Nhạc sĩ Trần Tiến khoái chí với bản rock “Giấc mơ Chapi”

11:42, 26/01/2015
|

(VnMedia) Cha đẻ của tác phẩm “Giấc mơ Chapi” đã phải thốt lên thán phục nhóm Ngũ cung khi các chàng trai này rock hóa ca khúc đầy sôi động của ông trên sân khấu Giai điệu tự hào.

>>> Đan Trường bất ngờ "vượt mặt" NSND Thu Hiền
>>> Trọng Tấn choáng váng khi lần đầu hát rock

Lấy chủ đề “Cung đàn đất nước”, số phát sóng đầu tiên trong năm 2015 của Giai điệu Tự hào sẽ mang tới 5 cây đàn đã đồng hành cùng công cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Nói về nhạc cụ đặc trưng, Giai điệu Tự hào không chỉ ngợi ca những nét đẹp trong văn hóa các dân tộc anh em mà đồng thời còn khắc họa tâm hồn người Việt trong những bước thăng trầm của lịch sử.

  Ảnh minh họa

  Phạm Thu Hà


Được sáng tác năm 1967, ca khúc “Tiếng đàn Ta lư” của nhạc sĩ Huy Thục ngợi ca âm điệu độc đáo của cây đàn Ta lư và tinh thần lạc quan, trung thành với Đảng và cách mạng của người Pacô, Vân Kiều. Gần 40 năm ra đời, ca khúc có sức sống mạnh mẽ ở khắp các trận địa, trong lòng người yêu nhạc qua tiếng hát của NSND Tường Vi.

Giám đốc âm nhạc của Giai điệu Tự hào – nhạc sĩ Thanh Phương cho biết, ban đầu, anh dự định mời cả NSND Tường Vi và ca sĩ Phạm Thu Hà thể hiện song ca ca khúc này. Hai giọng ca có nhiều điểm tương đồng chắc chắn sẽ dễ dàng chuyển tải thông điệp về sự kế thừa và tiếp nối. Nhưng sát tới ngày ghi hình, sức khỏe của NSND Tường Vi không được tốt. Năm nay bà gần 80 tuổi, di chuyển từ Hà Nội vào Tp. Hồ Chí Minh để ghi hình là điều không hề dễ dàng, bởi vậy ca khúc này do một mình Phạm Thu Hà biểu diễn.

Không tập trung quá nhiều vào yếu tố thính phòng của ca khúc, bản phối “Tiếng đàn Ta lư” của Phạm Thu Hà ở chương trình Giai điệu Tự hào lần này, vui tươi, nhẹ nhàng hơn.

Phạm Thu Hà chia sẻ: “ Tôi thể hiện ca khúc này với một chút áp lực. Trước cái bóng quá lớn của NSND Tường Vi, hát sao để ra chất của Phạm Thu Hà mà vẫn truyền tải đúng ý đồ của nhạc sĩ sáng tác và người phối khí ca khúc là điều không hề đơn giản ”.

  Ảnh minh họa

  Trọng Tấn với "Tiếng đàn bầu"


Là ca khúc mở đường, gắn liền với sự nghiệp âm nhạc của Trọng Tấn từ đêm chung kết “Tiếng hát truyền hình toàn quốc” năm 1999, tác phẩm “Tiếng đàn bầu” gần như là nghệ danh của nam ca sĩ. 15 năm biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp, nói đến “Tiếng đàn bầu” là nhớ ngay tới Trọng Tấn, và chỉ cần nói tới Trọng Tấn thôi, khán giả đã nghĩ ngay tới “Tiếng đàn bầu”. Cuộc gặp gỡ hoàn hảo giữa nhạc sĩ sáng tác, ca khúc và ca sĩ, mang tới tiết mục “không thể không hay, không thể không xem” trên bất cứ sân khấu lớn bé nào.

Điểm khác biệt duy nhất Trọng Tấn mang tới sân khấu của Giai điệu Tự hào lần này đó chính là bản phối tập trung nhiều vào âm điệu của cây đàn dân tộc. Nam ca sĩ cho biết: “ Nếu như “Tiếng đàn bầu” ở In the spot light, trên nền của nhạc cụ điện tử, Tấn khắc họa tiếng ru của mẹ thì trong bản phối này, chính âm bội của cây độc huyền cầm sẽ khiến công chúng ám ảnh. Những âm thanh thô mộc, đơn sơ đấy nhưng cầu kỳ đến kỳ diệu. Cầu kỳ ở chỗ, nhạc cụ đơn giản nhất thế giới ấy có thể tạo ra những âm điệu phức tạp: có khi buồn bã, thiết tha, có khi ngọt ngào tình tự ”. NS Thanh Phương đã thành công khi mang những ý đồ âm nhạc mới mẻ vào cặp đôi: ca sĩ – tác phẩm quen thuộc này.

Cùng với ca khúc “Tiếng đàn bầu”, Trọng Tấn sẽ cùng ban nhạc Ngũ cung thể hiện ca khúc “Cung đàn mùa xuân” của nhạc sĩ Cao Việt Bách. Một bên chính thống chuẩn mực hát cùng những tay rocker “ưa phá phách”, tiết mục biểu diễn này tạo nên luồng tranh luận trái chiều nhiều nhất từ hai Hội đồng Khách mời bình luận.

  Ảnh minh họa

  Ngũ Cung


Ngồi trên ghế đỏ của chương trình, nhạc sĩ Trần Tiến đã phải thốt lên với ban nhạc Ngũ Cung: “ Các bạn làm tôi bất ngờ quá! Hát hay lắm các chàng trai!”, khi nhóm nhạc này quyết định rock hóa ca khúc “Giấc mơ Chapi” của ông. Không còn bức tranh bình yên như giấc mơ của đôi tình nhân cùng đàn dê nhỏ của mình trên núi, bản phối rock của Ngũ Cung cùng tiếng hát của ca sĩ Hoàng Hiệp đã khiến cả trường quay sôi động trong âm thanh cuồng nhiệt, hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng. “ Đừng tưởng những người già là Khốt – Ta – Bít! Chúng tôi cũng muốn nhảy nhót, hò reo cùng các bạn !”, Tiến sĩ khoa học Đoàn Hương khen ngợi sự sáng tạo của những người trẻ.

Thu hút hơn 500 ngàn lượt khán giả trong hơn 1 tuần phát sóng Giai điệu Tự hào, tiết mục biểu diễn “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây” của Tạ Quang Thắng và Thùy Chi nhận về sự phản hồi rất tích cực của khán giả xem truyền hình. Tạm biệt Thùy Chi, trở lại với Giai điệu tự hào lần này, Tạ Quang Thắng sẽ bắt cặp cùng Tiêu Châu Như Quỳnh trong ca khúc “Cây đàn guitar của đại đội ba”. Tạ Quang Thắng kỳ vọng, phần trình diễn theo phong cách aucoustic này cũng sẽ được đón nhận như tiết mục biểu diễn trước đó.

  Ảnh minh họa

  Tạ Quang Thắng và Tiêu Châu Như Quỳnh trong ca khúc
“Cây đàn guitar của đại đội ba”


“Cung đàn mùa xuân” mở màn cho mùa phát sóng thứ 2 của Giai điệu Tự hào. Format của chương trình trong năm 2015 này, về cơ bản không có gì thay đổi tuy nhiên tình tương tác của chương trình sẽ được mở rộng hơn.

Những ngày này, ekip sản xuất của Giai điệu Tự hào đang hoàn tất những khâu cuối cùng cho đợt ghi hình chương trình Gala Giai điệu Tự hào mùa phát sóng đầu tiên. Giám đốc ý tưởng Phan Huyền Thư cho biết, Gala Giai điệu Tự hào có quy mô là vở Đại nhạc kịch.

Không chỉ biểu diễn lại 22 ca khúc được khán giả truyền hình yêu thích trong năm 2014, Gala Giai điệu Tự hào bao gồm 3 chương của vở kịch lịch sử, cũng là 3 bước tiến trong lịch sử dân tộc. Các ca sĩ không chỉ thể hiện các ca khúc mà còn đóng vai trò là diễn viên, kể lại quá khứ hào hùng bằng màu sắc âm nhạc. Họa sĩ Đinh Công Đạt đảm nhiệm phần thiết kế sân khấu theo phong cách nghệ thuật sắp đặt. Gala Giai điệu Tự hào 2014 sẽ được phát sóng chính thức vào 20h ngày 21/2/2015 (tức ngày mùng 3 Tết âm lịch) trên kênh VTV1.


Thiên Lam

Ý kiến bạn đọc