Phim Việt ra thế giới: Đừng nên chỉ mang tính địa phương

11:46, 25/11/2014
|

(VnMedia) Đó là chia sẻ của ông Jung Taesun (Giám đốc điều hành của CJ E&M) khi chia sẻ về vấn đề cơ hội cho phim Việt ra thế giới và phát hành thương mại được trên thế giới.

Bên lề Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần 3, các nhà làm phim trong nước và quốc tế đã có cơ hội ngồi lại với nhau quanh hội thảo bàn về vấn đề phim Việt và cơ hội hội nhập quốc tế. Từ phim màn ảnh nhỏ tới phim màn ảnh rộng, trong hơn 10 năm qua, Việt Nam đã có những hợp tác mang lại nhiều tiếng vang cho nền điện ảnh Việt.

Từ những giai đoạn ban đầu chỉ đơn thuần là cung cấp dịch vụ cho các nhà làm phim nước ngoài, nhất là các thị trường Úc, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ, các nhà làm phim Việt Nam đã chủ động hơn trong việc tìm nguồn kinh phí tài trợ hoặc mời các nghệ sĩ nước ngoài tham gia vào bộ phim Việt. Tuy nhiên, gần đây một xu hướng mới và được coi là một xu hướng hợp tác mang lại nhiều cái “lợi” nhất cho nhà làm phim Việt là cả Việt Nam và nước ngoài cùng góp vốn và cùng hưởng lợi nhuận. Dù số lượng này không nhiều, nhưng nó đang xu hướng mà nhiều nhà làm phim hiện nay đang cố gắng để tìm cách cho điện ảnh Việt có thể mang chuông đi đánh xứ người.

  Ảnh minh họa

  Đoàn phim "Đập cánh giữa không trung" nhận giải “Best Film” của Liên đoàn các nhà phê bình phim châu Âu và Địa Trung Hải (FEDEORA) tại Tuần phê bình phim quốc tế Venice.


Cơ hội được học hỏi kinh nghiệm làm phim xứ bạn là đương nhiên, cơ hội tiếp cận những thiết bị làm phim hiện đại là rất quý báu, cơ hội để học cách làm việc chuyên nghiệp, chỉn chu tới từng khâu và sự quyết đoán cho việc hoàn thành những ý tưởng. Ngoài những cơ hội đó, làm phim với đối tác nước ngoài theo hình thức cùng góp vốn theo đánh giá của Nguyên Giám đốc Hãng phim truyện 1 Nguyễn Tất Bình:  “Đó là một hình thức đầu tư cùng có lợi, góp vốn bình đẳng thì khi phim ra thế giới sẽ khả thi và có ý nghĩa hơn”.

Là đạo diễn gạo cội, có cơ hội tới 5, 6 phim làm với đối tác nước ngoài, NSND Đặng Nhật Minh bày tỏ, sự có mặt của những quỹ tài trợ cho phim nghệ thuật giúp cho nhiều đạo diễn trẻ tìm thấy chỗ dựa. “Với áp lực của cơ chế thị trường khi phim bị đặt nặng về doanh thu, nếu không có quỹ phi lợi nhuận thì không nuôi dưỡng được cho các đạo diễn trẻ. Sẽ không thể có nền điện ảnh nếu đóng khung không hợp tác với nước ngoài” – NSND Đặng Nhật Minh cũng khẳng định thêm, Việt Nam không thiếu những tài năng điện ảnh trẻ.

Tuy nhiên, tìm thế nào thì theo nhà sản xuất – nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát bày tỏ, các nhà làm phim trẻ nên chủ động hơn nữa tìm kiếm những nguồn tài trợ cho mình.

Sự có mặt của Liên hoan phim quốc tế Hà Nội là cơ hội tuyệt vời cho các nhà làm phim trẻ tìm kiếm những tên tuổi lớn trên thế giới cùng đồng hành sản xuất. Một đại diện xuất sắc ở Hạng mục phim dài tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần 3 là “Đập cánh giữa không trung” của Nguyễn Hoàng Điệp. Được phát hiện từ trại sáng tác của LHP năm thứ 2, “Đập cánh giữa không trung” đã có cơ hội nhận được sự hỗ trợ của một Quỹ điện ảnh Pháp.

Đồng sản xuất của bộ phim người Pháp Thierry Lenouvel bày tỏ, “Đập cánh giữa không trung” là một phim có chất lượng và có tính nghệ thuật cao. Đây là phim có ngân sách hạn hẹp và phải vất vả xoay xở làm hậu kỳ ở Pháp. “Giá trị của Đập cánh là giá trị được công nhận bởi nhiều Liên hoan phim quốc tế”. Ông bày tỏ hy vọng, sau “Đập cánh”, các nhà sản xuất sẽ tìm thấy nhiều hơn những tác phẩm ấn tượng để cùng hợp tác và ông đánh giá Việt Nam là nơi lý tưởng để hợp tác làm phim.

Chia sẻ về một vấn đề khác, về cơ hội phát hành của phim Việt tại các thị trường thế giới, ông Jung Taesun (Giám đốc điều hành của CJ E&M) bày tỏ, các nhà làm phim Việt Nam không nên nói tiếng nói địa phương nữa. Vì như thế, sẽ rất khó để tìm thị trường phát hành ở những quốc gia lớn. Vì thế, chọn vấn đề cho phim, chọn thị trường phát hành là một bài toán không đơn giản cho các nhà làm phim trẻ hiện nay.

  Ảnh minh họa

  Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp


Cùng chung ý kiến này, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp bày tỏ, cá nhân chị cũng như một vài người trẻ khác, nghĩ mang phim Việt ra thế giới phải mang chất địa phương, chất Châu Á riêng biệt để coi đó là điểm mạnh đến đấu trường thế giới. “Việt Nam có phim, quốc gia khác cũng có, họ cũng đặc biệt, riêng rẽ, thậm chí còn đậm đà hơn chúng ta. Đến lúc chúng ta không thể dùng ngôn ngữ địa phương đưa vào trong phim, mà phải dùng ngôn ngữ điện ảnh. Những người làm nghề và ban giám khảo xem phim bạn trên ngôn ngữ điện ảnh”.

Nếu nhìn vào thực tế chỉ có 3 phim Việt của hai đạo diễn Trần Anh Hùng và Lê Lâm được phát hành thương mại chính thống tại Pháp như đạo diễn Lê Lâm (GS Trường Điện ảnh IDHEC, Pháp) chia sẻ thì các phim Việt hợp tác mới chỉ được chiếu trong các Liên hoan hoặc chỉ được phát hành trong các cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Tuy nhiên, trong con đường mới để tìm kiếm các nhà đầu tư, các đối tác cùng đồng hành sản xuất hoặc các quỹ hỗ trợ tài chính… thì những thành quả ban đầu của việc phim Việt được vinh danh tại các Liên hoan phim trong khu vực và trên thế giới, đó đã là một tín hiệu mừng và là động lực cho các nhà làm phim trẻ tiếp tục cống hiến cho dòng phim nghệ thuật.


Mạnh Trần

Ý kiến bạn đọc