(VnMedia) - Màn ảnh Hollywood chính là nơi khán giả được chứng kiến nhiều vụ tai nạn máy bay kinh hoàng nhất.
Kinh hoàng những ngôi sao tử nạn vì máy bay
Sao Hoa ngữ cầu nguyện cho nạn nhân vụ máy bay bị mất tích
Ngành hàng không vốn là con đường vận chuyển hành khách an toàn nhất vì rất hiếm khi gặp sự cố (dù một khi đã vướng tai nạn thì lại rất kinh hoàng). Bất chấp thực tế đó, tai nạn máy bay lại trở thành một đề tài quen thuộc trên màn ảnh Hollywood.
Ý tưởng máy bay gặp sự cố được khai thác như thế nào trên phim, chúng ta cùng điểm qua một số tác phẩm tiêu biểu dưới đây.
The Flight (Chuyến Bay Sinh Mệnh) (Mỹ, 2102)
William Whitaker là một cơ trưởng tài năng, trách nhiệm và dày dạn kinh nghiệm. Trong một chuyến bay tới Atlanta, William phải thay ca cho phó lái Ken Evans do sức khỏe không đảm bảo. Ngay sau đó, máy bay gặp phải điều kiện thời tiết bất thường và có nguy cơ gặp tai nạn. Sự cố xảy ra khiến William buộc phải hành động thật nhanh để tránh một tai nạn hàng không thảm khốc. Với tài năng và kinh nghiệm, anh đã cứu sống hơn 100 hành khách trên chuyến bay trước khi bất tỉnh. Sau đó, William được tung hô, chào đón như một vị anh hùng.
Air Collision (Hiểm Họa Trên Không, 2012)
Bộ phim nói về 2 chiếc máy bay có nguy cơ va chạm với nhau,Phi hành đoàn của chiếc máy bay chở khách phải tìm mọi cách để hành khách của họ không bị hoảng loạn .
Con Air (Không tặc - 1997)
Con Air có thể coi là bộ phim có cảnh máy bay hạ cánh ấn tượng và cảm động nhất. Chiếc máy bay áp tải những tội phạm nguy hiểm hạ cánh khẩn cấp xuống Las Vegas, đưa người đàn ông vừa mãn hạn tù đoàn tụ với vợ con.
“The Grey” (Bản năng sinh tồn - 2011)
Phim lấy bối cảnh vùng Alaska lạnh giá đầy tuyết trắng và xoay quanh câu chuyện về một đội khoan dầu phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt sau khi máy bay của họ gặp nạn. Bị kẹt lại ở nơi hoang dã, họ không những phải đối mặt với điều kiện thời tiết khắc nghiệt mà còn bị đàn sói hoang rình rập. Bản năng sinh tồn trong mỗi người bắt đầu trỗi dậy.
“Final Destination” (Điểm đến cuối cùng - 2000)
Trong chuyến đi đến Paris với các bạn, Alex Browning có điềm báo rằng chuyến bay sẽ bị nổ tung sau khi cất cánh. Alex liền gây ra một cuộc ẩu đả. Hậu quả là cậu và nhóm bạn của mình bị đuổi xuống máy bay. Chỉ vài phút sau đó, chiếc máy bay nổ tung. Nhóm bạn cảm thấy nhẹ nhõm vì thoát chết, nhưng chính lúc này cơn ác mộng ập đến, khi tử thần quay lại tìm từng người trong nhóm.
“The Aviator” (Phi công tỷ phú - 2004)
Howard Hughes là một tỷ phú đam mê máy bay cuồng nhiệt. Hughes say mê tốc độ đến nỗi anh bất chấp nguy hiểm để lái thử các loại máy bay mới. Trong một lần bay thử thất bại, Hughes đã bị thương nặng.
Cast Away (Một mình trên hoang đảo - 2000)
Là bộ phim nổi tiếng của tài tử Tom Hanks. Trong phim, anh vào vai Chuck Noland, một nhân viên cấp cao của FedEx đang trên đường đi công tác thì máy bay bất ngờ gặp sự cố và rơi xuống biển. Anh thoát chết và lưu lạc đến một hoang đảo. Chuck phải tìm cách sống sót, chống chọi với cả thiên nhiên khắc nghiệt và nỗi cô đơn tới cùng cực.
The English Patient (Bệnh nhân người Anh, 1996)
Sau một tai nạn máy bay khủng khiếp, bá tước Laszlo de Almásy bị bỏng toàn thân. Ông được một nữ y tá trẻ chăm sóc. Toàn bộ quá khứ huy hoàng, một chuyện tình ngang trái giờ chỉ còn là quá khứ được tường thuật lại sau tai nạn kia.
Last Flight (Chuyến Bay Cuối Cùng)
Một chuyến bay Boing 747 cuối cùng cất cánh từ một hòn đảo Thái Bình Dương, những sự kiện bất thường xảy ra liên tục. Trong khi tất cả các hành khách hoảng loạn, đội trưởng và tiếp viên hàng không cố gắng để điều tra nguyên nhân sự việc.
Chuyến Bay Rắn Độc (Snakes on A Plane) (Mỹ, 2006)
Là nhân chứng duy nhất chống lại tên trùm xã hội đen Eddie trước tòa, Sean được các đặc vụ FBI dẫn giải trên chuyến bay từ Hawaii đến Los Angeles. Nhưng bọn tội phạm đã cao tay hơn. Chúng đưa thùng hàng chứa đầy rắn lên máy bay nhằm thực hiện âm mưu thâm độc: giết người bịt đầu mối. Khi máy bay bay ngang qua Thái Bình Dương thì hàng trăm con rắn độc đủ mọi kích cỡ từ khoang hành lý bắt đầu chui ra theo ống thông gió, bò khắp máy bay, phá hủy hệ thống máy móc và bắt đầu cắn chết người.
Ngoài ra, còn có nhiều bộ phim điện ảnh nổi tiếng khác cũng từng dàn dựng những cảnh thảm họa hàng không như “Die Hard 2: Die Harder” (Đương đầu với thử thách 2 - 1990), “World War Z” (Thế chiến Z - 2013), “Turbulence” (Thảm họa máy bay - 1997), “Superman Returns” (Siêu nhân trở lại - 2006), “The Dark Knight Rises” (Kỵ sĩ bóng đêm trỗi dậy - 2012), “Fearless” (Không sợ hãi - 1993).
Ý kiến bạn đọc