Tuyên truyền bảo vệ môi trường bằng nhạc kịch Broadway

19:01, 03/09/2014
|

(VnMedia) - Trong 2 tối 30 và 31/8 vừa qua, vở nhạc kịch đầu tiên theo phong cách Broadway “Dòng sông không chảy ngược” đã đến với người dân xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Đây là nội dung của dự án “Đi và Mở” do Ban Thanh thiếu niên – Đài Truyền hình Việt Nam (VTV6), Trung tâm Nâng cao năng lực cộng đồng (CECEM), Trung tâm Bảo tồn và Phát triển tài nguyên Nước (WARECOD), Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED), Trung tâm Đào tạo và Truyền thông về Môi trường (CETAC), Tổ chức Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) bảo trợ nhằm nâng cao ý thức người dân, nhất là người dân ở nông thôn về môi trường xanh, sạch.

Ảnh minh họa

Nhà báo Tạ Bích Loan (thứ 3 từ trái sang) -  Trưởng Ban Thanh thiếu niên Đài Truyền hình Việt Nam cũng đến xem và cổ vũ cho dự án

Ảnh minh họa

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng - Cố vấn của dự án 
 

Ảnh minh họa

Hàng ngàn người dân đã háo hức đến với đêm diễn

Tham dự đêm diễn có GS. Nguyễn Lân Dũng - Cố vấn của dự án “Đi và Mở”; Nhà báo Tạ Bích Loan – Trưởng Ban Thanh thiếu niên Đài Truyền hình Việt Nam; các cán bộ của Trung tâm CECEM cùng hơn 1000 người dân địa phương đã tập trung ngay tại đình làng từ 7h00-10h30 tối để theo dõi vở nhạc kịch.

“Dòng sông không chảy ngược” xoay quanh tình yêu và nỗi day dứt của nhân vật bí thư Thạch với dòng sông Nhuệ quê hương, cùng thôi thúc bảo vệ dòng sông quê luôn ám ảnh trong lòng ông. Từ những kí ức tuổi thơ tươi đẹp nhất cho tới giây phút đau đớn nhất là mất đi mối tình đầu của Thạch đều gắn với dòng sông.

Khi trở thành bí thư xã, ông đã tìm mọi cách thuyết phục bà con làng mình (một làng lụa) cùng thay đổi để bảo vệ con sông đang dần chết. Nhưng ông Thạch đã phải trả giá quá đắt cho việc đối chọi lại những nếp sản xuất vốn là “miếng cơm manh áo” của cả làng: đó là sự ghẻ lạnh, chống đối của dân làng và cả chính vợ con ông.

Vở nhạc kịch để lại cái kết mở với những mâu thuẫn dần được gỡ nút, và căn bệnh ung thư dạ dày của ông Thạch vừa là nhân tố hòa giải để các nhân vật khác thông cảm và tỉnh ngộ, vừa là dư âm lặng lẽ về hệ quả của dòng sông “chết”. Câu chuyện không xoáy sâu vào vấn đề và tìm xem lỗi là của ai mà hướng tới tương lai, tình yêu và trách nhiệm của mỗi người với dòng sông quê hương.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đồng hành cùng vở kịch chính, buổi triễn lãm tranh “Dòng sông ước mơ” đã trưng bày 30 bức tranh ý nghĩa và sáng tạo nhất được giải của 30 em học sinh tới từ trường tiểu học Cự Khê. Qua những bức tranh này, các em học sinh đã thể hiện cái nhìn cũng như ước mơ của các em về con sông Nhuệ. Dự án hi vọng tiếng nói của các em nhỏ và thanh niên địa phương – là thế hệ chủ nhân tương lai của những ngôi làng này – cũng sẽ là một động lực thúc đẩy người dân làng Khúc Thủy chung tay hành động để bảo vệ con sông.

Hiện nay, sông Nhuệ và sông Đáy là hai trong số những con sông đang bị ô nhiễm trầm trọng ở nước ta với hàm lượng chất độc hại cao đến mức báo động. Những năm gần đây, quy mô sản xuất của các làng nghề ở lưu vực sông Đáy đang ngày một mở rộng dẫn đến mức độ ô nhiễm nước thải tại các làng nghề có xu hướng tăng lên.

Với thông điệp: ”Đừng vì cái lợi trước mắt mà gây ra những hậu quả khôn lường sau này. Hãy chung tay bảo vệ dòng sông không chỉ vì chính mình, mà còn vì những người thân yêu nhất”, thông qua nghệ thuật nhạc kịch sáng tạo, dự án mong muốn nâng cao ý thức về bảo vệ tài nguyên nước của người dân các làng nghề trong khu vực nhằm góp phần hồi sinh hai con sông và giúp cho người dân nơi đây hướng tới một cuộc sống khỏe mạnh và bền vững hơn.

Và quả thật, “Đi và Mở” đã có được một đêm diễn thật tuyệt vời, lắng đọng và làm thỏa mãn sự mong chờ của tất cả khán giả đến xem, cũng như của đội ngũ thực hiện.


Huệ Mẫn

Ý kiến bạn đọc