Bất cập trong việc lựa chọn Hoa hậu quá trẻ tuổi

06:43, 08/01/2015
|

(VnMedia) - Trong các cuộc thi sắc đẹp quốc tế, người đẹp Việt Nam thường ít khi thành công. Một trong những nguyên nhân là họ còn quá trẻ nên thiếu nhiều kỹ năng sống và cả những trải nghiệm thực tế.

>> Cô gái 18 tuổi đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2014
>> Trả lời ứng xử không xuất sắc vẫn đăng quang Hoa hậu
>> Những gương mặt khả ái của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014


Ảnh minh họa

Giá như đăng quang ở lứa tuổi trưởng thành hơn, cộng với việc có nhiều thời gian chuẩn bị, được hướng dẫn bài bản và chi tiết các kỹ năng mềm, vốn sống, khả năng trình diễn, ứng xử... thì có thể Nguyễn Thị Huyền sẽ không chỉ dừng lại ở top 15 Hoa hậu thế giới.


Trước nay, các cuộc thi sắc đẹp ở Việt Nam thường chú trọng về mặt “hữu xạ tự nhiên hương”. Có thể thấy hàng loạt Hoa hậu được đăng quang, tất cả đều xinh đẹp. Nhưng để lại ấn tượng bởi tài năng, trí tuệ và kỹ năng ứng xử với công chúng, cộng đồng thì là điều vô cùng hiếm hoi. Cũng không thể trách được các người đẹp, bởi họ, đa số là do yếu tố bẩm sinh, còn kiến thức là do họ tự trau dồi mà rất ít hoặc không có những sự tư vấn và rèn rũa kỹ năng bài bản. Bên cạnh đó, việc các cuộc thi sắc đẹp, kể cả cuộc thi lớn nhất như Hoa hậu Việt Nam thì xu hướng chọn Hoa hậu vẫn là xu hướng chọn “nụ”, tức là vẻ đẹp còn e ấp chưa tỏa sáng, vì thế, các hoa hậu thường ở độ tuổi 18-19, và với độ tuổi “mới lớn” này, thật khó đòi hỏi họ chín chắn và có cái nhìn nhân sinh quan, thế giới quan sâu sắc được.

Những hoa hậu 18-19 tuổi đẹp kiểu “nõn nà” ngây thơ, trong sáng, hồn nhiên. Họ thực sự đáng yêu và rất đẹp. Tuy nhiên, ngày nay Hoa hậu không phải chỉ để ngắm và làm vài công việc từ thiện (đa phần cho ban tổ chức và các nhà tài trợ đứng lên thực hiện). Cuộc sống ngày càng phát triển, dân trí cũng ngày càng cao và vì thế, công chúng cũng đòi hỏi ở các Hoa hậu nhiều thứ hơn và ở mức cao hơn. Trong cuộc thi Hoa hậu thế giới vừa diễn ra cách đây ít ngày, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, trong các phần thi phụ, phần thi Hoa hậu nhân ái được đánh giá quan trọng nhất và tất nhiên, điểm số của phần thi này cũng cao hơn hẳn các phần thi phụ khác. Điều này có ý nghĩa gì? Chắc hẳn chúng ta đều nhận ra, Hoa hậu thế giới nói riêng và các cuộc thi sắc đẹp tầm quốc tế nói chung, họ đều quan tâm đến giá trị Chân - Thiện - Mỹ một cách thực tế chứ không giáo điều. Mà ở đây, vẻ đẹp hình thức phải được đi đôi với nhân cách và tâm hồn. Hoa hậu Nhân ái chính là cô gái biết biến vẻ đẹp ngoại hình của mình thành những hành động thiết thực, có ích cho cộng đồng.

Nhìn vào hình ảnh phóng sự của các thí sinh lọt top 5 Hoa hậu Nhân ái, có thể thấy rằng hoạt động của họ rất thực tế, rất thời sự và thực sự có ích, và các hoa hậu là các chủ dự án, họ có nghiên cứu, mất thời gian và công sức lẫn tâm huyết cho các dự án thiện nguyện. Ngay cả top 5 trả lời ứng xử chung cuộc, các cô gái cũng kể về các hoạt động xây dựng cộng đồng của mình, đó chính là những thành quả thực tế mà các cô đã làm, xuất phát từ vai trò Hoa hậu của mỗi nước, họ đã biến những nụ cười, những số đo 3 vòng nóng bỏng… thành cầu qua sông, thành trường học, thành những vị “thần” cứu chữa bệnh nhân nhi… Và công chúng trên toàn thế giới đều thấy, họ thực sự đẹp và tỏa sáng bởi lòng nhân ái.

Ảnh minh họa

Việc chọn Hoa hậu "nụ" Thùy Dung gây ra nhiều sóng gió sau đăng quang, trong khi đó, á hậu Thụy Vân được đánh giá cao ở trí tuệ, sự trải nghiệm, kỹ năng giao tiếp, ứng xử và kiến thức xã hội bởi khi ấy cô đang là một sinh viên và có thành tích học tập đáng nể.


Bên cạnh việc chọn “nụ” sẽ thực sự khó khăn cho việc tỏa sáng, các người đẹp Việt Nam khi tham dự các đấu trường sắc đẹp quốc tế thường rất ít thời gian chuẩn bị. Có người thì được một tháng, hoặc 15 ngày, thậm chí có những thí sinh Việt Nam khi sang đến địa điểm tổ chức thì người ta đã trải qua vài cuộc thi phụ. Chưa bắt kịp thời tiết, nhịp sống của các thí sinh trong cuộc thi, lại bị mất cơ hội tham gia vài cuộc thi phụ… các người đẹp thường “ba chân bốn cẳng” để theo kịp các thí sinh khác, vì vậy họ không có thời gian làm cho mình trở thành tâm điểm chú ý, hoặc ít ra cũng tạo được thiện cảm đối với ban tổ chức hoặc giới truyền thông.

Nhìn lại các người đẹp “nụ” khi đi thi quốc tế, mới có Nguyễn Thị Huyền lọt top 15, năm đó Huyền thực sự rất đẹp; Mai Phương Thúy lọt top 17 do khán giả quê nhà bình chọn và cô là người có điểm số đứng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương…, đa số các thí sinh còn lại đều “tay trắng” ra về mà không để lại bất kỳ ấn tượng nào cho bạn bè quốc tế.

Và những điều kể trên, thật khó để đòi hỏi ở một cô gái 18-19 tuổi mới tốt nghiệp phổ thông, vừa thoát khỏi vòng tay bao bọc của gia đình. Với thời gian chuẩn bị ít ỏi, các Hoa hậu “nụ” không thể nào thu nạp vào đầu được các kỹ năng mềm trong cuộc sống, vốn kiến thức và đương nhiên là thiếu hẳn những trải nghiệm sống, cho dù được các chuyên gia rất nhiệt tình hướng dẫn. Đấy là chưa nói, sự bỡ ngỡ và lạ lẫm mọi thứ từ ánh đèn sân khấu, khả năng catwalk, thế giới bên ngoài… làm cho các Hoa hậu “nụ” bị choáng ngợp và thực sự khó khăn để có thể tự tin thể hiện bản thân một cách tốt nhất với mong muốn tỏa sáng. Đấy là một trong những lý do các người đẹp của Việt Nam thường thất bại (thậm chí thảm bại) tại các đấu trường sắc đẹp quốc tế.

Bài tiếp: Hoa khôi áo dài: Kỳ vọng về một cuộc cải cách thi Hoa hậu


Ngô Bá Lục

Ý kiến bạn đọc