Những tín hiệu vui trong mùa lễ hội

06:55, 20/02/2014
|

(VnMedia) - Do thực hiện tốt công tác quản lý, năm nay, đợt cao điểm về lễ hội trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có một số chuyển biến tích cực, đặc biệt là về công tác an ninh trật tự và vệ sinh môi trường.
 
Dạo một vòng qua các đền, chùa, phủ tại Hà Nội trong những ngày đầu năm, đặc biệt là ngày rằm tháng Giêng năm nay, có thể nhận thấy một điều nổi bật là ý thức tham gia lễ hội của người dân đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Hàng vạn người dân ngồi ngay ngắn, trật tự trước cổng chùa Phúc Khánh để chờ tới giờ tụng kinh niệm Phật. Hiện tượng chen lấn, xô đẩy tranh nhau vào đặt lễ, hiện tượng dải tiền lẻ, giắt tiền vào tay tượng đã được khắc phục rất nhiều.

Ðiểm sáng lớn nhất, ấn tượng nhất mà chúng tôi ghi nhận được tại Đại lễ cầu an ở tổ đình Phúc Khánh (Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội) hôm rằm tháng Giêng vừa qua chính là quang cảnh phong quang, sạch sẽ sau khi kết thúc khóa lễ. Nếu như những năm trước, sau khi hành lễ, nhiều phật tử đứng dậy để lại dưới chân la liệt hàng đống giấy báo, rác rưởi, tràn lan khắp một đoạn đường Tây Sơn thì năm nay, hiện tượng này đã giảm đáng kể. Người dân đã có ý thức hơn khi tự động bỏ báo, túi ni lông vào những điểm thu gom rác, đặc biệt khi thấy những tấm biển báo “Đi chùa không để lại rác cũng là công đức” được dựng lên ở khắp nơi.

Ảnh minh họa

(Ảnh minh họa: Internet)

Năm nay, lực lượng công an, dân phòng được bố trí dày đặc trước và trong khu vực chùa nên tình hình an ninh trật tự cũng như phương án phân luồng giao thông được đảm bảo tối ưu, hiện tượng ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm được xử lý kịp thời.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng vẫn còn tồn tại một số biểu hiện tiêu cực như cảnh chen lấn, xô đẩy nhau để tranh lộc trước các bàn phát lộc. Các dịch vụ ăn theo như trông xe, cho thuê ghế ngồi tự phát giá cao vẫn còn tồn tại với giá 20 đến 30 nghìn/xe máy; 10 đến 15 nghìn/1 chiếc ghế nhựa.

Tại Phủ Tây Hồ, ngay từ ngày mùng 1 Tết, hàng trăm, hàng nghìn Phật tử đã nô nức về chốn linh thiêng này để cầu phúc, cầu lộc cho bản thân và gia đình nhưng dường như ai cũng có ý thức hơn, ít còn cảnh nhốn nháo, chen lấn, xô đẩy để đặt lễ trên ban Tam bảo.

Dòng người đi lễ phủ Tây Hồ năm nay cũng không còn thường trực nỗi lo trộm cắp, ăn xin như mọi năm bởi lực lượng công an được bố trí từ ngoài vào đến tận trong phủ. Hiện tượng rải tiền cúng lễ cũng giảm tối đa do Ban quản lý đã bố trí người thu gom tiền đặt không đúng nơi quy định. Tuy nhiên, các khay đựng lễ phẩm, hương hoa vẫn bị đặt lộn xộn, xếp chồng lên nhau trên ban thờ tạo hình ảnh chưa đẹp mắt. Tiền giọt dầu vẫn được nhiều người đặt lên ban thờ, mặc dù những hòm công đức đã được nhà chùa để ngay cạnh đó.

Ảnh minh họa

(Ảnh minh họa: Internet)

Năm nay, Ngân hàng Nhà nước không in tiền mệnh giá nhỏ, đồng thời đã có văn bản cấm mọi hình thức trao đổi tiền lẻ ăn chênh lệch, nhưng tình trạng đổi tiền lẻ vẫn diễn ra ở phủ Tây Hồ, tổ đình Phúc Khánh, đền Ngọc Sơn, chùa Hà,... tuy không còn công khai như trước. Các đối tượng đổi tiền lẻ hoạt động cũng "kín đáo" hơn, "cơ động" hơn, họ không bày mà chỉ đi lại để tiếp cận, mời chào người có nhu cầu với tỷ lệ "10 ăn 8" , "10 ăn 7" (cứ 10 nghìn đổi lấy 7 hoặc 8 nghìn).  

"Phật pháp tại tâm", đi lễ chùa đầu năm cầu cho "quốc thái dân an", "dân tộc phú cường", "nhân dân an lạc" là nét văn hóa tâm linh nên được duy trì và gìn giữ, song cũng không nên chạy theo nó để tạo nên tâm lý đám đông. Ngoài các biện pháp quản lý, nên chăng các cơ quan chức năng cũng nên tuyên truyền cho người dân hiểu rõ những giá trị tốt đẹp của đạo Phật và ý nghĩa của các lễ hội, từ đó nêu cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng để gìn giữ nét đẹp trong đời sống tâm linh và nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt, tránh để chốn linh thiêng của nơi thờ cúng bị lợi dụng, thương mại hóa để kiếm tiền, cầu danh, cầu lợi cho bản thân.


Hồng Anh

Ý kiến bạn đọc