Thu Minh hát "Tàu anh qua núi" bằng nhạc dance

07:06, 19/02/2014
|

(VnMedia) - Với phần phối khí theo phong cách nhạc dance sôi động, Thu Minh đã khiến ca khúc Tàu anh qua núi (Phan Lạc Hoa) mang một sắc thái hoàn toàn mới mẻ, trẻ trung được các khán giả trẻ rất yêu thích. Đó là một trong những tiết mục xuất sắc nhất trong chương trình Giai điệu tự hào số 2 với chủ đề Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình.

Ảnh minh họa

Giáo sư Văn Như Cương đang chia sẻ cảm xúc khi nghe các ca khúc


Từ cuốn nhật ký nổi tiếng của nữ liệt sỹ y khoa

Hà Nội, năm 
1966 , nữ sinh viên y khoa Đặng Thùy Trâm xung phong vào công tác ở chiến trường B. Tháng 3 năm 1967, chị phụ trách bệnh viện huyện  Đức Phổ , Quảng Ngãi - một bệnh xá dân sự nhưng chủ yếu điều trị cho các thương bệnh binh. Suốt 3 năm phục vụ tại đây cho tới 2 ngày trước khi hy sinh 20/6/1970, chị đã viết đầy hai tập nhật ký. Những trang viết kể về ký ức chiến tranh khốc liệt nhưng thấm đẫm niềm tin, dự cảm về ngày chiến thắng không còn xa. Chị mơ về hòa bình để được “cùng các bạn ung dung trên chiếc xe dạo qua vườn ươm cây”,“những con đường đỏ rực hoa phượng và căn phòng nhỏ thơm ngát hương sen… Mơ hoà bình trở lại để em được về với má em. Có thế thôi!”. Lấy tứ bắt nguồn từ cuốn nhật ký ấy, bản dịch tiếng Anh được mang tên “Last night I dreamed of peace” - Đêm qua, tôi mơ thấy hòa bình.

Giai điệu Tự hào cũng lấy lại tiêu đề này làm chủ đề cho số phát sóng thứ hai của mình. Những thước phim ghi lại ký ức lịch sử dân tộc và chặng đường âm nhạc trong thập kỷ 70 được phát lại. Sự khốc liệt của chiến tranh không chỉ hiển hiện ở hình ảnh Hà Nội đổ nát, máu thịt xương tan dưới mưa bom của pháo đài bay B52 nhưng vẫn kiên cường chiến đấu trong tiết mục Hà nội niềm tin và hy vọng - Phan Nhân. Sự khốc liệt của cuộc chiến còn khắc khoải, đau đáu trong tình yêu lứa đôi. Chia ly, nỗi nhớ, khát khao ngày đoàn tụ chỉ dám giấu kín, thổn thức trong những giấc mơ (Đêm nay anh ở đâu - Phan Huỳnh Điểu). Tin vui thắng trận từ khắp mọi miền, dự cảm về ngày thắng lợi không xa trong Lá đỏ  nay đã vỡ òa ở Đất nước trọn niềm vui. Vũ điệu valse của Mùa xuân đầu tiên chính là cái kết thật đẹp cho cả chặng đường “Tiến quân ca” đã dẫn cả dân tộc đi qua. Xin dành trọn Đêm qua, tôi mơ thấy hòa bình  như một món quà, một lời ngợi ca các tác phẩm được sáng tác trong thập kỷ 70.

Ảnh minh họa

Thu Minh thực sự ấn tượng khi làm mới Tàu anh qua núi bằng nhạc dance


Dance  dubstep và rock vào âm nhạc kinh điển

“Gần 40 năm, số lần biểu diễn Tàu anh qua núi của tôi đã lên tới mức cả ngàn lượt, tất nhiên là tôi vẫn thích hát theo phong cách cũ nhưng với riêng Giai điệu tự hào, tôi xin nhường đất cho các ca sĩ trẻ, hãy hát ca khúc ấy theo một phong cách mới, hiện đại hơn mà theo các bạn như thế mới là hay, hợp thời”, đó là lời từ chối của NSND Thanh Hoa khi ekip Giai điệu Tự hào gửi lời mời tham gia biểu diễn ca khúc vốn đã đóng đinh với tên tuổi của bà.

Khỏi phải nói cả ekip sản xuất của chương trình đã ngạc nhiên đến thế nào khi nhận được câu trả lời ấy. Lời đề nghị phóng khoáng nhưng cũng chính là một thách thức không hề dễ dàng. Làm mới ca khúc ấy ra sao và chọn giọng ca nào đủ nội lực thể hiện tác phẩm là một điều không hề đơn giản. Suy đi tính lại, Thu Minh và phong cách dance & dubstep sở trường là nơi “chọn mặt gửi vàng” của cả ekip.

Bước ra từ mô hình chuyến tàu Thống Nhất nối liền hai miền Bắc Nam, Thu Minh đã làm cả khán phòng bị thuyết phục hoàn toàn khi thể hiện ca khúc theo tiết tấu nhanh, dồn dập. Khách mời bình luận - nhà văn Trần Thị Trường, bạn thân, cũng chính là người chấp bút cho cuốn tự truyện của NSND Thanh Hoa chia sẻ trên sân khấu Giai điệu Tự hào: “Mấy chục năm nghe Thanh Hoa hát, tôi vẫn nghĩ sẽ chẳng ai có thể hát ca khúc này hay được như người bạn của mình nhưng tới hôm nay, khi nghe Thu Minh hát tôi xin được rút lại lời nhận xét ấy”.

Ảnh minh họa

Giáo sư Cù Trọng Xoay đang chia sẻ cảm xúc của mình


Giáo sư Cù Trọng Xoay - Đinh Tiến Dũng hóm hỉnh liên tưởng: “Nếu như con tàu của nhạc sĩ Phan Lạc Hoa ngày xưa chạy chậm đủ để người đi tàu thư thả quan sát vạn vật bên đường thì đoàn tàu trong bản phối của nhạc sĩ Quốc Trung khiến tôi liên tưởng tới tàu con thoi nối liền giữa các hành tinh trong cuốn truyện tranh Doremon yêu thích”. Lắng nghe ca khúc, khán giả xem truyền hình lần đầu tiên cũng được Nhà văn Phan Huyền Thư kể lại câu chuyện tình đầy cảm động xung quanh tác phẩm này của cha mình.

Quốc Trung làm rock? Hẳn nhiên rồi, chẳng ai còn lạ đẳng cấp rock của anh qua bao năm cầm quân Rock Storm xuyên Việt nhưng mang rock kết hợp với thính phòng vào nhạc cách mạng, ấy là một điểm mới của anh. Trong phần trình diễn Đất nước trọn niềm vui do NSƯT Đăng Dương và Thái Châu The Voice thể hiện, Quốc Trung cố ý đặt cạnh chất hào sảng, thính phòng chuẩn mực cùng nét bụi bặm, gằn giọng đặc trưng của Rock heavy metal để mang lại không khí hoàn toàn mới cho ca khúc. Ngồi trên cương vị khách mời bình luận của chương trình, hơn nữa lại là người đầu tiên thể hiện ca khúc Đất nước trọn niềm vui, NSND Trung Kiên liệu có thích bản phối mới của con trai mình? Đây cũng là phần trình diễn thu hút nhiều quan điểm trái chiều của hai Hội đồng bình luận nhất.

Ảnh minh họa

Đăng Dương và Thái Châu The Voice song ca Đất nước trọn niềm vui


Cũng là rock nhưng Tạ Quang Thắng cùng cây guitar của mình lại mang thế mạnh country vào tác phẩm Lá đỏ. Chiến tranh, bom rơi, đạn nổ, bước vào âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Hiệp chẳng hề tang thương. Qua tiếng hát của mình Tạ Quang Thắng tái hiện cả cung đường Trường Sơn mù bụi đỏ, những cánh rừng đổ ào ào dưới  sức tàn phá của màn mưa bom nhưng vượt lên trên hết, ấy là niềm tin, dự cảm ngày mai chiến thắng: “Chào em, em gái tiền phương… hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn”.

Ảnh minh họa

Mỹ Linh xuất hiện trong tà áo dài dung dị và duyên dáng


Xem giữa những phá cách ấy, màu sắc âm nhạc chính thống được thể hiện tròn trịa, chuẩn mực qua tiếng hát của hai diva Mỹ Linh và Hồng Nhung. Cách hát dung dị, nhẹ nhàng như kể chuyện của “Bống Hồng” trong ca khúc Mùa xuân đầu tiên đã khiến khách mời bình luận Hoa hậu Dương Thùy Linh và nhà văn Trang Hạ rơi lệ. Ở thời kỳ đất nước chia lìa, sự sống - cái chết quá nỗi mong manh ấy, cụm từ “hòa bình” vẫn thường trực trong những giấc mơ bởi vậy mùa xuân khi đất nước hòa bình với người nhạc sĩ tài hoa Văn Cao, đó mới là mùa xuân đầu tiên trong lòng người. Cũng trong phần bình luận về ca khúc này, nhạc sĩ Thụy Kha - đồng nghiệp, cộng sự thân thiết của cố nhạc sĩ Văn Cao đã kể lại về số phận lưu lạc của ca khúc - khác nhiều dị bản đã đăng tải trên truyền thông từ trước tới nay.

Ảnh minh họa

Lan Anh hát Đêm nay anh ở đâu


Sự khác biệt trong tình yêu của thế hệ xưa và nay cũng là một điểm thu hút của phần bình luận tác phẩm Đêm nay anh ở đâu qua tiếng hát của giọng ca thính phòng Lan Anh. Cũng trong số phát sóng thứ hai này, nghệ sĩ Minh Châu lần đầu tiên tiết lộ về mối tình đầu của chị. Nhà báo Hữu Thọ - Nguyên trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương hồi tưởng về kỷ niệm bật khóc khi nhận được thư vợ trong chiến trường. Nhìn những nụ cười và cả những giọt nước mắt đã rơi trên gương mặt hai hội đồng khán giả bình luận và khán giả tại hiện trường, có lẽ Giai điệu Tự hào đã làm được phần nào lời chia sẻ của nhà văn Trạng Hạ: “Âm nhạc chỉ là cái cớ để con người yêu nhau nhiều hơn”.


Nhật Anh

Ý kiến bạn đọc