(VnMedia) - Trong những ngày gần mùa Vu lan báo hiếu, chương trình Tình khúc vượt thời gian tháng 7 với chủ đề Mẹ diễn ra cuối tuần qua tại Nhà hát Hòa Bình đã mang đến cho khán giả ở mọi lứa tuổi thật nhiều cảm xúc.
Danh ca Lệ Thu
Vẫn với phong cách âm nhạc xuyên suốt, chương trình tháng này đã dẫn ngay người nghe vào không gian của những tiếng đàn quen thuộc như đàn tranh, đàn bầu, tiếng sáo... mà chúng ta vẫn thường nghe rất nhiều mỗi khi nhớ quê hương - và quê hương cũng chính là Mẹ. Mở màn chương trình là ca khúc Ơn nghĩa sinh thành qua giọng hát ngọt ngào của ca sĩ Hạnh Nguyên như nhắc nhở mỗi chúng ta rằng Cha Mẹ là những người đã tạo cho ta một cuộc sống, nguồn vui cũng như hạnh phúc vì vậy hãy luôn nhớ đến như một suối nguồn sức mạnh mà sống tốt, sống có ích.
Thanh Thúy
Và mỗi khi nhắc đến những bài hát hay viết về Mẹ, chắc rằng ai cũng một lần xao xuyến khi nghe ca khúc Mừng tuổi mẹ. Một bài hát về Mẹ xen lẫn giữa niềm hạnh phúc và nỗi buồn. Tiếng hát Quốc Đại trên bản hòa âm phối khí nhẹ nhàng, thanh thoát, gần như chứa nhiều tâm sự hơn đã đưa người nghe vào trong những cảm xúc khó tả nhất, đó chính là mỗi độ xuân về khi cánh én báo tin vui cũng là lúc ta xa Mẹ thêm một ít.
Quốc Đại
Mỗi nhạc sĩ có một cách viết và dựng nên hình ảnh người Mẹ trong ca khúc của mình rất riêng. Với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người yêu nhạc lại thấy một người mẹ tưởng chừng như nhỏ nhắn, lại có thể vượt qua mưa bom bão đạn để bảo vệ các con của mình. Hai tác phẩm Huyền thoại mẹ và Ca dao Mẹ đã làm đủ thêm nữa tượng đài đẹp của người Mẹ trong thi ca nhạc họa.
Giao Linh
Trong câu chuyện của người Mẹ, chúng ta luôn thấy đức hy sinh vô bờ bến, và nhân rộng hơn nữa là một trong những đức tính quý giá của người con gái Việt Nam. Để khắc họa đầy đủ hơn đức hy sinh ấy, TKVTG chọn sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Tiến là ca khúc Chị tôi được thể hiện khá mới mẻ qua giọng hát ca sĩ Dương Triệu Vũ. Có cách xử lý giàu tình cảm, có nội tâm, khán giả gần như đã bị chinh phục bởi Dương Triệu Vũ, một lần nữa, không gian âm nhạc của những bài hát hay, ca từ đẹp được mở ra với rất nhiều cảm xúc khác nhau.
Dương Triệu Vũ
Bằng sự trải nghiệm của chính mình, lòng yêu mẹ và yêu thương con trai, ca sĩ Thanh Thúy đã kể câu chuyện cổ tích về Mẹ qua ca khúc Ngày xưa có mẹ . Một bài hát có ca từ khá mới, hình ảnh gần gũi và không nhiều tính tượng hình, như một câu chuyện kể tự nhiên về người Mẹ. Ca sĩ Thanh Thúy đã mang đến cho người nghe hôm nay thêm một bài hát hay về Mẹ và mang được hơi thở của cuộc sống hiện đại.
Nhạc sĩ Phạm Duy cũng là một trong những nhạc sĩ có cách viết rất riêng về Mẹ. Không gian âm nhạc của chương trình bỗng dưng có chút hồ hởi, đầy tự tin khi ca khúc Bà mẹ quê cất lên bởi tiếng hát của ca sĩ Hồng Vân. Hình ảnh người mẹ như một tiếng cười tự hào khấp khởi trong lòng những đứa con, nhưng không kém phần trang trọng và yêu thương. Nối tiếp những tác phẩm hay của nhạc sĩ Phạm Duy, khi mà hình ảnh người mẹ luôn gắn với những miền quê nghèo, những kỉ niệm thời thơ ấu, danh ca Lệ Thu xuất hiện với hai tác phẩm Quê nghèo và Kỉ niệm đã tạo cho người xem một cảm giác khó tả.
Hoạt cảnh đặc sắc
Càng về cuối chương trình, cảm xúc được đẩy cao hơn, hình ảnh người Mẹ thêm một lần với tất cả yêu thương từ ánh nhìn của đứa con đã làm nên bài hát mỗi khi nghe khó cầm được lòng, đó chính là ca khúc Mẹ tôi. Ca sĩ Cao Minh đã thể hiện ca khúc này thật nhiều xúc cảm. Dòng chảy của tình thương yêu lớn lao ấy đã tạo nên sự đúc kết về hình tượng so sánh với những mỹ từ đẹp nhất trong ca khúc Lòng Mẹ, cùng với giọng hát nữ ca sĩ Giao Linh. Hai bài hát gần như xuất hiện mỗi khi chúng ta nghĩ về Mẹ đã được ban nhạc Nguyễn Quang thực hiện lại phần hòa âm tăng thêm tính biểu cảm làm khán giả không khỏi chạnh lòng. Và chương trình không thể quên một sáng tác gần như để đời của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, đó là Bông hồng cài áo qua sự thể hiện song ca mới mẻ của Cao Minh và Giao Linh.
Khác với mọi khi, chương trình chủ đề Mẹ đặc biệt nên ekip đã dàn dựng riêng vở nhạc kịch “Đá trông chồng” dành tặng cho khán giả. Một tác phẩm nhỏ mang tính thể nghiệm kết hợp giữa tình tiết, câu chuyện và âm nhạc để tái dựng khá trọn vẹn hình ảnh người phụ nữ - người Mẹ Việt Nam đẹp và to lớn như thế nào.
Nhạc kịch đã xây dựng câu chuyện thông qua những bài hát thể hiện hình ảnh người con gái ngày xưa, nuôi chồng học hành đỗ đạt và rồi một mình nuôi con chờ chồng. Hình ảnh người phụ nữ ấy lại càng đẹp hơn khi sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng để người chồng lên đường bảo vệ tổ quốc. Nếu như hai bài hát Duyên quê và Trăng sáng vườn chè kể một câu chuyện trẻ trung, hạnh phúc của những người vợ trong gia đình thì Hòn vọng phu 1, 2, 3 lại khắc hình ảnh tuyệt đẹp của người mẹ bế con chờ chồng trong suốt cuộc chiến chinh.
Âm nhạc kết hợp cùng hiệu ứng hình ảnh, sân khấu đầy cảm xúc và được trình diễn live hoàn toàn với ban nhạc của các ca sĩ Hồng Vân - Thanh Thúy - Dương Triệu Vũ - Quốc Đại qua phần dàn dựng chính của đạo diễn âm nhạc Nguyễn Quang đã tạo nên cái kết đẹp và trọn vẹn cảm xúc cho người xem.
Ý kiến bạn đọc