(VnMedia) – “Sơn Tùng M-TP chỉ là nạn nhân của một lối sáng tác” – Giám đốc Trung tâm bảo vệ Quyền tác giả Việt Nam Phó Đức Phương bày tỏ sau sự cố ca khúc “Chắc ai đó sẽ về” đối mặt với khả năng bị cấm phát hành vì đạo nhạc.
Vừa qua, sau đề xuất của Cục Bản quyền đề nghị thẩm định ca khúc "Chàng trai năm ấy", 7 nhạc sĩ trong Hội đồng thẩm định đã cùng thẩm định và gửi kiến nghị lên Cục Bản quyền cấm phát hành ca khúc “Chắc ai đó sẽ về” của Sơn Tùng M-TP và có chế độ xử phạt hợp lý với ca sĩ này vì đạo nhạc.
Chia sẻ về thông tin trên, Giám đốc Trung tâm Bản quyền tác giả Việt Nam - nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết, các nhạc sĩ đã cùng ngồi thẩm định và khẳng định ca khúc “Chắc ai đó sẽ về” của Sơn Tùng đã ảnh hưởng về giai điệu tới 70% so với ca khúc “Because I miss you” của nhóm nhạc Jung Yong Hwa (Hàn Quốc).
Sơn Tùng M-TP |
Trong khi đó, trên báo chí, Sơn Tùng M-TP đã lên tiếng phản đối khi cho rằng phần giai điệu và ca từ là do mình sáng tác, còn phần nhạc do bên sản xuất thực hiện.
Trước ý kiến này, nhạc sĩ Phó Đức Phương khẳng định thêm, không chỉ mượn phần beat, mà cả phần giai điệu, Sơn Tùng cũng bị ảnh hưởng tới 70%.
“ Những điểm dừng của câu đi đúng vào nốt của bài hát Hàn. Trong 10 câu thì có độ 7 câu là đúng điểm dừng của bài hát. Có 30% dừng ở nốt khác nhưng vẫn nằm trong hợp âm của phần beat. Bố cục, nhịp điệu, tiết tấu, từng tuyến đi, đầu và cuối câu đều có sự trùng khớp kỳ lạ. Hướng đi và cao trào cũng giống”.
Tuy nhiên, cái mà nhạc sĩ Phó Đức Phương cho rằng, sự giống nhất đó là “ cảm xúc và hình tượng như là cái bóng của ca khúc “Because I miss you”.
Hiện tượng mượn beat không phải là mới với một số tác giả trẻ gần đây. Vừa qua, nhóm Fb Boiz cũng đã phải lên tiếng xin lỗi ban tổ chức và tự xin rút giải thưởng khỏi Bài hát Việt vì đã mượn beat cho tác phẩm mới của mình.
Với nhạc sĩ Phó Đức Phương, việc mượn beat là một cách đạo nhạc tinh vi. Lấy của người khác không xin phép, không đề tên, không giả tiền, không chia sẻ lợi ích. Lấy tài sản của người khác không xin phép người khác thì gọi là đạo. “ Nếu cảm thấy thích phần beat và giai điệu đó, có thể xin phép tác giả rồi đặt lời Việt” – nhạc sĩ tiếp lời.
Trả lời câu hỏi của phóng viên VnMedia, lịch sử âm nhạc Việt Nam đã có trường hợp nào bị cấm phát hành vì phát hiện đạo nhạc hay chưa, nhạc sĩ Phó Đức Phương bày tỏ, “ Tôi không sát thị trường âm nhạc mấy. Trong dăm năm nay, tôi nghe loáng thoáng sự than phiền về vấn đề đạo nhạc này. Khi nảy sinh sự cố này, Sơn Tùng chỉ là thí dụ điển hình, là nạn nhân của cả một lối sáng tác, một quy trình “sáng tác”. Có thể khi bắt đầu viết thì cậu ấy tìm bài hay, nghe giai điệu rồi biến đổi đi, thậm chí còn lộ liễu cách hát, giọng ca, tâm trạng, bối cảnh, hình tượng đều giống Hàn Quốc. Tóm lại, tôi thấy hồn và cốt bài hát là của Because I miss you”.
Trước ý kiến Trung tâm và Cục không có thẩm quyền cấm phát hành ca khúc “Chắc ai đó sẽ về”, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả cho biết, “ Trung tâm và Cục không phải là cơ quan chức năng để ra quyết định cấm phát hành, đó phải là quyết định từ thanh tra sau khi xem xét bản nhạc. Trừ khi có người đứng ra kiện thì xử lý theo pháp luật, còn nếu không, các nhạc sĩ, các hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả cùng lên tiếng, dư luận báo chí lên tiếng thì thanh tra mới xem xét việc xử lý ca khúc này theo hướng nào. Tôi nghĩ chúng ta phải có trách nhiệm chung với đời sống âm nhạc ”.
Là một nhạc sĩ gạo cội, nhạc sĩ Phó Đức Phương bày tỏ nỗi buồn khi báo chí thế giới gọi Sơn Tùng là một kẻ ăn cắp chuyên nghiệp và không nên nuôi dưỡng những người như thế này khi liên tiếp “xài chùa” beat tới 6, 7 bài của nước ngoài.
Trước vấn nạn của âm nhạc Việt, vô tư xài chùa như hiện nay, trước ý kiến có hay không việc cần có chế tài xử phạt nặng để làm trong sạch môi trường âm nhạc Việt, nhạc sĩ Phó Đức Phương bày tỏ, theo ông, các cơ quan có trách nhiệm từ Hội âm nhạc, Trung tâm bản vệ quyền tác giả âm nhạc, Hội nhạc sĩ, báo chí, Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Ban Tuyên giáo cũng phải lên tiếng và có trách nhiệm để làm trong sạch đời sống âm nhạc. Vì thế, trong kiến nghị của Hội đồng thẩm định có đề xuất Cục Bản quyền cấm phát hành ca khúc này và có chế độ xử phạt khi Sơn Tùng đạo nhạc.
Không chỉ bày tỏ nỗi lòng của người làm nhạc, nhạc sĩ còn cho rằng, các cơ quan tiêu dùng, các nhà sản xuất âm nhạc cần phải có sự thẩm định trước khi phát hành để định hướng cho lớp khán giả trẻ biết thế nào là thật, là giả. Đặc biệt, lớp khán giả trẻ ngày nay, đừng lẫn lộn trong tiếp nhận âm nhạc và đừng dung túng cho những thói quen “xài chùa” vô tư như thế.
Hơn một lần bị la ó vì đạo nhạc, Sơn Tùng vẫn là cái tên nam ca sĩ hot ở thời điểm này trong showbiz Việt. Tuy nhiên, sự cố có thể bị cấm phát hành này đã ảnh hưởng không nhỏ tới bộ phim “Chàng trai năm ấy” mà Sơn Tùng thủ vai chính Đình Phong. Lùi phát sóng so với dự định ra rạp là ngày 14/11, phim có thể phải làm lại khi ca khúc mà đang có thể bị cấm là ca khúc chủ đề theo suốt bộ phim.
Hiện tại, Cục Bản quyền cũng chưa quyết định vì còn chờ ý kiến của thanh tra. Cục cũng ghi nhận Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả làm thế là tốt và tiếp tục có những thẩm định như thế.
Ý kiến bạn đọc