Chánh Tín, Nghệ thuật kinh doanh và Kinh doanh nghệ thuật

14:52, 28/03/2014
|

(VnMedia) - Câu chuyện về vụ vỡ nợ của NSƯT Chánh Tín xôn xao dư luận gần đây khiến cho nhiều người suy nghĩ. Thần tượng phải quỳ, buồn quá! Chánh Tín là nghệ sỹ có tài thực sự trong hoạt động nghệ thuật, song ông không phải là người có nghệ thuật kinh doanh để mà kinh doanh nghệ thuật. Đây là chia sẻ của độc giả gửi tới VnMedia, bàn luận xung quanh câu chuyện của NSƯT Chánh Tín.

Cách đây ít năm, sau buổi đấu giá một bức tranh của Van Gogh tại Mỹ, một nhà báo đã hỏi người vừa mua bức tranh với giá hàng chục triệu đôla hai câu hỏi: “Vì sao ông lại bỏ số tiền lớn như thế để mua một bức tranh? Ông đã làm gì mà có nhiều tiền như thế?”. Đại gia cười nói: “Với hai câu hỏi này thì chỉ cần một câu trả lời là đủ: Nghệ thuật kinh doanh thường rất gần với kinh doanh nghệ thuật”.

Nói nghệ thuật kinh doanh, người ta nhớ đến câu nói của ông chủ câu lạc bộ Real Madrid khi bỏ số tiền kỷ lục thế giới để mua C.Ronaldo: “Những gì đắt nhất là những gì rẻ nhất”. Đến giờ, người ta càng thấy ông ta đã nói đúng vì nhờ có C.Ronaldo mà CLB Real Madrid đã thu bộn tiền trong thời gian qua.

Hình như các nhà kinh doanh lớn đều có những câu nói như thể họ là các triết gia, hơn là những người chỉ biết kiếm tiền. Và không phải vô cớ mà thị trường nghệ thuật đích thực của các nước phát triển bao giờ cũng có các bà đỡ là các nhà kinh doanh lớn. Đơn giản là vì các nhà kinh doanh có tầm cỡ thực sự, thì ít có người lại văn hóa thấp (xin nhấn mạnh văn hóa ở đây không đồng nghĩa với bằng cấp như một số người hiểu lầm) hay là người không yêu văn hóa nghệ thuật.

Những phẩm chất của các nghệ sỹ lớn như: Trí tưởng tượng phong phú, tính độc đáo trong suy nghĩ và hành động thể hiện qua các tác phẩm của họ, rất gần với những phẩm chất tuyệt vời nhất của các nhà kinh doanh thành công nhất, khiến cho họ thấy ở nhau những sự tương đồng sâu sắc. Người ta thường thấy đằng sau một họa sỹ, người mà ngoài vẽ tranh ra thì không quan tâm chút nào đến tiền bạc, lại luôn là một nhà kinh doanh thành đạt vốn coi việc kiếm tiền là thú vui say mê lớn nhất của cuộc đời mình.

Nghệ thuật đích thực, luôn có bạn của nó. Một trong các bạn ấy, đó là nghệ thuật  kinh doanh. Và nghệ thuật kinh doanh ở đẳng cấp nào, có lẽ kinh doanh nghệ thuật cũng ở đẳng cấp ấy.

 Ảnh minh họa

 Câu chuyện về vụ vỡ nợ của NSƯT Chánh Tín xôn xao dư luận gần đây khiến cho nhiều người suy nghĩ



Mới đây, trên TV cũng đã có những cuộc tranh luận hăng hái nhưng không có được giải pháp cho vấn đề về thị trường tranh giả, tranh nhái loạn xạ ở Việt Nam, làm chết thị trường tranh nghệ thuật đích thực. Tình trạng này là một minh họa cho cái tầm “nghệ thuật kinh doanh” có liên  hệ với hiện trạng “kinh doanh nghệ thuật” ở nước ta ra sao.

Tôi đã vào nhà của những người rất giàu, có thể nói là họ thừa tiền, nhưng trên  tường của phòng khách cực kỳ hoành tráng của họ lại là những bức tranh giả, tranh nhái, mà chủ nhà lại tỏ ra rất tự hào về sự “hoành tráng” của nó. Giàu có mà thưởng thức nghệ thuật như thế, đủ biết tầm văn hóa của anh ta thế nào (Ở đây ta không nói về những người không có tiền để để chơi tranh thật thì đành chơi tranh giả, vì với họ, méo mó có còn hơn không). Nhìn theo triết lý “nghệ thuật kinh doanh” nói trên, tôi thấy không tin lắm vào việc những “đại gia” này có tài kinh doanh thật sự (Chúng ta biết rằng ở Việt Nam ta chẳng thiếu gì những người rất giàu mà chẳng phải do có tài kinh doanh chân chính mà làm nên, ví dụ như tham nhũng hay ăn theo tham nhũng chẳng hạn).

Hay trong giới showbiz cũng vậy. Người ta không ngạc nhiên khi thấy nhiều “ngôi sao” nổi tiếng mà khả năng thực sự của họ về nghệ thuật thì còn dưới mức nghiệp dư.  Đơn giản là thị trường giải trí được dẫn dắt bởi các nhà kinh doanh có tầm văn hóa như thế nào, thì chất lượng sản phẩm văn hóa thống lĩnh trên thị trường của họ cũng thế ấy mà thôi.

Câu chuyện về vụ vỡ nợ của NSƯT Chánh Tín xôn xao dư luận gần đây khiến cho nhiều người suy nghĩ. Thần tượng phải quỳ, buồn quá! Chánh Tín là nghệ sỹ có tài thực sự trong hoạt động nghệ thuật, song ông không phải là người có nghệ thuật kinh doanh để mà kinh doanh nghệ thuật. Điều đó giải thích lý do ông thành công trong nghệ thuật và thất bại trong kinh doanh (còn  nhiều nghệ sỹ khác cũng mắc sai lầm kiểu này như Chánh Tín).

Nhưng Chánh Tín là nghệ sỹ thực sự, có tên tuổi lớn, nên có rất nhiều người yêu nghệ thuật hâm mộ ông.Trong số đó có cả các nhà kinh doanh chân chính, có “nghệ thuật kinh doanh” thực sự. Và cũng đừng quên rằng, Chánh Tín còn là một sản phẩm, thậm chí một biểu tượng nghệ thuật của một thời. Vì thế, đó cũng là  một “tác phẩm nghệ thuật có giá trị”. Kinh doanh “tác phẩm” này được không nhỉ? Tại sao không?

Thế nên, bên cạnh những tấm lòng hào hiệp giúp đỡ Chánh Tín qua cơn hoạn nạn (mà tôi tin là rất vô tư), thì ai cấm được sự gia tăng giá trị cho thương hiệu của các đại gia giúp ông trong vụ này?

“Tác phẩm nghệ thuật” Chánh Tín có giá trị hơn số tiền mà ông đang nợ ngân hàng (mà vì số tiền ấy, ông có thể mất nhà). Tôi tin là các đại gia có “nghệ thuật kinh doanh” thì sẽ sẽ nhận ra điều này. Và xin hãy đừng ai bài xích gì họ nếu họ có đầu tư vào vụ “kinh doanh nghệ thuật” này. Vì nói cho cùng, nghệ thuật sống và phát triển được là nhờ có kinh doanh nghệ thuật, vốn là sở trường của các đại gia “xịn” – những người có nghệ thuật kinh doanh.

Vì thế, tôi đoán là Chánh Tín sẽ không mất nhà, và ông cũng sẽ trả hết nợ được cho ngân hàng. Ông sẽ trả được nhờ chính giá trị nghệ thuật mà ông đem lại cho cuộc đời này.

Vì yêu nghệ thuật, xin cảm ơn những người giúp đỡ Chánh Tín.


Trần Văn Sỹ

Ý kiến bạn đọc