Dù còn phải vượt qua nhiều khó khăn thách thức, Việt Nam đang vươn lên trở thành một trong các quốc gia có tốc độ phát triển viễn thông, CNTT ấn tượng. Để có được những thành tựu này, cần phải nhắc đến những đóng góp của các doanh nghiệp ngành Bưu điện đặc biệt là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT.
Những dấu son lịch sử không thể nào quên
Giữa những ngày sục sôi khí thế của cách mạng tháng Tám năm 1945, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước, trong 2 ngày 14 và 15/8, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng tại Tân Trào - Tuyên Quang, cùng với nhiều quyết định lịch sử quan trọng để đảm bảo thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa, Đảng ta đã quyết định “thành lập Ban giao thông chuyên môn và giúp đỡ cho họ làm tròn nhiệm vụ”. Từ đó, ngày 15/8 được chọn là ngày Truyền thống của Ngành Bưu điện.
Từ những ngày đầu thành lập ấy, ngành Bưu điện Việt Nam đã thực hiện vai trò và sứ mệnh thiêng liêng của mình, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “việc liên lạc là việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mệnh vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó bảo đảm thắng lợi”.
Qua 74 năm xây dựng và phát triển, ngành Bưu điện đã nhiều lần thay đổi về cơ cấu quản lý và tổ chức hoạt động phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng mà Đảng và Nhà nước giao. Từ Nha Bưu điện - Vô tuyến điện, Tổng cục Bưu điện - Truyền thanh, Tổng cục Bưu điện thuộc Bộ Giao thông Bưu điện, Tổng cục Bưu điện thuộc Chính phủ, Bộ Bưu chính - Viễn thông và hiện nay là Bộ Thông tin và Truyền thông.
Các thế hệ cán bộ công nhân viên của Ngành bằng sự dũng cảm, sáng tạo, năng động của mình đã tạo nên những bước phát triển mang tính đột phá, đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển về viễn thông, công nghệ thông tin - truyền thông ngang tầm thế giới, làm cho người dân Việt Nam được thụ hưởng tất cả những tiện ích mà viễn thông và công nghệ thông tin mang lại trong mọi mặt của đời sống xã hội.
Với tinh thần tự lực tự cường, năng động sáng tạo, trong suốt nhiều thập kỷ qua, ngành Bưu điện đã trở thành Ngành đi tiên phong trong thực hiện đường lối đổi mới với nhiều giai đoạn tăng tốc, phát triển ấn tượng. Nếu như phương châm của giai đoạn 1993-2000 là “Tự vay - tự trả - tự chịu trách nhiệm” và “Đi thẳng vào công nghệ hiện đại, số hóa, đa dịch vụ”, thì với giai đoạn 2001 - 2010, Ngành chuyển sang chiến lược “Hội nhập và phát triển” nhằm tiếp tục tăng tốc, đổi mới quản lý, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, hạ giá thành và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
Những dấu ấn mang tên VNPT
Trong sự chuyển mình, phát triển mạnh mẽ đó của ngành Bưu điện, phải kể tới những đóng góp không nhỏ của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam, nay là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT. Ở giai đoạn nào, VNPT luôn đi đầu trong việc ứng dụng, cập nhật các công nghệ hiện đại vào mạng lưới. Quá trình đổi mới hiện đại hóa và phát triển bưu chính, viễn thông Việt Nam ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực, đã xây dựng VNPT trở thành Tập đoàn kinh tế mạnh, giữ vai trò chủ lực trong lĩnh vực Bưu chính Viễn thông - Công nghệ thông tin, đóng góp hiệu quả cho công cuộc Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước.
Tháng 12/2003, mạng điện thoại của VNPT đạt bảy triệu thuê bao, đưa mật độ điện thoại của Việt Nam lên tám máy/100 dân, hoàn thành trước hai năm chỉ tiêu mà Ðại hội Ðảng IX đề ra cho năm 2005. Ðón đầu xu hướng phát triển công nghệ của thế giới, tháng 10-2004, VNPT đã chính thức khai trương và đưa ra khai thác các dịch vụ trên nền mạng NGN. Một bước chuyển biến mang tính cách mạng về công nghệ đối với toàn bộ mạng viễn thông Việt Nam. Ðến năm 2005, VNPT đã có 17 nghìn điểm phục vụ BCVT, trong đó có hơn 7.500 điểm bưu điện - văn hóa xã (BÐ-VHX). VNPT cũng là nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn nhất với hơn 1,3 triệu thuê bao Internet.
Tháng 4/2008, VNPT tiếp tục ghi dấu ấn của mình khi thực hiện phóng thành công vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam VINASAT-1, góp phần quan trọng hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc của quốc gia, nâng cao năng lực mạng lưới, chất lượng dịch vụ VT - CNTT, phát thanh, truyền hình. Cho đến nay, dung lượng của vệ tinh VINASAT - 1 đã được khai thác gần hết và dự kiến đến cuối năm 2010 sẽ được khai thác hết. VNPT dự kiến sẽ phóng vệ tinh VINASAT 2 vào quý 1/2012.
Với sứ mệnh là đầu tàu dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, là một Tập đoàn kinh tế của Việt Nam, công cuộc chuyển đổi số đã được VNPT sớm thực hiện kế hoạch chuyển đổi từ một nhà mạng viễn thông truyền thống sang một nhà cung cấp dịch vụ số từ năm 2014. VNPT đã và đang tiến hành chuyển đổi từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ số với mục tiêu trở thành nhà cung cấp hàng đầu Việt Nam và là Trung tâm giao dịch số của khu vực châu Á.
Chuyển đổi số trước hết là sự nâng cao trải nghiệm của khách hàng; tăng năng suất lao động và minh bạch hóa trong các tác vụ; thay đổi để đưa ra những mô hình mới, những sản phẩm dịch vụ mới. Nếu không có chuyển đổi số thì khó có thể phát sinh thêm các dịch vụ, sản phẩm, mô hình kinh doanh mới. Với quan điểm này, đến nay, ngoài việc cung cấp hạ tầng, VNPT đã đi theo hướng cung cấp các hệ sinh thái đáp ứng nhu cầu thiết yếu của xã hội như Giáo dục, Y tế, Du lịch, Nông nghiệp, Tài nguyên môi trường… Bài toán của VNPT đưa ra khi phát triển công nghệ 5G đó là hội tụ các nền tảng hạ tầng ICT và hạ tầng viễn thông làm một. Khi đã có hệ sinh thái thì việc đổi mới sáng tạo, đặc biệt là triển khai các công nghệ mới sẽ góp phần có thêm nhiều sản phẩm mới phát triển trên đó. Đặc biệt ở VNPT sẽ có nhiều hệ sinh thái, những hệ sinh thái phục vụ mô hình chính phủ điện tử, thành phố thông minh…
Là doanh nghiệp đi đầu về chuyển đổi số, trong thời gian qua VNPT là đơn vị triển khai Hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia cho Văn phòng Chính phủ. Hệ thống này được kết nối, liên thông với hệ thống quản lý văn bản và điều hành của các bộ, ngành, và 63 Tỉnh/TP qua Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Đây là công cụ vô cùng quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho quá trình đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam, giúp kết nối với người dân, nâng cao năng suất đội ngũ cán bộ, tối ưu hoạt động điều hành của các cơ quan Nhà nước, chuyển đổi mô hình quản trị từ bị động sang dự báo chủ động…hướng tới phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Phục vụ các phiên họp và điều hành công việc của Chính phủ, từ năm 2016, VNPT đã cung cấp hội nghị truyền hình trực tuyến kết nối từ Văn phòng Chính phủ tới các điểm cầu. Điển hình là tháng 3 và tháng 6/2019 cung cấp phiên họp có số điểm cầu 774 và 1.021 điểm cầu kết nối từ Văn phòng chính phủ đến 63 Tỉnh/TP, huyện, xã với gần 26.000 đại biểu dự họp trong toàn quốc. Đây là hội nghị truyền hình trực tuyến với số lượng điểm cầu lớn nhất từ trước đến nay góp phần hiện thực hóa lộ trình xây dựng chính phủ điện tử của Việt Nam, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số trong tương lai không xa. Và mới đây, UBND TP. Hồ Chí Minh đã công bố chính thức triển khai ứng dụng hai sản phẩm do VNPT nghiên cứu và phát triển là “Phòng họp không giấy VNPT e-Cabinet” và ứng dụng “Giao việc tức thời - nhắc việc thông minh”.
Đến nay, VNPT đã ký kết hợp tác toàn diện với 53 UBND tỉnh/TP nhằm hỗ trợ tối đa các Tỉnh/TP ứng dụng CNTT vào quản lý hành chính và phát triển kinh tế. Tính đến hết năm 2018, VNPT đã bàn giao dự án Ứng dụng du lịch Việt Nam cho Tổng cục Du lịch Việt Nam và khai trương trang thông tin du lịch, ứng dụng du lịch thông minh tại 13 tỉnh thành phố: Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Hà Nam, Ninh Bình, Phú Yên, Bắc Giang... triển khai thử nghiệm tại 34 tỉnh, thành phố trên cả nước và đang tiếp tục được nhiều tỉnh thành khác lựa chọn.
Hiền Mai
Ý kiến bạn đọc