(VnMedia) - Nhạc sĩ Thuận Yến - tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như “Bác Hồ một tình yêu bao la”, “Chia tay hoàng hôn”, “Màu hoa đỏ”, “Tình yêu không lời”,... vừa qua đời trưa nay (24/5) tại nhà riêng sau thời gian dài lâm bệnh.
Nhạc sĩ Thuận Yến và con gái - ca sĩ Thanh Lam
"Bố tôi đã chút hơi thở cuối cùng vào lúc 12h06 trưa nay tại nhà riêng. Mặc dù trước đó sức khỏe của ông đã yếu nhưng sự ra đi đột ngột của ông khiến tôi và gia đình không khỏi bất ngờ và tiếc nuối" - ca sĩ Thanh Lam ngậm ngùi chia sẻ.
Ca sĩ Thanh Lam cho biết, trước khi vĩnh biệt cõi trần, Thuận Yến gần như không nói và căn dặn gì mặc dù vợ, con cái và các cháu ở bên cạnh. Lễ viếng của ông sẽ diễn ra từ 10h đến 12h ngày 27/5 tại Nhà tang lễ bộ quốc phòng. Lễ an táng diễn ra lúc 15h cùng ngày tại Nghĩa trang Vĩnh Hằng.
Nhạc sĩ Thuận Yến ra đi nhưng ông đã để lại cho nền âm nhạc Việt Nam nhiều tác phẩm còn mãi với thời gian.
Là bạn bè đồng nghiệp thân thiết với đàn chị Thanh Lam, cùng song ca nhiều ca khúc của nhạc sỹ Thuận Yến, ca sỹ Tùng Dương cho biết anh rất kính trọng và ngưỡng mộ tài năng cũng như nhân cách của nhạc sĩ Thuận Yến. Tùng Dương chia sẻ, anh không khỏi đau buồn khi biết tin nhạc sỹ Thuận Yến qua đời, ông ra đi là sự mất mát lớn của nền âm nhạc nước nhà.
“Tôi vừa đi diễn ở Nha Trang về thì nghe tin bác Thuận Yến mất mà thấy bàng hoàng. Chị Thanh Lam, gia đình bác Thuận Yến là chỗ quá thân thiết với tôi. Tháng nào, tôi cũng qua gặp chị Thanh Lam, thăm hai bác. Chứng kiến sức khỏe của bác Thuận Yến ngày càng sa sút ai cũng thương. Không ngờ, bác đã ra đi rồi…”, Tùng Dương tâm sự.
Nhạc sĩ Thuận Yến tên thật là Đoàn Hữu Công, sinh ngày 15/8/1935, quê ở Duy Xuyên, Quảng Nam. Ông tham gia công tác từ năm 1949, là cán bộ văn nghệ của Đoàn văn công Khu ủy Liên khu V, sau đó theo học lớp Trung cấp sáng tác tại Trường âm nhạc Việt Nam.
Năm 1965, ông lên đường trở lại chiến trường sáng tác, lấy bút danh là Thuận Yến, với những ca khúc của thời kỳ này như: Hát mừng quê ta giải phóng, Mỗi bước ta đi, Bài ca tiếp vận, Mỗi dòng thư Bác sáng ngời niềm tin. Có mặt trên chiến trường Trị Thiên - Huế, nhạc sĩ Thuận Yến đã viết ca khúc Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc được nhanh chóng phổ biến rộng rãi ở cả hai miền Nam, Bắc.
Trở lại miền Bắc theo học Đại học Sáng tác nhạc viện Hà Nội, ông đã sáng tác một số tác phẩm khí nhạc, trong đó có bản Sonate Tự Nguyện và trang giao hưởng 5 chương Khúc nhạc miền Trung và hành khúc Những bàn chân không mỏi.
Nhạc sĩ Thuận Yến cùng vợ, con gái Thanh Lam và con trai là DJ Minh Trí
Về Đoàn văn công Tổng cục xây dựng kinh tế, ông tiếp tục viết ca khúc, có những ca khúc nổi tiếng về đề tài ca ngợi lãnh tụ: Bác Hồ - một tình yêu bao la, Vầng trăng Ba Đình và những đề tài khác như: LêNin, Người đến đất nước tôi, Hương tràm, Chia tay hoàng hôn (thơ Hoài Vũ), Tình yêu không lời. Ngoài ra ông còn viết nhạc cho múa: Bông sen đỏ, Anh còn sống mãi, nhạc cho phim: Khoảng trời chiến sĩ, Hát ở chiến hào.
Một số album chọn lọc ca khúc của nhạc sỹ Thuận Yến đã được phát hành như: Đi tìm trái tim, Chia tay hoàng hôn . Ông đã được nhiều giải thưởng: Vầng trăng Ba Đình (Giải nhất ca khúc của Bộ Văn hoá, 1987), Màu hoa đỏ (Giải ca khúc xuất sắc của Bộ Quốc phòng, 1994), Chia tay hoàng hôn (Giải bài hát được nhiều người ưa thích năm 1992-1993 của Đài Tiếng nói VN).
Ngoài âm nhạc, nhạc sĩ Thuận Yến có một gia đình hạnh phúc với vợ nghệ sĩ đà tỳ bà Thanh Hương và có hai con đều theo nghệ thuật: Thanh Lam được vinh danh là diva số 1 và Trí Minh là DJ hàng đầu, người tiên phong cho dòng nhạc điện tử Việt Nam.
Ý kiến bạn đọc