Đại hội điện ảnh khóa 8: Nhiều tâm tư và kỳ vọng

14:21, 14/07/2015
|

(VnMedia)  - Tiếp tục được tín nhiệm với vị trí Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, NSND Đặng Xuân Hải cho biết, thời gian tới đây, Hội cần sự ủng hộ lớn của Hội viên trong các hoạt động của Hội.

Đại hội toàn quốc Hội Điện ảnh Việt Nam nhiệm kỳ VIII (2015-2020) đã chính thức khép lại sau hai ngày làm việc. NSND Đặng Xuân Hải tiếp tục nhận được số phiếu bầu 100% tái đắc cử Chủ tịch Hội cùng bốn phó Chủ tịch là Nhà biên kịch Hồng Ngát, Nhà biên kịch Dương Cẩm Thúy, NSƯT Trịnh Lê Văn và NSƯT Lê Hồng Chương.

Chia sẻ sau Đại hội, Chủ tịch Hội Đặng Xuân Hải cho biết, Hội sẽ sẽ không ngừng đổi mới phương thức hoạt động nhằm đáo ứng yêu cầu của Đảng và Nhà nước trong nhiệm vụ tập hợp, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ điện ảnh, người làm phim truyền hình trong tình hình mới.

  Ảnh minh họa

  Ban chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam khóa 8 gồm 12 thành viên


Nhiệm vụ số 1 tới đây của Hội là tập trung mọi điều kiện để động viên các hội viên sáng tác. Ngoài bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, chọn lựa kịch bản, mở trại sáng tác chuyên sâu với những chuyên đề khác nhau, mở các lớp tập huấn trong ngành điện ảnh.

“Nhiệm kỳ trước, chúng tôi đã tổ chức được 13 lớp tập huấn cho các hội viên, nhiệm kỳ 8 chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức thêm các trại sáng tác. Tôi nghĩ rằng, đầu tư sáng tác sẽ phát hiện tài năng để đầu tư cho tài năng trẻ, bồi dưỡng tài năng trẻ. Muốn có tác phẩm điện ảnh phải có con người điện ảnh, muốn có tác phẩm hay phải có tài năng điện ảnh. Xác định mục tiêu hướng đi như thế sẽ tập trung bồi dưỡng nghiệp vụ” - NSND Đặng Xuân Hải bày tỏ.

Ông cũng cho biết, sau kỳ Đại hội, ban chấp hành Hội sẽ thực hiện một nhiệm vụ quan trọng nữa là tiến hành mở rộng xã hội hóa, gắn kết được lực lượng ngoài xã hội tham gia vào sinh hoạt trong tổ chức nghề nghiệp, bên cạnh điện ảnh Nhà nước thì điện ảnh xã hội cần phải có sự tham gia tích cực. “Chúng tôi cho rằng, hiện nay hai dòng phim, phim chính thống và phim thương mại phải trộn vào nhau và anh làm phim Nhà nước phải đẩy tính hấp dẫn lên còn phim thương mại phải đẩy tính nghệ thuật, nội dung của phim. Những vấn đề bức xúc của xã hội, mạnh dạn hơn đem lại hiệu quả hiệu ứng cho xã hội”.

  Ảnh minh họa

  NSND Đặng Xuân Hải tái đắc cử Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam khóa 8

Một trong những hành động thiết thực và quan trọng của Hội - được kỳ vọng sẽ tạo nên bứt phá cho ngành điện ảnh là thành lập một trung tâm bảo vệ tác quyền điện ảnh Việt Nam . Trong bối cảnh vi phạm bản quyền điện ảnh ngày một tinh vi và trắng trợn, việc bảo vệ các hội viên thế nào trước sự xâm phạm đó là một bài toán mà Ban chấp hành Hội đang đi tìm lời giải. Dù có khó khăn và nhiều thách thức, cả về cách thức tổ chức cũng như triển khai mô hình Trung tâm, nhưng NSND Đặng Xuân Hải bày tỏ, sẽ làm quyết liệt tới cùng trong nhiệm kỳ này để tạo một môi trường điện ảnh lành mạnh và an toàn. Ông cho biết, để làm được điều này thì cần phải sự ủng hộ lớn của các hội viên, phải tổng động viên trí tuệ và tâm huyết các hội viên thì mới triển khai được.

Bên lề Đại hội, không khó nhận ra sự thờ ơ, bàng quan hay vui cả làng của nhiều hội viên điện ảnh. Nếu như có những người cao niên xác định tâm thế đến Đại hội cho vui, được gặp gỡ đồng nghiệp từ Bắc chí Nam , thì cũng không ít người mang tâm tư đến Đại hội.

Chia sẻ nhanh bên lề Đại hội, Nhà sản xuất - diễn viên Phước Sang thổ lộ “Vai trò của Hội điện ảnh mờ quá. Hội phải che chở các Hội viên như người mẹ, con cái có lỗi lầm hay hoạn nạn gì phải dang vòng tay chở che, có hành động cụ thể chứ không thể đuổi con cái ra khỏi nhà. Tôi chưa thấy tiếng nói của Hội, vai trò của Hội. Hơn nữa, cương lĩnh, nhiệm vụ của từng người trong ban chấp hành quá mông lung. Họ cần phải có những tuyên bố cụ thể, ngồi ở nhiệm kỳ này họ làm được gì cho các Hội viên, đời sống điện ảnh của Hội viên được bảo vệ thế nào, bị tác động bởi cái gì”.

Anh cũng bày tỏ thêm “Tôi rất thèm xem phương án Hội đoàn kết thế nào trước sự khống chế của các ông phát hành lớn tại Việt Nam . Tôi ao ước được làm phim thực tế, đổ xương máu vì phim nhưng khi đưa cho Lotte hay CGV, họ không chiếu. Lúc ấy vai trò Hội ở đâu, đó mới là điều mà Hội viên đang cần để bảo vệ đời sống điện ảnh của họ. Hội phải ngồi lại với nhau, có hành động thiết thực ví dụ như đề nghị không cung cấp phim Việt cho các hãng lớn, họ sẽ phải thay đổi suy nghĩ và làm gì cũng phải thông qua Hội Điện ảnh. Nhưng hiện nay tôi thấy Hội chưa làm được điều đó. Hội cũng chưa tập hợp được người trẻ, sức hút mờ nhạt, niềm tin của Hội chưa có, trong khi đời sống điện ảnh đang rất sôi động và cần nhiều hơn thế”.

Dù đây chỉ là ý kiến của một Hội viên được xem là thành phần tích cực luôn có mặt trong các sự kiện lớn nhỏ của điện ảnh Việt, nhưng là ý kiến đáng suy nghĩ và là tâm tư của số đông hội viên Hội điện ảnh. Một nhiệm kỳ mới nữa đến, với nhiều thách thức hơn nữa của ban chấp hành trước sự thay đổi chóng mặt của nền điện ảnh nước nhà, hy vọng Hội sẽ có những hành động thiết thực để thực sự là Hội nghề nghiệp của ngành Điện ảnh nước nhà.


Lam Trần - Ảnh: Thegioidienanh.vn

Ý kiến bạn đọc