duyệt điều ước quốc tế thì công đoàn cần tham vấn ý kiến của các đối tượng bị tác động, đặc biệt là tham vấn ý kiến của các đại biểu Quốc hội, của các Ủy ban của Quốc hội.
“Ở đây, chúng ta không tiết lộ những phương án đàm phán vì nó bí mật, nhưng những mục tiêu, những tác động đối với phát triển kinh tế - xã hội là phải tham vấn. Ở các nước khác tham vấn điều này rất kỹ, để khi ký kết và phê chuẩn là đi vào cuộc sống và được sự ủng hộ, đồng thuận rất cao. Chỗ này tôi đề nghị phải có một mục, hoặc một chương, có những điều khoản quy định về vấn đề tham vấn, trong này tôi thấy còn rất yếu.” – đại biểu Phúc nói.
Dẫn chứng về tầm quan trọng của việc tham vấn, ông Phúc cho biết, vừa rồi, Ủy ban Đối ngoại tổ chức tọa đàm hội nghị, đoàn đàm phán của Chính phủ và Chính phủ đã quan tâm, tham vấn, thậm chí mời đại diện của các doanh nghiệp tham gia cùng các đoàn đàm phán.
“ Vì thế, chúng ta bảo vệ được lợi ích của quốc gia, đồng thời phù hợp với lợi ích của ngành kinh tế. Tôi đề nghị phải cân nhắc, quyết định vấn đề này” - đại biểu Nguyễn Văn Phúc nói.
Ý kiến bạn đọc